Kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: "Nỗi đau chính trị, nỗi đau tinh thần"

Lương Kết (thực hiện) Thứ bảy, ngày 05/11/2016 12:19 PM (GMT+7)
"Về hưu rồi vẫn bị đưa ra xử lý, đó là nỗi đau chính trị, tinh thần, đó mới là cái đau lớn, bởi các cụ có dạy "Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Huy Hoàng.

Việc Đảng tiến hành cách chức một người đã nghỉ hưu như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng có phải là chưa từng có tiền lệ, thưa ông?

- Việc cách chức đối với người đang đương chức thì diễn ra nhiều, còn trường hợp một cán bộ cao cấp về hưu mà bị cách chức như ông Vũ Huy Hoàng, tôi thấy đây là lần đầu tiên. Trường hợp vi phạm như của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - cũng chỉ bị cảnh cáo.

Mặc dù đã nghỉ hưu, một người có những vi phạm trong thời gian công tác vẫn bị đưa ra xử lý nghiêm minh, theo ông điều này mang lại ý nghĩa gì?

- Lâu nay, vẫn có tình trạng "hạ cánh an toàn", nghĩa là trong thời gian công tác, anh vi phạm, lẽ ra anh phải bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố nhưng đã về hưu rồi thì không ai động đến, không xử lý anh nữa. Cũng bởi thời gian trước đây chúng ta không tiến hành xử lý nên nhiều vị cán bộ lãnh đạo trước khi về hưu lại tranh thủ làm "chuyến tàu vét". Nếu như tình trạng đó vẫn tiếp diễn, nhiều cán bộ sẽ thoái hóa biến chất, tàn phá đất nước và để lại hậu quả lớn trước khi về hưu.

Việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng cho thấy sự đổi mới trong lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện ý nguyện của nhân dân. Đó chính là xử lý nghiêm những sai phạm không có vùng cấm, không từ ai, khi có vi phạm phải bị xử lý, cả khi đương chức cũng như khi đã về hưu.

Vụ việc này cũng là một bước tiến mới của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Về mặt Đảng, ông Vũ Huy Hoàng đã bị xử lý cách chức. Vậy về mặt Nhà nước và Quốc hội, khi người đó không còn chức quyền, việc xử lý có khó khăn không, thưa ông?

- Tôi nghĩ không có gì khó cả, người ta sẽ căn cứ vào thời kỳ anh làm nhiệm vụ đó, ví dụ như anh được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ quyền hạn của anh rất rõ ràng. Tuy nhiên, anh lại sử dụng quyền hạn để tư lợi hoặc làm sai các quy định. Thời điểm đó vì lý do này, lý do khác nên chưa phát hiện ra vi phạm của anh để xử lý. Tới thời điểm hiện tại, khi vấn đề bộc lộ ra, Nhà nước và Quốc hội sẽ xem xét xử lý theo quy định.

Trong trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, những vi phạm đã được cơ quan chức năng làm rõ trong thời điểm hiện tại cần được xử lý. Đảng đã xử lý ông này bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Còn về mặt Nhà nước và Quốc hội, ông Hoàng nguyên là Bộ trưởng, nguyên là đại biểu Quốc hội. Bên Đảng, chức danh Bí thư Ban Cán sự là trách nhiệm chính trị còn vai trò Bộ trưởng là trách nhiệm pháp lý. Anh ở vị trí Bộ trưởng mà có những vi phạm để lại hậu quả thì phải chịu trách nhiệm với những vi phạm đó.

Với việc Ban Bí thư đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng, đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính với ông Vũ Huy Hoàng đảm bảo đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng, tôi nghĩ Chính phủ sẽ xem xét, đề nghị Quốc hội cách chức Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng ở giai đoạn đó. Ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, anh được đề nghị Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng, nhưng anh lại có những vi phạm, không còn đủ các điều kiện để giữ cái danh đó thì vẫn bị cách chức. Như thế về mặt hồ sơ, lý lịch anh không được công nhận là Bộ trưởng ở giai đoạn đó.

Có luồng ý kiến cho rằng xử lý người về hưu chỉ là hình thức vì họ không còn gì để mất, ông nghĩ sao?

- Người ta hay nghĩ khi một người đang đương chức mà bị cách chức và mất quyền lực, quyền lợi thì đau đớn, còn về hưu rồi việc cách chức chỉ là hình thức, trên giấy tờ. Nhưng tôi nghĩ cái quan trọng nhất là danh dự, tiếng tăm, các cụ có dạy: "Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Tôi nghĩ điều này mới đau đớn hơn cả, đau là bởi nó để lại vết nhơ chính trị ghê gớm cho con người.

Nhiều khi con người ta chết vì nỗi đau chính trị, nỗi đau về tinh thần chứ không phải vì vật chất. Việc họ làm bậy, cho dù đã về hưu vẫn bị đưa ra xử lý, đó là sự đau khổ, tủi nhục, hổ thẹn với dòng tộc, với mọi người.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem