Đó là hàng loạt câu hỏi của Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát số 1 Thường trực HĐND TP.Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn hai huyện Ba Vì trong ngày 10.5.
Nhiều khu đất nông lâm nghiệp ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) đang xẻ thịt làm trang trại, biệt thự
Tại đây, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, huyện Ba Vì hiện đang sở hữu 11.000 ha trên tổng số hơn 22.000 ha đất nông, lâm nghiệp của toàn TP, nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế, phát sinh nhiều sai phạm.
Ngoài ra, huyện cũng có 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách và cả 8 dự án này đều chậm triển khai. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính; chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đáng chú ý, dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2008, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 158,34 ha, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai...
Đặc biệt, liên quan đến các công trình xây dựng tại xã Yên Bài, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời điểm hiện tại, xã Yên Bài “mọc” lên một công trình rộng 9.000 mét vuông như một cung điện.
Ông Nguyễn Hoài Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Không thể không biết ở đây có chuyện gì. Người dân đồn thổi, phải chăng của một lãnh đạo cấp cao. Tôi sẽ đề nghị Chủ tịch UBND TP làm rõ vấn đề này, làm đến cùng xem nó là cái gì. Chúng ta đang nói đến phòng chống tham nhũng mà ngang nhiên thế này, coi thường kỷ cương thì không được. Các đồng chí phải báo cáo đã kiểm tra thế nào, phát hiện thế nào, lập biên bản chưa, giấy phép xây dựng có hay không có, làm đúng quy định hay không?”
"Cung điện công chúa" xây dựng sai phạm trên địa bàn xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Trả lời vấn đề này, ông Bạch Công Tiến – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay, mảnh đất xây dựng công trình “cung điện công chúa” trên địa bàn xã Yên Bài đã được sang tên, đổi chủ nhiều lần. Hiện tại thuộc sở hữu của ông Lê Viêt Long – một bác sĩ ở Hà Nội.
Theo Chủ tịch huyện Ba Vì, sự việc xảy ra từ năm 2010, ban đầu chỉ xây như một nhà cấp 4. Đây là đất nông trường, theo Nghị định 01 được xây dựng 300 mét vuông đất ở. Tuy nhiên, Nghị định 01 không nói rõ là được xây dựng nhà kiên cố hay nhà tạm cấp 4 do đó người dân đã lợi dụng điều này để xây dựng công trình sai phép.
Lý giải cho việc không nắm được sự việc, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng, công trình trôi nổi qua nhiều chủ và “chính quyền không thể nào biết được vì không quản lý người ta”. Chỉ đến khi xây dựng công trình này, có một bà đồng cốt đến, xưng là công chúa nhà trời, có biểu hiện khác thường. Do vậy chính quyền quan tâm, để ý thì thấy có dấu hiệu xây dựng công trình tâm linh chứ không phải nhà ở nên đã ngăn chặn, yêu cầu phá dỡ nhưng “họ chưa chấp hành”.
Ông Tiến thông tin, huyện đã thành lập một đoàn thanh tra rà soát lại tất cả quá trình quản lý đất đai, mua bán, hồ sơ thủ tục, quá trình vi phạm. Tới đây đoàn thanh tra sẽ có kết luận và sẽ đề xuất hướng xử lý buộc phải tháo dỡ, cưỡng chế.
Vị Chủ tịch huyện Ba Vì khẳng định: “Chỗ này không có liên quan đến đồng chí cán bộ cao cấp nào cả, hoàn toàn là chuyện cá nhân”.
“Xung quanh chỗ này cũng là đất nông trường, cũng phức tạp, để lại hậu quả từ trước nên chúng tôi xử lý rất vất vả” – ông Tiến nói thêm.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành rà soát nguồn gốc đất, thực hiện chặt chẽ các bước, để thực hiện thu hồi các dự án nếu vi phạm Luật Đất đai, chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội ngày 3.5, ông Chu Văn Kỷ - Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Thụy An (huyện Ba Vì) phản ánh tình trạng hàng loạt các công trình không phép được xây dựng trên đất nông lâm trường trên địa bàn huyện.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch huyện Ba Vì việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện rất phức tạp, thậm chí có biểu hiện mua bán bất động sản, chuyển nhượng đất nông lâm trường. Bên cạnh đó, việc quy hoạch ở các nông lâm trường chưa rõ ràng phần nào đất ở, phần nào đất sản xuất và không bàn giao cho địa bàn quản lý.
Như Dân Việt đã đưa tin, tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì xuất hiện một công trình được gọi là “cung điện công chúa” xây dựng trên đất lâm nghiệp.
UBND xã Yên Bài cho biết đây là công trình xây dựng trái phép, chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích. UBND xã Yên Bài đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu đình chỉ xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính nhưng công trình vẫn “mọc” lên.
Lãnh đạo UBND huyện Ba Vì cho biết, thời điểm hiện tại, huyện đã cử lực lượng giám sát tại công trường xây dựng (đội 5, xã Yên Bài); đình chỉ mọi hoạt động xây dựng liên quan. Tổ công tác đang củng cố hồ sơ để UBND ra kết luận đầy đủ căn cứ pháp lý xử lý công trình vi phạm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.