Những ngày qua, thông tin về ông Lê Hoàng Anh Tuấn - người tự xưng là nhà báo quốc tế, thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ danh dự, Tổng biên tập tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế không chỉ gây xôn xao dư luận trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa (CH) Séc bởi ông Tuấn từng có thời gian sống ở nước này. Phóng viên VOV thường trú tại Praha (Séc) đã tìm hiểu về những tấm bằng, tấm thẻ và danh xưng "Tổng biên tập" mà ông Tuấn có được trong thời gian ở Séc.
Về văn bằng đại học của ông Tuấn, một tiến sĩ từng đưa sinh viên Việt Nam sang du học tại Séc nhiều năm trước và có thời kỳ đã hỗ trợ ông Tuấn khẳng định với phóng viên rằng đúng là ông Tuấn đã tốt nghiệp khoa Kinh tế, trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Ostrava (thành phố Ostrava) và nhận bằng Diplom. Ngoài ra, ông Tuấn cũng có một năm học bổ túc tiếng Séc tại Trường Đại học Sư phạm Ostrava.
Bằng diplom của trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Ostrava cấp cho Lê Văn Tuấn (Hình ảnh do ông Lê Hoàng Anh Tuấn cung cấp cho phóng viên VOV.VN chứng minh ông từng tốt nghiệp đại học ở Séc)
Tuy nhiên, về tấm Thẻ nhà báo quốc tế, căn cứ để ông Tuấn tự xưng là "nhà báo quốc tế" thì còn khá mập mờ. Theo tìm hiểu, có hai loại thẻ báo chí quốc tế. Một loại được cấp theo yêu cầu của tòa soạn hay tạp chí nào đó cho những người làm việc trong tòa soạn đó với giá hơn 100 euro, và tổ chức cấp đó không phải là tổ chức của các hội nhà báo. Loại còn lại là Thẻ báo chí quốc tế (IPC) chỉ cấp cho các nhà báo là thành viên các tổ chức nhà báo quốc gia trực thuộc Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ).
Thẻ "nhà báo quốc tế" của ông Lê Hoàng Anh Tuấn
Thẻ nhà báo quốc tế của Hiệp hội các nhà báo quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên, một nhà báo lâu năm trong nghề tại Séc cho biết trong đời làm báo của mình, anh chưa bao giờ nhìn thấy Thẻ báo chí quốc tế như của ông Tuấn, ngoại trừ thẻ IPC. Tại sao ông Tuấn lại có chiếc Thẻ báo chí quốc tế và đơn vị nào cấp cho ông? Không rõ ông Tuấn có phải là thành viên của tổ chức nhà báo quốc gia nào đó hay không, nhưng có chắc chắn tấm thẻ của ông không phải do Liên đoàn các nhà báo quốc tế cấp.
Theo hình ảnh tấm thẻ (đã được Đại sứ quán Việt Nam chứng thực) do ông Tuấn cung cấp cho phóng viên, đây là thẻ do Hiệp hội đối ngoại châu Âu, đơn vị chủ quản Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, cấp cho ông. Vậy trên thực tế, Hiệp hội đối ngoại châu Âu là gì, hoạt động ra sao, có chức năng cấp thẻ nhà báo hay không? Tạp chí của ông Tuấn có hoạt động không?
Thẻ "nhà báo quốc tế" của ông Lê Hoàng Anh Tuấn do Hiệp hội đối ngoại châu Âu cấp, được Đại sứ quán Việt Nam tại Séc chứng thực. (Hình ảnh do ông Lê Hoàng Anh Tuấn cung cấp cho phóng viên VOV.VN)
Phóng viên đã tìm hiểu từ trích lục thông tin trên trang web của Bộ Tư pháp Séc, Hiệp hội đối ngoại châu Âu đăng ký thành lập tháng 1.2014 tại Tòa án vùng (Brno của Séc với tên ban đầu là Diễn đàn đầu tư và xuất khẩu Séc-Việt). Đến tháng 10.2017 được đổi tên là Hiệp hội đối ngoại châu Âu như hiện nay và được đăng ký tại Tòa án thành phố Praha. Kể từ khi hoạt động đến nay, tổ chức này chỉ đăng ký đúng một người là ông Pavel Janasek (sinh 1979) với vai trò Chủ tịch, ngoài ra không còn ai khác đăng ký.
Vào trong trang web được giới thiệu (http://eafer.eu/), phóng viên không thể tìm thấy những thông tin cơ bản về tổ chức này ngoại trừ 7 mục tiêu chính được liệt kê, chủ yếu là hỗ trợ đầu tư, xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ kinh doanh, cung cấp tư vấn và dòng cuối nói về việc xuất bản Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.
Ngoài ra trang web này chỉ cung cấp địa chỉ là Rybná 716/24, 110 00 Praha, nhưng không có số điện thoại hay email liên hệ. Phóng viên tới tận địa chỉ trên nhưng không tìm thấy tên của Hiệp hội trong danh sách đơn vị thuê làm việc được niêm yết tại tòa nhà.
Hiệp hội đối ngoại châu Âu không có tên trong bảng niêm yết những đơn vị thuê làm việc tại tòa nhà.
Về Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế nơi ông Tuấn xưng danh Tổng biên tập, tra trên dữ liệu cơ sở (database) của Bộ Văn hóa Séc, tạp chí được đăng ký theo số hiệu E23136 ngày 19.02.2018, phát hành định kỳ 01 số/tháng. Để hợp lệ, chủ bút phải nộp lưu chiểu đủ bộ, trong đó có cả Thư viện quốc gia, để Bộ Văn hóa xác nhận sự tồn tại và hoạt động của tờ báo. Hiện chưa rõ ông Tuấn đã nộp hay nộp đủ chưa?
Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở chỗ liệu một tổ chức dân sự chỉ có một người, không có chức năng chính làm báo liệu có thể cấp Thẻ nhà báo (lại còn là Thẻ nhà báo quốc tế) cho ông Tuấn hay không?
Tiếp xúc với những người sống lâu năm, am hiểu luật pháp của Séc, phóng viên được biết việc thành lập một công ty kiểu như mô hình của Hiệp hội đối ngoại châu Âu là khá dễ dàng, chỉ cần khi nào được cấp giấy phép kinh doanh là công ty đó đi vào hoạt động. Việc công ty đó sau đó có hoạt động hay không, hoạt động như thế nào…không phải là điều nhà nước quan tâm, trừ trường hợp hoạt động phạm pháp bị phát hiện và xử lý.
Bên cạnh đó, sau khi đi vào hoạt động, lãnh đạo công ty có thể tạo ra chứng chỉ nọ, giải thưởng kia dành cho nhân viên của mình mà pháp luật không ngăn cấm. Điều này cũng dễ hiểu tại sao một người có thể có nhiều chứng chỉ, giải thưởng của công ty A hay tổ chức B nào đó.
Đến đây, chắc hẳn độc giả đã lý giải được tại sao ông Tuấn lại được Hiệp hội đối ngoại châu Âu cấp Thẻ báo chí quốc tế (theo như lời ông) và tấm thẻ đó có giá trị ra sao, có được công nhận rộng rãi tại nước sở tại hay không?
Với những người ở trong nước ít am hiểu cuộc sống ở nước ngoài có thể họ hoàn toàn tin vào chức danh, hay bằng cấp mà ông Tuấn trưng ra. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao ông Tuấn vào được tận Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm giảng viên thỉnh giảng.
Còn với những người Việt sống lâu năm, am hiểu tình hình thực tế nước sở tại (ở đây là Séc) thì họ hoàn toàn hiểu tại sao một tổ chức dân sự, dù có đăng ký hoạt động, nhưng không rõ ràng, có chức năng chủ yếu là hỗ trợ đầu tư - kinh doanh, nhưng lại có thể cấp thẻ báo chí cho ông Tuấn hoạt động quốc tế.
Qua tìm hiểu, phóng viên còn được biết ông Lê Hoàng Anh Tuấn từng sang Séc theo hình thức lao động xuất khẩu, học lực không nổi trội, bôn ba làm nhiều nghề, trong đó có môi giới, bán xe, đòi nợ thuê...trong những năm sống tại Séc.
Sáng 8.5, trả lời phóng viên VOV.VN, ông Lê Hoàng Anh Tuấn vẫn khẳng định việc ông là Tổng biên tập Tạp chí Phòng chống tham nhũng và hợp tác quốc tế là đúng sự thật. Ông cho biết tạp chí này “không thể tự vẽ ra được” mà thuộc cơ quan chủ quản là Hiệp hội đối ngoại châu Âu. Khi thành lập đã có sự đồng ý của cơ quan chức năng tại CH Séc, đồng thời được Bộ Văn hóa Séc cấp phép. Bên cạnh đó, tờ tạp chí này cũng đã có chỉ số khoa học quốc tế ISSN do Trung tâm tại Pháp đồng ý cho CH Séc cấp.
Trước câu hỏi của phóng viên rằng tại sao không thể tìm kiếm thông tin về tạp chí trên google, ông Tuấn lý giải, tương tự một số website ở châu Âu, châu Phi khác, nếu muốn truy cập vào trang của Hiệp hội đối ngoại châu Âu và tạp chí này, cá nhân, tổ chức phải gửi công văn, xin được cấp mật khẩu.
“Tạp chí có cả văn phòng ở Nam Phi, nhưng tra trên mạng vẫn không thấy, vì ở bên đó, nếu muốn vào bất kỳ trang nào, kể cả trang của Tổng thống cũng cần phải được cấp mật khẩu mới vào được”, ông Tuấn nói.
Về danh xưng và thẻ nhà báo quốc tế, ông Lê Hoàng Anh Tuấn cho hay, trên thế giới có loại thẻ này và do một số cơ quan có thẩm quyền cấp.
“Nếu tìm trên google thông tin về International Press card thì sẽ thấy rất nhiều. Nếu nói tôi mua thì mua ở đâu, giá thế nào? Còn việc tôi được cấp thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 2018, tôi được Học viện Báo chí và Tuyên truyền mời về thỉnh giảng một thời gian, tôi có đề xuất để được làm thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, sau khi xét duyệt thì tôi có quyết định. Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này”.
Ông Tuấn cũng nói thêm rằng thông tin tố cáo ông lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là không đúng, chỉ nhằm mục đích bôi nhọ danh dự. “Tôi khẳng định đơn tố cáo là sai, nhưng không nắm rõ động cơ là gì”.
|
Hữu Bình (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.