Phải là môn học bắt buộc
Theo GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc giữ lại môn lịch sử như nghị quyết của Quốc hội có nghĩa là đã trở thành vấn đề của Chính phủ chứ không phải của riêng Bộ GDĐT. Tuy nhiên, giữ lại môn lịch sử thế nào, dạy ra sao, học kiểu gì thì chưa được nói cụ thể trong nghị quyết. Nguy cơ lịch sử bị “tích hợp” vào các môn khác vẫn rất cao.
Học sinh trong giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ảnh: B.T.L.S
Theo GS Lê, ở cấp THPT môn lịch sử không thể là môn học tích hợp do đặc thù về nhận thức của học sinh giai đoạn này: “Hội Sử học sẽ kiên quyết đến cùng việc bảo vệ để môn lịch sử không chỉ có mặt trong chương trình giáo dục phổ thông mà phải là môn cơ bản, bắt buộc”.
Đồng tình với quan điểm này, GS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng, đối với cấp tiểu học có thể tích hợp môn sử trong bộ môn “Cuộc sống quanh ta” và “Tìm hiểu xã hội”, nhưng tuyệt đối không thể tích hợp ở môn “Khoa học xã hội” cấp THCS và “Công dân với tổ quốc” cấp THPT. Ông Ngọc lý giải: “Chúng tôi rất đề cao giáo dục tích hợp nhưng môn lịch sử hoàn toàn khác với các môn học khác, không thể dạy lẫn lộn. Bộ GDĐT đang hiểu sai về định hướng này. Ví dụ, khi nghiên cứu về kinh tế thời Trần, chúng ta phải dùng kiến thức kinh tế học áp dụng phân tích lịch sử; khi nghiên cứu về trận Bạch Đằng phải dùng kiến thức địa lý, nghiên cứu địa hình... tức là các môn học khác phải được tích hợp vào môn sử một cách tự nhiên chứ không phải môn sử trở thành “một mẩu” của môn học khác. Bộ GDĐT cần làm rõ việc này”.
Cần đổi mới sách giáo khoa sử
Đại hội cũng đã tiến hành bầu và mắt Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban kiểm tra và các lãnh đạo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020. Theo đó, GS -Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
|
Các chuyên gia lịch sử đều cho rằng, Bộ GDĐT cần mở cửa để các nhà nghiên cứu lịch sử tham gia triệt để vào việc đổi mới chương trình, sách giao khoa (SGK) lịch sử đáp ứng với nhu cầu mới và phù hợp với đặc tính môn học. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, việc học sinh chán môn sử có nguyên nhân sâu sắc do sự yếu kém của SGK sử phổ thông đang lưu hành. SGK đang quá coi trong kiến thức lịch sử phục vụ tuyên truyền mà ít quan tâm đến yếu tố khoa học trong tính tổng thể, toàn diện.
“Hiện nay, chúng tôi đã có rất nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử trong nước và thế giới muốn đưa vào giảng dạy trong SGK nhưng không có cơ hội. SGK lịch sử hiện đã lạc hậu”. Ông Ngọc cho biết thêm, nếu Bộ GDĐT làm công minh vấn đề 1 chương trình nhiều bộ SGK thì Hội Khoa học Lịch sử sẽ sẵn sàng tham gia làm sách.
Còn theo GS Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử, không thể “mập mờ” việc sử dụng môn sử trong chương trình SGK phổ thông: “SGK hiện được coi là “pháp lệnh” trong trường học, thầy cô giảng ngoài sách có thể bị kỷ luật. Chính vì vậy, muốn thay đổi phương pháp dạy phải bám vào việc thay đổi SGK Sử. Tất cả đang chờ đợi vào việc thực hiện của Bộ GDĐT xem có đúng với Nghị quyết của Quốc hội hay không”.
Góp ý về vấn đề này, trong bài phát biểu tại đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu: “Hội Khoa học Lịch sử phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lý và xã hội thấy được tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân và có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử và cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.