Pháp luật còn khoảng trống về dâm ô trẻ em
Ngày 22.4, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thanh Tùng xác nhận, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4 đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP.Đà Nẵng, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Đà Nẵng, hiện đang là thành viên Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) để điều tra về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Ông Linh được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, theo xác nhận của chính quyền địa phương, ông Linh không thấy xuất hiện tại nhà riêng ở Đà Nẵng.
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia pháp lý nhận định, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Linh là rất đúng đắn, đúng người, đúng tội, góp phần làm cho người dân thêm tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, hiện nay pháp luật Việt Nam đang còn khoảng trống đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Luật sư nêu quan điểm, việc Công an quận 4 (TP.HCM) khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Linh tuy là muộn nhưng đúng người, đúng tội.
Với hành vi dâm ô với người từ đủ 16 tuổi thì đang không có chế tài xử lý. Ngoài ra, theo luật sư Cường, chưa có những khái niệm cụ thể về hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác, tấn công tình dục, quấy rối tình dục, dâm ô...
Điều này dẫn đến khó khăn trong nhận diện và áp dụng các điều luật hiện nay để xử lý đối với các hành vi xâm hại tình dục nói chung xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
“Bởi vậy, trong thời gian tới đây việc áp dụng pháp luật cần có văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật đối với các hành vi xâm hại tình dục nói chung, hành vi xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, để có đủ công cụ pháp lý để xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi này” – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.
Đối với vụ án dâm ô trẻ em xảy ra tại chung cư Galaxy 9, theo vị luật sư này, hành vi dâm ô thể hiện qua clip là rất rõ ràng.
Hành vi dâm ô là hành vi có tính chất tình dục, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác nhằm thỏa mãn hoặc kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích quan hệ tình dục.
Nếu hành vi dâm ô của người từ đủ 18 tuổi đối với người chưa đủ 16 tuổi thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, phải xử lý theo điều 146 BLHS năm 2015.
“Hành vi của đối tượng Nguyễn Hữu Linh là nhiều lần ôm, hôn vào miệng và sờ soạng vào người bé gái thì rõ ràng là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Chỉ cần xác định rõ nhân thân của đối tượng và nhân thân của người bị hại là có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo thông tin sự việc thì khoảng 10 ngày là cơ quan điều tra đã có đủ các thông tin này, tuy nhiên đến nay mới khởi tố là có phần chậm trễ, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận” – luật sư Cường nhìn nhận.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể với hành vi xâm hại tình dục trẻ em để có thể xử lý những loại tội phạm này.
Chiếu theo quy định của pháp luật, vị luật sư của đoàn luật sư TP.Hà Nội dẫn chứng, theo quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự, đối với những tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và nghiêm trọng thì không bắt buộc phải tạm giam để điều tra.
Tuy nhiên nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc trường hợp nghiêm trọng nhưng có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở điều tra, xúi giục người khác khai báo gian dối, có nguy cơ tiếp tục phạm tội... thì vẫn có thể tạm giam để điều tra.
“Bởi vậy trong trường hợp nếu Nguyễn Hữu Linh thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra vẫn có thể tạm giam với đối tượng này để điều tra theo quy định pháp luật” – ông Cường cho biết thêm.
Cách hiểu về dâm ô không còn phù hợp thực tế
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện nay các cơ quan tố tụng có khoảng thời gian xác minh hành vi có dấu hiệu tội phạm trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc phức tạp thì thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Với vụ việc của ông Linh, về thời hạn cơ quan cảnh sát điều tra đã tuân thủ đúng quy định tại điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Nhưng có thể thấy hành vi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm, bức xúc nên thực tế đòi hỏi cơ quan tố tụng phải khẩn trương, nhanh chóng hơn nữa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhanh tróng xác minh hành vi phạm tội.
Theo luật sư Quách Thành Lực, để xác định một hành vi xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể là dâm ô trẻ em về mặt khoa học pháp lý gặp nhiều khó khăn.
Tính đến thời điểm hiện nay, căn cứ để xác định một hành vi dâm ô được quy định tại hai văn bản gồm:
Thứ nhất “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11.5.1967 của TAND tối cao).
Tội dâm ô được hướng dẫn cụ thể: “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).
Theo luật sư Quách Thành Lực, cách hiểu về dâm ô như văn bản trước đây đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BNV ngày 2.1.1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đã hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".
“Việc sử dụng cách hiểu về hành vi dâm ô như nêu tại Bản tổng kết… số 329 HS2 và Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT nêu trên không còn phù hợp với tình hình hiện nay, càng khiến cho việc xử lý tội phạm thuộc loại này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội” – luật sư Quách Thành Lực nhận định.
Theo luật sư của Công ty luật TNHH LSX, về mặt khách thể được pháp luật bảo vệ trong tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, hành vi dâm ô trẻ em đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.
Quan điểm lập pháp về hành vi dâm ô và quan niệm, hiểu biết của xã hội về hành vi dâm ô còn có một độ vênh khá lớn. Các hành động cưng, nựng bày tỏ tình cảm với trẻ thơ rất phổ biến, diễn ra thường xuyên trong đời sống xã hội. Giới hạn hành vi, mức độ ra sao để phân biệt giữa mong muốn tình cảm và mong muốn tình dục của người thực hiện hành vi rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào cảm tính.
“Trong thời gian sắp tới Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành hướng dẫn cụ thể chỉ ra khái niệm thế nào là dâm ô, dâm ô trẻ em, cùng với đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tôi cao cần công bố Án lệ về tội danh trên giúp cơ quan tiến hành tố tụng có đủ căn cứ cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý loại tội phạm dâm ô người dưới 16 tuổi” – luật sư Lực nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em tránh xâm việc bị xâm hại tình dục, giới hạn hành vi biểu lộ tình cảm của người lớn với trẻ em để phân biệt với hành vi dâm ô cần phải được đẩy mạnh sâu rộng trong toàn xã hội cũng được vị luật sư nhấn mạnh cần phải tăng cường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.