Kiến nghị hoãn dự án thủy điện ở Lào để bảo vệ 20 triệu dân ĐBSCL

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 12/05/2017 15:49 PM (GMT+7)
Cho rằng những nghiên cứu đánh giá về dự án thủy điện Pắc - Beng của Lào thời gian qua chưa đầy đủ, các nhà khoa học khu vực ĐBSCL đã có ý kiến đề xuất hoãn xây dựng dự án trên.
Bình luận 0

Sáng nay (12.5), tại TP.Cần Thơ, Ủy hội sông Mê Công Việt Nam (Bộ TNMT) đã tổ chức hội thảo tham vấn cho dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào. 

img

Nhà khoa học ĐBSCL có ý kiến nên tạm hoãn dự án thủy điện ở Lào (trong ảnh là PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ).

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, dự án thủy điện Pắc - Beng nếu xây dựng sẽ làm giảm lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu, dẫn đến suy giảm nguồn dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ĐSBCL. Ngoài ra, những dòng chảy ở ĐSBCL sẽ bị thay đổi, mức độ xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng có xu hướng bất thường và dự báo sẽ gia tăng…

img

ĐBSCL bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng do phù sa trên thượng nguồn sông Mê Công về ít.

Các nhà khoa học khu vực ĐBSCL cho rằng, phần nghiên cứu tác động tiêu cưc của dự án vẫn chưa đầy đủ, giải pháp ứng phó đưa ra chưa hoàn chỉnh trong khi dự án tác động rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20 triệu dân ĐBSCL. Vì vậy, các nhà khoa học đã cùng nhau kiến nghị phía quốc gia bạn tạm hoãn dự án trên.

“Số liệu mà nhóm chuyên gia đưa ra cũ, giải pháp cũng lạc hậu, vì vậy, tôi đề xuất với các cơ quan có chức năng đề nghị với phía Lào hoãn việc xây dựng thủy điện này để chúng ta có những đánh giá kỹ hơn, tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian tới” - PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nói.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, nên đề nghị hoãn việc xây dựng thủy điện Pắc - Beng để làm lại các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn, chất lượng hơn.

Theo GS. TS Nguyễn Ngọc Trân, cơ chế vận hành thủy điện Pắc – Beng chưa được nêu, trầm tích giữ lại trên đó và chảy xuống hạ lưu không được đề cập. Nơi xây dựng thủy điện này là khu vực thường xuyên xảy ra động đất rất mạnh nhưng cũng chưa có báo cáo nào nói đến.

img

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, các ý kiến trên sẽ được xem xét. Bộ trưởng Hà nhận định, không chỉ có Việt Nam mà ngay cả người dân Lào cũng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện trên nếu không có những đánh giá toàn diện, lâu dài. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đang tích cực tập hợp đầy đủ thông tin và sẽ có những kiến nghị trực tiếp đến Ủy hội sông Mê Công quốc tế cũng như báo cáo với lãnh đạo cấp cao kiến nghị với phía Lào.

Trước khi tiến hành xây dựng dự án thủy điện Pắc - Beng trên, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất quá trình tham vấn trước cho dự án (từ 12.2016 đến 6.2017). Để trợ giúp Ủy hội sông Mê Công quốc tế ra quyết định về đề xuất xây dựng dự án thủy điện trên, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với vai trò đầu mối đã thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu tác động của dự án thủy điện Pắc - Beng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem