Hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cao su Đắk Lắk "bốc hơi" như thế nào?

Duy Hậu Thứ năm, ngày 01/03/2018 20:55 PM (GMT+7)
Ông Huỳnh Văn Khiết thời làm Tổng Giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk (Dakruco) đã vung hàng trăm tỷ đồng vào nhiều dự án rồi thua lỗ, làm mất vốn Nhà nước. Đáng chú ý, trong một số công ty cổ phần thua lỗ, mà Dakruco nắm cổ phần chi phối, lại do hai người con trai của ông Khiết nắm quyền điều hành. Các sai phạm này đã được phát hiện từ nhiều năm qua, nhưng đến nay việc xử lý vẫn đang... chần chừ.
Bình luận 0

Đầu tư đến đâu, thua lỗ đến đó

Năm 2010, Dakruco góp 15 tỷ đồng (35,29% vốn) để thành lập Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk (Dakruthread). Sau đó không lâu, Dakruco tiếp tục cho Dakruthread "vay" thêm 135,5 tỷ đồng. Đáng chú ý là tại công ty này, con trai ông Huỳnh Văn Khiết (thời điểm đó là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Dakruco) là Huỳnh Bảo Minh góp 12 tỷ đồng (28,24%). Nhưng không hiểu vì sao, đến tháng 7.2011, Huỳnh Bảo Minh lại ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Dakruthread mà không phải đại diện của Dakruco.

img

Dù ở vị trí đắc địa nhưng cụm dịch vụ khách sạn Dakruco vẫn làm ăn thua lỗ.

Sau 3 năm hoạt động, đến cuối năm 2013, "con" của Dakruco lỗ lũy kế 64 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết năm 2014, ngoài khoản nợ công ty mẹ 135 tỷ đồng (đã chuyển thành vốn góp), Dakruthread còn thua lỗ dẫn đến mất phần vốn đầu tư bằng cổ phiếu là 15 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2005, Dakruco thuê hơn 1.336ha rừng của tỉnh Đắk Lắk để làm dự án Du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn, lập Trung tâm Du lịch Bản Đôn (TTDLBĐ) tại huyện Buôn Đôn. Chỉ sau mấy năm hoạt động, TTDLBĐ đã lỗ tới 45 tỷ đồng, được Dakruco “xử lý hòa nhập” hết vào kết quả kinh doanh toàn ngành.

Năm 2011, Dakruco xin tỉnh cho chuyển đổi TTDLBĐ thành Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Bản Đôn, tự thuê một đơn vị kiểm toán định giá tài sản của TTDLBĐ được hơn 67,5 tỷ đồng và 1 doanh nghiệp tư nhân vừa được chọn vào vai đồng sáng lập viên nữa là Công ty TNHH Huỳnh Phước (cũng do con trai ông Khiết - Huỳnh Bảo Minh làm giám đốc) được định giá 20 tỷ đồng.

img

Công ty cổ phần chỉ thun Đắk Lắk đã khiến Công ty cao su Đắk Lắk thua lỗ ê chề.

Không hiểu sao, sau đó, quyền điều hành Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Bản Đôn không phải là đại diện của Dakruco mà là ông Huỳnh Nguyên Khải - một người con trai khác của ông Khiết. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm ngừng hoạt động (cuối năm 2013), công ty này lỗ lũy kế 26 tỷ đồng, phần lỗ trên vốn góp của Dakruco hơn 10 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2009, Dakruco đưa Dự án cụm dịch vụ khách sạn Dakruco (phía Bắc TP.Buôn Ma Thuột) vào kinh doanh. Đến năm 2015, dự án này âm vốn chủ sở hữu hơn 122 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án trồng cao su ở Kon Tum của Dakruco cũng kém hiệu quả, làm mất vốn 94 tỷ đồng.

Sau hàng loạt dự án vung tiền dẫn đến thua lỗ, mất vốn Nhà nước, năm 2012 ông Huỳnh Văn Khiết nghỉ hưu. 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tái cơ cấu Dakruco, trong đó có việc thu hồi các khoản đầu tư thất thoát. Tại chi nhánh trồng cao su ở tỉnh Kon Tum (có giá trị đầu tư đến hết 2014 là hơn 219 tỷ đồng), đầu năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá 125 tỷ đồng. Đối với Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Bản Đôn, năm 2011 được định giá tới trên 67 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 chỉ được bán 30 tỷ đồng. Riêng cụm dịch vụ khách sạn Dakruco, hiện vẫn chưa thoái vốn được vì chưa tìm được nhà đầu tư.

Còn Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk, trả lời PV Dân Việt ngày 1.3, ông Bùi Quang Ninh, Tổng Giám đốc Dakruco, cho biết, hiện số vốn mà Dakruco đầu tư vào Dakruthread vẫn chưa thể thu hồi, bởi Dakruthread vẫn đang thua lỗ do… tình hình chung của ngành nghề này.

Đang tiếp tục điều tra

Ngày 28.2, thông tin từ ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk, UBKT tỉnh ủy vừa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý kỷ luật đối với Đảng ủy Dakruco khóa X (giai đoạn 2010-2015) và ông Huỳnh Văn Khiết.

Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đảng ủy Dakruco khóa X đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; không chấp hành nghiêm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng ủy dẫn đến công ty và cán bộ, đảng viên thực hiện một số nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh không đúng quy định, thiệt hại vốn Nhà nước. Các vi phạm, khuyết điểm này đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng.

img

Theo lãnh đạo Dakruco, Dakruthread vẫn đang thua lỗ do... tình hình chung.

Đối với ông Huỳnh Văn Khiết, trong cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk (giai đoạn 2008 - 2010); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk (giai đoạn 2010 - 2012), đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành không nghiêm quy chế làm việc của Đảng ủy công ty, Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty; trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đã vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng, tài chính, gây thiệt hại vốn Nhà nước.

Cũng qua đợt kiểm tra này, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng khẳng định, ông Văn Đức Lư (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Dakruco) và Bùi Quang Ninh (Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Dakruco) vì trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Dakruco (2010 - 2015), Kiểm soát viên của công ty (2010 - 2012) cũng có những vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật.

Khuyết điểm của hai ông này là cùng tập thể Đảng ủy Dakruco (2010 - 2015) buông lỏng lãnh đạo, dẫn đến công ty và cán bộ, đảng viên thực hiện một số nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh không đúng quy định, thiệt hại vốn Nhà nước; Trong thời gian đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bản Đôn, đã không đề nghị Dakruco rút vốn góp và không báo cáo cấp có thẩm quyền trong việc Dakruco góp vốn vào Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Bản Đôn và Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk, vi phạm của ông Lư và ông Ninh đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên không xem xét xử lý. Chúng tôi đã liên lạc với Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk để làm rõ vấn đề này nhưng ông Lĩnh cho biết mình đang nghỉ phép.

Ngày 1.3, trao đổi với PV Dân Việt, đại tá Nguyễn Trọng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, cơ quan này vẫn đang tiếp tục điều tra những sai phạm tại Dakruco, chưa có kết quả cụ thể.

Theo tìm hiểu của PV, các sai phạm nêu trên xảy ra trước năm 2012. Trong thời gian đó ông Ninh và ông Lư chỉ là uỷ viên thường vụ, kiểm soát viên biết việc góp vốn là trái quy định nhưng không báo cáo và đề nghị rút vốn. Hành vi này chưa đến mức cảnh cáo (thời hiệu khiển trách là 5 năm do vậy đã hết thời hiệu). Còn ông Khiết là người chỉ đạo, quyết định, có người nhà liên quan (cảnh cáo và cách chức với thời hiệu 10 năm, khai trừ Đảng là không có thời hiệu) do vậy sẽ có hình thức xử lý tới đây. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem