Vụ sạt lở sông Vàm Nao, nối sông Tiền và sông Hậu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn sạt lở trên diện rộng. TS có thể cho biết thực trạng sạt lở, xói mòn của hệ thống sông Cửu Long những năm qua?
- Những năm qua, hiện tượng sạt lở ở các tỉnh thuộc ĐBSCL khá phổ biến, ngày càng tăng cả về phạm vi và tốc độ. Theo thống kê hàng năm, có khoảng gần 400 vị trí xảy ra sạt lở bờ trên toàn hệ thống sông Cửu Long.
Mỗi đợt sạt lở có thể trên đoạn bờ dài khoảng vài chục mét đến hàng trăm mét, lấn sâu vào bờ khá lớn khoảng vài chục mét. Có những vị trí có thể đến hơn 50m. Thiệt hại về mất đất cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống ở ven sông là không nhỏ. Qua thống kê sơ bộ, hàng năm có khoảng 150 ha đất của các tỉnh ĐBSCL bị sụp đổ xuống sông.
Cảnh sông Vàm Nao giận giữ “nuốt” đất ở của người dân. Ảnh: B.H
Hiện nay, các nước tiên tiến đang xem xét thực hiện các công trình chỉnh trị theo quan điểm bảo vệ, khôi phục tự nhiên, tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sĩ, Úc... đã xây dựng các tuyến đê sinh thái, khôi phục các dải cây hai bên bờ sông, dỡ bỏ các công trình cứng che phủ trên sông.
|
Theo TS, cần có những giải pháp căn cơ nào để chỉnh trị dòng sông?
- Để có những giải pháp căn cơ, trước hết cần điều tra, khảo sát, đánh giá liên quan đến diễn biến xói bồi lòng dẫn sông. Trước đây đã có một số dự án điều tra cơ bản, một số đề tài nghiên cứu. Bước đầu đã đề xuất được những giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở bờ gây ra.
Tuy nhiên, gần đây có nhiều biến động như: Sự thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực dòng chảy do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu toàn cầu (mưa, bão, lũ, nước biển dâng…), cùng ảnh hưởng của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong… dẫn đến các quy luật về dòng chảy, bùn cát, hình thái lòng dẫn… cũng sẽ thay đổi không như các nghiên cứu trước đây.
Vì vậy, việc xây dựng các trạm quan trắc định kỳ thường xuyên trên hệ thống sông Cửu Long là hết sức quan trọng và cần thiết. Tình trạng lở đâu chống đó, không tuân theo một quy hoạch chỉnh trị nào rất dễ gây ra mâu thuẫn. Bởi chống sạt lở nơi này có khi lại gây ra sạt lở ở nơi khác. Vì vậy cần phải có nghiên cứu quy hoạch chỉnh trị tổng thể cho hệ thống sông Cửu Long.
Trên cơ sở nghiên cứu sự phát triển của hình thái sông, lợi dụng xu thế phát triển (xói, bồi) của sông rạch để đưa ra một kế hoạch nhằm uốn nắn, ổn định thế sông thông qua các công trình chỉnh trị hợp lý.
Quy hoạch này bảo đảm thỏa mãn yêu cầu phát triển của tất cả các ngành kinh tế khác như thủy lợi (bảo đảm tiêu thoát lũ, lấy nước…), phát triển giao thông thủy (quy mô của tuyến luồng, cảng sông…), giao thông bộ (cầu qua sông), phát triển cơ sở hạ tầng khác như du lịch, dịch vụ…
Có những khu vực sạt lở nhưng sẽ không cần xây dựng công trình. Đồng thời cũng có những khu vực phải được “kiên cố hóa”.
Các giải pháp này liệu có khả thi? Các cơ quan chức năng nào cần tham gia?
- Để thực hiện được các giải pháp này phải có sự tham gia của nhiều ngành, địa phương và người dân. Các giải pháp phải thực hiện đồng bộ, thống nhất. Từ việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, vận động người dân trong công tác phòng tránh sạt lở, xây dựng cơ chế chính sách trong quản lý giám sát các hoạt động khai thác lòng dẫn sông và dải đất ven sông.
Cùng với đó là việc xây dựng các trạm đo quan trắc, cảnh báo, xây dựng các công trình chỉnh trị… mới có thể phát huy hiệu quả cao. Chi phí thực hiện các giải pháp này không nhỏ, tuy nhiên để thực hiện sẽ phải có những tính toán phân kỳ đầu tư hợp lý. Quan trọng nhất là phải xây dựng được quy hoạch chỉnh trị tổng thể. Trên cơ sở đó xem xét phân chia trình tự thực hiện hợp lý, ưu tiên thực hiện cho những giải pháp có tính ảnh hưởng rộng, tác động lớn trước.
TS dự đoán thế nào về tương lai mở rộng thêm đôi bờ của sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao?
- Qua một số tài liệu đo đạc khảo sát lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao đang hạ thấp dần. Một trong những nguyên nhân do khai thác cát trái phép.
Còn khi một loạt công trình đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong hoàn thành đi vào hoạt động thì nguy cơ thiếu hụt bùn cát về sông Cửu Long rất lớn. Do đó, khả năng bờ sông bị sạt lở, mở rộng lòng dẫn có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Để có những dự đoán về sự mở rộng lòng sông một cách định lượng cụ thể, đòi hỏi phải có những nghiên cứu tính toán tổng thể, kết hợp phân tích, kiểm định các số liệu từ các trạm đo quan trắc các yếu tố cơ bản được xây dựng trên hệ thống.
Nhìn chung, vấn đề chỉnh trị ổn định một dòng sông là rất khó khăn, phức tạp và còn tùy thuộc vào điều kiện khác về kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.