Cụ thể, trong điều 6, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có đưa ra quy định về hình thức đào tạo. Theo đó, tương lai các trường ĐH chỉ có hai hình thức đào tạo là tập trung và không tập trung để nói đến hình thức đào tạo như thế nào. Đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD ĐT) cho biết, nếu theo quy định này thì tới đây, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trong văn bằng nữa, đồng nghĩa với việc, các trường ĐH sẽ chỉ cấp 1 loại văn bằng cho các hình thức đào tạo, không phân biệt giữa hệ tại chức và chính quy.
Bằng tại chức bị nhiều đơn vị "quay lưng" khi tuyển dụng. (Ảnh minh họa: Sa tế)
Đề xuất này của Bộ GD ĐT đã khiến không ít người bày tỏ sự lo ngại.
Bạn T.T.P. – sinh viên ĐH Mỏ Địa chất cho rằng, hiện đang có khá nhiều khác biệt giữa hệ tại chức và chính quy, trong khi đại học chính quy phải vượt qua kỳ thi đầu vào rất khắt khe, học tập suốt 4 năm chuẩn chỉ thì hệ tại chức thi đầu vào rất dễ (hầu như cứ thi là đỗ) và đầu ra cũng tương tự...:
“Em biết có rất nhiều người đang học tại chức nhưng vì không có thời gian học nên thuê sinh viên chúng em đi học hộ, kiểm tra hộ. Dịch vụ thuê người học hộ cho các học viên tại chức cũng nhan nhản trên mạng. Nếu như không có sự kiểm soát về chất lượng, sự khắt khe trong đào tạo thì sẽ rất không công bằng đối với những bạn học chính quy như chúng em” – P. bày tỏ.
Mặc dù đồng tình với việc không phân biệt bằng cấp là một xu thế cần hướng tới trong tương lai nhưng GS Đào Trọng Thi – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội cũng phải thừa nhận, chất lượng đào tạo tại chức hiện nay có rất nhiều vấn đề và việc kiểm soát vẫn không thể bằng được với hệ đào tạo chính quy.
Ông Thi cho rằng: “Nếu không có biệt pháp kiểm soát chặt chẽ từ tuyển sinh, đào tạo đến cấp bằng thì dù Nhà nước, pháp luật có quy định là không phân biệt bằng cấp các nhà tuyển dụng vẫn không thể tin tưởng được”.
Đó cũng là lý do mà đã có hàng loạt doanh nghiệp tư nhân và đơn vị sự nghiệp từng nói "không" với lao động tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức. Mới đây, tại Quảng Ngãi, hoàng loạt cán bộ cũng phải “lội ngược dòng” đi học lại lấy bằng đại học chính quy mặc dù đã có bằng thạc sĩ đi lên từ đại học tại chức.
Lãnh đạo tỉnh này cũng giải thích, quy định “cứng” về điều kiện bổ nhiệm chức vụ của địa phương này là nhằm nâng cáo chất lượng cán bộ địa phương. Trước đó, hàng loạt các tỉnh như Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Bình... cũng nói không với hệ tại chức.
Nói về vấn dề này, bà Phụng cho biết, ngành giáo dục sẽ xây dựng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn nhất.
“Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình và phải cẩn thận khi cấp bằng. Xã hội cũng có những giám sát nhất định. Về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm kiểm định chất lượng. Sắp tới, vấn đề kiểm định các trường sẽ được đẩy mạnh nhất là kiểm định chương trình, kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng cho chương trình đó” – bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, nếu như có phát sinh tiêu cực thì trước hết sinh viên của nhà trường sẽ không đồng ý và đấu tranh khi bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không đảm bảo chất lượng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.