Khởi tố Trịnh Xuân Thanh theo điều 165 LHS 1999 có đúng luật?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) Thứ bảy, ngày 17/09/2016 07:54 AM (GMT+7)
​Nhiều ý kiến cho rằng điều 165 trong Luật hình sự 1999 quy định về tội danh "Cố ý làm trái..." đã không còn và vì thế, theo nghị quyết 109 thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Do vậy không thể khởi tố Trịnh Xuân Thanh và 4 bị can tại PVC theo điều luật này. Dưới đây Dân Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Thế Truyền xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, sau một ngày có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can liên quan tới việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC, chiều 16.9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP xây lắp dầu khí - PVC về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. 

Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định ông Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46 Bộ công an đã ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông này.

Tuy vậy có không ít ý kiến cho rằng điều 165 trong Luật hình sự 1999 quy định về tội danh "Cố ý làm trái..." đã không còn và vì thế, theo nghị quyết 109 thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Do vậy không thể khởi tố Trịnh Xuân Thanh và 4 bị can tại PVC theo điều 165 được.

img

Ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo tinh thần áp dụng các quy định có lợi cho bị can, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội theo Bộ luật Hình sự 2015 (đã được hoãn thi hành), Điều 165 đã bị loại bỏ ra khỏi Bộ luật hình sự và những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế trước kia được điều chỉnh bởi điều luật này sẽ được quy định cụ thể hơn thành các tội danh độc lập quy định tại Mục 3 - chương XVII - các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, như: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219), Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224).

Tuy nhiên, việc lùi thời gian có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 (đáng lẽ có hiệu lực từ 1.7.2016 nhưng phải lùi lại do phát hiện có hàng chục lỗi sai trong bộ luật quan trọng này-NV) dẫn đến việc chưa thể áp dụng các tội danh trên theo luật mới 2015.

Vậy, căn cứ áp dụng các quy định có lợi cho bị can, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội được thực hiện theo Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29.6.2016 và Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội sẽ được áp dụng như thế nào trong trường hợp này?

Theo quy định tại Điểm e Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, đối với một số tội danh trong đó có tội Cố ý làm trái..., quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự 1999, nếu vụ việc “xảy ra trước 0 giờ ngày 1.7.2016 mà sau thời điểm đó, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý…”. Còn “nếu sau thời điểm 0 giờ ngày 01.7.2016, vụ việc mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... theo điều 165".

Chính vì thế thời điểm “phát hiện” hành vi phạm tội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tiễn cũng như trong chính vụ việc cụ thể này.

Tuy nhiên cần phải hiểu với tính chất là giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và về pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự. 

Giai đoạn này được bắt đầu từ khi nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự có liên quan đến hành vi đó.

Thường thì với các vụ án liên quan đến tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, giai đoạn nhận tin báo tội phạm, xác minh, thu thập chứng cứ thường mất khá nhiều thời gian, việc xác định hành vi phạm tội thường rất khó khăn, việc “phát hiện hành vi phạm tội” không đơn thuần là một thời điểm nào cụ thể mà nó cả một quá trình và nó phải được hiểu là từ khi tiếp nhận tin tố giác đến khi có quyết định khởi tố hay không khởi tố. 

img

LS Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh).

Trong vụ án xảy ra tại PVC, thời điểm phát hiện những dấu hiệu của hành vi vi phạm có thể xác định căn cứ theo kết luận Thanh tra Chính phủ từ năm 2014 tại đơn vị này, theo đó những sai phạm của lãnh đạo PVC đã được xác định trong thời điểm năm 2013 và những năm trước đó. 

Như vậy có thể khẳng định việc phát hiện hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh và 4 đồng phạm tại PVC là trước thời điểm 1.7.2016 chứ không phải từ lúc khởi tố vụ án.

Tuy vậy, từ lúc phát hiện hành vi sai phạm đến lúc xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật đó mất khá nhiều thời gian, để cuối cùng Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án và bị can vào các ngày 15, 16.9 vừa qua.

Việc điều tra kéo dài này đã để xảy ra hậu quả là đối tượng Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, công an phải truy nã toàn quốc và quốc tế gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử sau này. 

Nhưng có thể khẳng định, việc khởi tố Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm theo điều 165 Bộ luật hình sự 1999 là hoàn toàn đúng luật.

Cũng có ý kiến băn khoăn nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ở nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định hợp tác dẫn độ thì sẽ khó khăn cho việc bắt đối tượng này? 

Về vấn đề này, Việt Nam hiện đã có Luật tương trợ tư pháp 2007 và kể từ đó Việt Nam đã tham gia, gia nhập, ký kết khá nhiều các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương. 

Trong trường hợp đối tượng Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở những nước mà Việt Nam chưa có hiệp định tương trợ tư pháp song phương và đa phương, thường Chính phủ hai nước sẽ sử dụng phương pháp có qua có lại theo quan hệ quốc tế để được trợ giúp trong việc truy bắt, dẫn độ đối tượng bị truy nã về nước phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem