img img
 
img img

Vào năm 1982, tức là từ hơn 30 năm trước, ở tuổi ngoài 40, ông Tilo Nadler, một người đàn ông Đức gốc Do Thái đã lần đầu tiên bay từ quê hương CHLB Đức sang Việt Nam. 9 năm sau, ông lại được cắt cử sang với các tán rừng Việt. Đi tìm loài voọc mông trắng huyền thoại được cả Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam đều xếp vào hàng “đã tuyệt chủng” từ lâu, song chúng mới vừa manh nha “trở lại” ở Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ để cất bước lang thang với những ngày tháng chặt lá chuối dựng lều, cơm đùm cơm nắm nằm rừng cam khó và lãng mạn nhất để dõi theo bóng một “nàng” voọc nào đó, chỉ là hình ảnh “tổ tiên nàng” được in trên một con tem ố vàng chụp lại từ một bảo tàng châu Âu.

Sang Việt Nam từ lúc chúng ta vừa mới bỏ “bao cấp”, thấy số phận các loài hoang dã bấy giờ thê thảm quá. Tilo quyết liệt “thúc giục” kiểm lâm, ông lên gặp cả Cục trưởng để đề nghị phải vào cuộc giải cứu lũ voọc trước khi quá muộn.

Phải thành lập trung tâm cứu hộ, cứu giúp các sinh linh mĩ miều kia được chăm sóc, sinh sản, rồi đưa vào khu bán hoang dã để “tìm lại” các tập tính tự nhiên, trước khi trả chúng về “mái nhà bình yên” giữa rừng già. Nghĩ là nói, nói là làm, làm suốt 30 năm với bao nhiêu thành quả mang tầm kỉ lục Việt Nam và thế giới, được Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tặng Bằng khen, được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba…, năm nay, dù dợm bước sang tuổi 80, mà “Hiệp sỹ sinh thái”/“Donkihote Tây của rừng Việt” ấy vẫn chưa có ý định dừng lại.

img img

Nhớ lại cái thời “mù mịt” vừa gây dựng sự nghiệp bảo tồn linh trưởng ở Cúc Phương 30 năm trước, nó xa xôi quá, Mr. Tilo Nadler nhỉ?

- Chúng tôi đã đi bộ nhiều ngày trong rừng, đem theo nhiều thiết bị khá hiện đại, với mong muốn ghi hình đàn voọc mông trắng trở lại như thế nào. Vài tháng sau, bộ phim tài liệu được hoàn thành và phát trên một đài truyền hình danh tiếng của Đức. Tôi cũng viết một dự án bảo tồn loài động vật quý hiếm và vô cùng đáng yêu này.

img
img

Tuy nhiên, một năm trôi qua mà không có một ai tình nguyện vào cuộc. Quá lo lắng, cũng lại bị sự quyến rũ của thiên nhiên và động vật ở Cúc Phương “bỏ bùa”, tôi đã viết đơn xin cắt hợp đồng lao động với Viện nghiên cứu Khoa học ở Đức để tình nguyện sang Việt Nam bảo tồn linh trưởng (thuật ngữ này dùng để chỉ 4 loài: Vượn, voọc, khỉ, culi).

Lúc đầu mới đến, ông thấy bức tranh bảo tồn và ứng xử với thú rừng ở Cúc Phương nói riêng và nói chung ở Việt Nam ra sao?

- Khi ấy, chúng tôi vào rừng cả tháng rình rập thì không thấy voọc, song ra chợ huyện ở Nho Quan thì thấy người ta bán các lồng đan bằng nan tre, ở đó nhốt mấy con mông trắng bị thương tích thê thảm. Họ bảo, sẽ mua về nấu giả cầy. “Báu vật thiên nhiên” mà vì nó giới khoa học cả thế giới phải thao thức khi nghe đồn nó bị tuyệt chủng, giờ chỉ là món giả cầy ư? Lập tức chúng tôi báo cáo với Giám đốc VQG Cúc Phương Nguyễn Bá Thụ.

Sau này, ông Thụ làm Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam. Kết hợp với công an và chính quyền địa phương nữa, chúng tôi “chiến đấu” trong suốt một tuần. Quyết tâm giải cứu các con voọc tội nghiệp. Tôi thường bảo: nhà của động vật rừng là các cánh rừng nguyên sinh, chứ “không thể nào là vị thuốc hay là thức ăn ở trên bàn tiệc được”.

img img

Bây giờ gia đình Tilo định cư ở cửa Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, sau 25 gắn bó với Trung tâm cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp. Tilo làm cố vấn kĩ thuật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình và là chuyên gia hàng đầu Việt Nam ở lĩnh vực bảo tồn động vật.

Người ta gọi ông là “Hiệp sỹ rừng già”, “Linh trưởng Chúa”, “Khắc tinh của lâm tặc”, “Đông Ki Sốt bảo vệ hoang thú”. Ông đã chụp rồi triển lãm ảnh về vẻ đẹp trác tuyệt của loài voọc, vượn, cu li. Ông cùng vợ viết sách, truyện tranh truyền cảm hứng cho trẻ em yêu thiên nhiên.

Ông cũng dùng tiền cá nhân mở một cái quỹ “Giải thưởng của Tilo Nadler dành cho các nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam”. Ông và Hiền cũng là nhân vật của nhiều bộ phim khoa học nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

Mới nhất, năm 2019, cuốn “Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam” (tạm dịch là Đàn thú của Tilo - công việc của một nhà linh trưởng học tại Việt Nam) được ấn hành. Tác giả là Murali Pai - một nhà sinh học bảo tồn, nhà văn môi trường và biên tập viên của Bản tin Bảo tồn Châu Phi (ACT).

img img

Nghe nói ông là nỗi khắc tinh của lâm tặc, của những người săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, sử dụng, trưng bày các sản phẩm liên quan đến ĐVHD. Ông đã nghĩ gì mà quyết liệt đến vậy?

- Tôi luôn muốn sống thật thà nhất. Nếu tôi yêu động vật rừng, thì tôi phải lo cho tương lai của chúng. Không lẽ làm xong một cái phim về chúng rồi về nước nhận tiền, nhận giải thưởng, còn ở “hiện trường” bản xứ, chúng ra sao thì ra? Có lần, tôi kiên quyết đòi tịch thu một tiêu bản động vật rừng quý hiếm ở Thanh Hoá. Người ta không đồng ý, nói rằng họ phải bỏ tiền ra mua, nên muốn thu giữ theo luật thì phải trả tiền.

img
img

Họ đòi 10 triệu đồng, tôi không có tiền. Tôi bèn tìm gặp lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm địa phương (là chỗ quen biết) để vay tiền. Lần khác tương tự, tôi yêu cầu họ viết giấy nhận tiền của tôi, rồi cầm giấy ấy lên gặp lãnh đạo ngành kiểm lâm đề nghị thanh toán theo đúng “hoá đơn”. Vì tiền đó tôi bỏ ra để yêu cầu người ta chấm dứt cái sai trái cho Việt Nam mà.

Tôi làm tất cả để có một sự bảo tồn bền vững cho các loài thú hoang. Tôi kiến nghị đóng cửa “chợ động vật rừng”, chấm dứt mọi hành vi xâm hại động vật để bảo vệ đa dạng sinh học và tránh lây lan dịch bệnh, như thảm hoạ COVID-19 bây giờ là một ví dụ tiêu biểu... Tôi cứ nghĩ mãi, con người chúng ta có quyền mưu cầu hạnh phúc, thì tại sao linh trưởng và các loài động vật kia lại không được phép có cái “mưu cầu” đó?

Tôi từ nước Đức đến Việt Nam lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1982, hồi đó, tôi rất sốc khi chứng kiến việc mua ĐVHD diễn ra công khai ngay tại Chợ Đồng Xuân. Đi nhiều tỉnh, tôi thường xuyên gặp các góc chợ “dành riêng” để mua bán ĐVHD. Tôi chứng kiến con voọc mông trắng quý bị bán tại góc chợ Nho Quan, ngay cổng của Vườn Quốc gia Cúc Phương, nơi tôi đang làm bảo tồn.

Sau Đổi Mới, các tổ chức quốc tế về bảo tồn vào Việt Nam hoạt động, hỗ trợ cơ quan chức năng thực thi pháp luật tốt hơn. Đi đầu là Hội Động vật học Frankfurt, rồi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), IUCN, WCS… Đến nay còn có các tổ chức tương tự của Việt Nam hoạt động rất hiệu quả, như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), Green Việt, Pan Nature…

Đây là những bằng chứng quan trọng cho thấy nhận thức về bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã của Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều. Đặc biệt là giới trẻ, sinh viên, học sinh. Họ đã được truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ các loài hoang dã cho cộng đồng, cho tương lai. Đó là tín hiệu quan trọng của một lẽ sống nhân ái.

Các tín hiệu tích cực đó đã đem đến niềm tin và năng lượng tốt cho các nhà bảo tồn như tôi.

img img

Tilo là vậy. Thẳng băng rút dùi cui ra, điện bắn tạch tạch tóe lửa, ngửa mặt lên trời kêu “Why, why?!” (tại sao, tại sao), khi thấy người ta vào VQG… đẵn củi. “Bạn đừng để lại trong rừng cái gì, ngoài dấu chân của bạn/ Bạn đừng mang ra khỏi rừng cái gì, ngoài các bức ảnh đẹp”, tấm biển này treo ở cửa rừng Cúc Phương. Sao không ai tuân thủ? Rừng bảo tồn thì tự do đi vào đã là sai, sao dám đẵn củi và săn bắt thú?

Với Tilo, ông không có thời gian tư duy, lãng mạn hay triết lý. Cứ lao vào làm như một… cỗ xe tăng. Không màu mè, và cũng không sợ khi vài lần bị lâm tặc quây đánh. Voọc sinh ra, ông lấy tên mình, tên vợ và con trai mình đặt cho chúng: “Tilo”, “Hiền”, “Khiêm”… và thương yêu chúng như người ruột rà thật sự.

Đang vận hành các ý tưởng. Đang treo còng số tám ở thắt lưng, cầm dùi cui đi bảo vệ rừng. Đang đi bộ ngoài nắng, bế con voọc vừa được giải cứu, mình thì đầu trần da đỏ như tôm luộc, Tilo vẫn cẩn thận bẻ một nắm lá che cho con thú non tội nghiệp. Chứng kiến cảnh đó, người viết bài này đã bị ám ảnh suốt đời về một lẽ sống nhân ái với muôn loài.

Đang khi ấy, Tilo tình cờ gặp Nguyễn Thị Thu Hiền, cô nữ sinh đang ôn thi đại học tranh thủ làm thêm ở cửa hàng mỹ nghệ 18 Ngô Quyền, Hà Nội. Khi Hiền theo học Khoa Kinh tế, Trường ĐH Tổng hợp HN (cũ), hai người vẫn kết nối tâm đầu ý hợp. Hiền, kém Tilo chừng 30 tuổi.

Quá chênh lệch tuổi tác, họ đã phải vượt qua bao nhiêu sóng gió quả “quan viên hai họ” để nên duyên vợ chồng. Bây giờ con trai đầu lòng của họ, Nguyễn Nadler (Khiêm) đang thi ôn Đại học. Cậu út Heinrich Nguyễn Nadler năm nay thi vào lớp 10.

img img

Đâu là lý do thật sự để ông gắn bó 30 năm với Việt Nam và chắc là còn gắn bó đến suốt đời?

- Vì bọn kia (chỉ vào lũ voọc). Và vì đây (chỉ vào vợ).

Đến từ một bảo tàng tự nhiên, từ Hội động vật danh tiếng, nơi người ta nâng niu từng chi tiết nhỏ nhất của đất trời, thấy giết thú hoang hàng loạt, chắc ông rất sốc?

img
img

- Tôi nghĩ, người dân ở vùng sâu vùng xa, ở rừng ăn thịt thú rừng họ không hiểu luật thì đã đành. Đằng này, bấy giờ, kể cả cơ quan chức năng cũng nhận thức rất hạn chế. Cá nhân tôi nhiều lúc đã phải nặng lời, thậm chí là cãi nhau với nhiều cán bộ như vậy, chỉ mong họ thực thi các điều luật đã có, cho chính đất nước của họ. Tôi không cần gì cho cá nhân mình cả. Tôi đã tranh luận với nhiều lãnh đạo Cục kiểm lâm Việt Nam về lĩnh vực này. Nói thẳng biết là sẽ mất lòng. Nhưng lần nào tôi cũng phải nói thẳng.

Trong thời gian tôi đi giải quyết các vụ việc cụ thể để giải cứu động vật quý hiếm bị xâm hại, đã có nhiều lần, để “mời” được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các vụ vi phạm pháp luật trên, chúng tôi đã phải “mời cơm” họ thì họ mới làm. Tôi rất buồn và thấy điều này hết sức phi lý.

Phút bình yên nhất, hạnh phúc nhất của ông với rừng là như thế nào?

- Tôi là một người rất thích thiên nhiên, hay xê dịch đây đó, sống hoà mình với các loài động vật rừng. Nhiều người Việt Nam cũng sẽ như tôi, họ cảm thấy tự hào vì động thực vật Việt Nam rất phong phú, có nhiều loài quý hiếm đặc hữu. Tức là, trên toàn thế giới, loài đó chỉ ở Việt Nam mới có.

Nhưng, dù lãng mạn đến mấy, trong khi đắm đuối với thiên nhiên, thì lý trí của tôi vẫn bị thôi thúc bởi một bài toán. Làm thế nào để bảo vệ các giá trị kia cho Việt Nam và cả thế giới? Cơ quan chức năng ở Việt Nam, cao nhất là Chính phủ, cần hoàn thiện chính sách, thúc đẩy thực thi pháp luật, để các giá trị kia được trường tồn.

Tôi không thể nào diễn tả được cảm xúc hân hoan của mình, khi đi vào rừng nguyên sinh, quan sát được các loài quý hiếm, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp đang sinh tồn ở trạng thái hoàn toàn tự do, sum vầy. Đó là voọc mông trắng, voọc Cát Bà, voọc mũi hếch… Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ ở Việt Nam mới có.

Trên phạm vi toàn thế giới không đâu có. Từ chỗ bị giăng lưới đánh bẫy ăn thịt, một lần đánh lưới 10 con bị xâm hại, trong khi cả thế giới chỉ có 60 cá thể!; đến nay, loài đặc biệt quý hiếm này (dù còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ) đã có một cuộc sống tương đối an toàn.

Còn voọc mông trắng đặc hữu, từ chỗ bị loài nguời tuyên bố tuyệt chủng, thì nay, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình), đã trở thành nơi duy nhất của Việt Nam và thế giới mà người ta có thể thưởng lãm vẻ đẹp trữ tình cùng bầy voọc hiền lành trong trạng thái hoang dã hoàn toàn. Voọc đã đã giúp phát triển du lịch, đem lại sinh kế cho người dân cả một vùng rộng lớn.

img img
img img

Sự trở lại của thiên nhiên hoang dã ở khu vực nào trên lãnh thổ Việt Nam đã làm ông thấy hài lòng?

- Trước đây, ở khu vực đất ngập nước Vân Long, dù bạn đi 10 lần, đi rón rén, bí mật, mất nhiều thời gian, thì may lắm bạn chỉ gặp được voọc mông trắng một lần, ở khoảng cách rất xa. Xa đến hàng cây số. Còn bây giờ, khách du lịch trên toàn thế giới, lúc nào cũng có thể quay phim chụp ảnh voọc mông trắng.

img
img

Hay ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng, các đàn voọc tuyệt sắc, từ chỗ bị tàn sát, từ chỗ sinh cảnh bị xâm hại, đến giờ, nó đã đông đàn dài lũ, trở thành “linh vật” biểu tượng của TP Đà Nẵng (có lẽ địa phương duy nhất của Việt Nam lấy biểu tượng là một linh vật).

Trong 30 năm qua, ông đã ít nhiều trở thành một “biểu tượng” trong bảo tồn ở Việt Nam, với nhiều người trân trọng, ngưỡng mộ ông. Ông đã được Bằng khen của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vinh dự đón nhận nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, được nhiều phần thưởng cao quý do Bộ NNPTNT trao tặng. Vậy, xin hỏi, các kỉ niệm buồn của ông trong công tác bảo tồn ở Việt Nam?

- Tôi ví dụ, vụ việc ở tỉnh Hà Nam, mà tôi và anh (người phỏng vấn) đã trực tiếp đi tìm cách giải phóng cho các cá thể voọc quý hiếm bị nuôi dưỡng trái phép. Chuyện diễn ra ngay gần đối diện trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam. Chúng tôi thậm chí còn nhờ vả cả Chi cục trưởng kiểm lâm Hà Nam (bấy giờ) đi cùng, sang thuyết phục “đối tượng” bàn giao voọc cho cơ quan cứu hộ. Song “chủ nhà” nuôi voọc trái phép kia đã không hợp tác. Cuối cùng, động vật được tẩu tán đi nơi khác. Vĩnh viễn chúng tôi không biết số phận con vật tội nghiệp được bảo vệ trên toàn cầu đó sẽ ra sao!

Nghe nói nhiều lần “giải cứu động vật” của ông đã khiến cán bộ địa phương bị cách chức, kỷ luật về mặt Đảng…?

- Tôi nhớ nhất cái vụ diễn ra vào năm 2001. Chúng tôi đi điều tra về các đàn voọc độc đáo ở tỉnh Quảng Nam, thì phát hiện tại nhà ông Phó Trưởng Công an huyện N. có nuôi nhốt một cá thể voọc chà vá chân xám. Đó là một loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương, mới được phát hiện tại Việt Nam từ năm 1997. Trong nhà ông ta còn nuôi vài con khỉ, cả con hoẵng nữa. Chúng tôi phải đi lại kiến nghị, gặp gỡ rất nhiều lần, song ông ta không hợp tác.

Đúng dịp đó, ông Phạm Bình, ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có phỏng vấn, làm một bộ phim khoa học công phu về chúng tôi. Đoàn quay phim đã đi cùng chúng tôi vào Quảng Nam. Trước máy quay, ông chủ nhà (là Phó trưởng Công an huyện) đã trả lời đại ý: ông ấy hiểu luật, nhưng ông ấy thích nuôi voọc và ông ấy nuôi thôi. Tối hôm ấy VTV phát xong, thì sáng hôm sau lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Ông ta đã bị cách chức, kỷ luật về Đảng rất nặng nề. Những câu chuyện đó đã rất ám ảnh tôi.

img img
img img

Tổ chức các nhà báo bảo vệ môi trường Việt Nam chúng tôi, rồi các nhà văn, nhà báo quốc tế đã bị cuốn hút mạnh mẽ bởi niềm đam mê cháy bỏng, sự quả quyết quên mình của ông cho công tác bảo tồn. Ông dường như cũng biết rất rõ sức mạnh của truyền thông trong… bảo tồn?

- Tôi ví dụ luôn câu chuyện trên. Chỉ có 2 phút đưa vấn đề bức xúc kia lên truyền thông, như trên đã kể, cục diện các vụ việc đã thay đổi, từ chỗ tôi phải khóc vì tuyệt vọng, mọi việc đã đột ngột kết thúc có hậu! Tôi nghĩ, các nhà báo yêu môi trường có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tác động tích cực đến những người cầm cân nảy mực.

Tôi luôn nhấn mạnh đến sự truyền cảm hứng cho những người khác cùng làm việc với mình. Tôi vẫn thường đào tạo, giúp đỡ những người trẻ, khi họ muốn tham gia vào lĩnh vực bảo tồn. Đó cũng là lý do mà “Quỹ Tilo” cho những người trẻ yêu linh trưởng ra đời.

img
img

Nếu bây giờ có thật nhiều tiền và có lời mời trân trọng mở một kế hoạch bảo tồn loài cho thiên nhiên Việt Nam, ông sẽ làm gì?

- Hiện nay, tôi vẫn đang kiên trì kêu gọi gây quỹ để bảo tồn một loài động vật nhỏ mà rất đặc biệt ở Việt Nam. Chuyện này cho phép tôi sẽ chưa công bố vội. Điều tôi muốn nhấn mạnh, là: dự án nào cũng thế thôi, chúng ta cần xác định phương châm hành động “có sự tham gia của cộng đồng”. Cộng đồng phải có nhận thức tốt, có nguồn lợi từ đó, để họ vui và tự nguyện tham gia bảo vệ động vật.

Các thợ săn thú thiện xạ nhất cần “quay đầu lại bờ”, dùng kiến thức đi rừng săn thú để nghiên cứu bảo tồn. Một khu vực phát triển du lịch được nhờ bảo tồn, không chỉ người nấu ăn, người chèo đò, người dẫn đường hay người mở homstay hưởng lợi, mà bà con trong cả vùng rộng lớn có thể tham gia trồng rừng và nhận kinh phí. Tóm lại, lực lượng bảo vệ rừng không thể chỉ là kiểm lâm, mà phải là toàn dân. Vấn đề là nâng cao nhận thức và tìm sinh kế giúp bà con.

Có kiểm lâm quản lý cả chục nghìn hét-ta rừng, lấy đâu ra “phép thuật” để mà chắc chắn là họ sẽ luôn luôn giúp rừng an toàn được. 18 năm qua, chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị và vận động hành lang cho việc trả lương cho 30 bảo vệ xuất thân “thợ xẻ gỗ rừng, thợ săn thú” ở Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long là vì thế. Ở Đức, trước khi chặt một cây vì lý do chính đáng nào đó, họ đều phải trồng bù vào đó 3 cái cây.

Tương tự, gần đây, ở xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, bà con phát hiện ra một bầy voọc Hà Tĩnh. Điều đáng mừng là họ đã chung tay bảo vệ đàn voọc hoang dã cùng cơ quan chức năng. Hay như quần thể voọc ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam mới được phát hiện cũng thế.

Dù các cánh rừng cuối cùng còn sót lại đó không hề nằm trong khu vực rừng đặc dụng kiểu Vườn Quốc gia hay Khu Bảo tồn. Nhưng bà con đã yêu quý con vật đó, thay vì nghĩ đến việc vác súng vào săn và đem nấu giả cầy như đã từng diễn ra. Những chi tiết này cho thấy, để bảo tồn được đa dạng sinh học, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, việc tham gia có trách nhiệm của người dân là tối quan trọng.

img img

Việc ông gắn nhiều thập niên với Việt Nam, theo ông, nó có được một bàn tay sắp đặt nào đó của “các đấng bề trên” không?

- Có lẽ là thế. Anh nên hỏi vợ tôi câu này (cười). Thì cứ coi một trong những nguyên nhân tôi bị “tắc” ở đây là do cô này đi (Tilo chỉ vào vợ).

img img

Với kho báu linh trưởng của Việt Nam, ông đang lo nhất điều gì?

- Tôi đang rất không đồng quan điểm với một số dự án, khi họ bắt đầu tính đến việc cho phép một số vườn thú nước ngoài để đem động vật (linh trưởng) ra khỏi Việt Nam. Đang có nhiều sự tranh cãi; song dường như đã có tín hiệu “đồng thuận” từ một số cơ quan. Về mặt bảo tồn loài, điều này quả là không tốt tí nào. Nhiều vườn thú lớn trên thế giới cũng đồng quan điểm với tôi.

Bên cạnh đó, ở góc độ du lịch, với các loài đặc hữu được bảo tồn tốt ở quê hương các bạn kia, vẻ đẹp và sự quý giá “riêng có ở Việt Nam” của chúng sẽ là nguồn thu hút khách du lịch lớn. Nếu một vườn thú có được loài vật quý ấy, thì các vườn thú khác trên khắp thế giới sẽ tìm cách “rước” động vật về cho bằng được. Phải bảo tồn tại chỗ, bảo tồn nguyên vị các loài vật cho chính vùng đất mà con vật đã được trời đất phân bố sinh sống từ thượng cổ.

Tôi đã mất 30 năm gây dựng một trung tâm bảo tồn linh trưởng lớn nhất trong toàn khu vực như vậy. Các con voọc sinh ra, lần lượt mang tên từng thành viên trong gia đình tôi... Bây giờ “quan điểm dự án” thay đổi làm tôi rất lo ngại. Hiện nay ở Trung tâm có 15 loài linh trưởng, gần 20 con voọc mông trắng, 180 cá thể linh trưởng nói chung.

img img
img img

Điều gì làm ông “đau đớn” nhất khi nghĩ về thiên nhiên Việt Nam trong thời gian vừa qua?

- Đã có gần 10 loài thú lớn bị xoá sổ hoàn toàn khỏi thiên nhiên hoang dã Việt Nam, trong thời gian tôi gắn bó với đất nước các bạn, tức là khoảng 30 năm vừa qua. Con tê giác cuối cùng của Việt Nam bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (trụ sở ở tỉnh Đồng Nai), khiến loài này bị nhân loại phải tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam, vào năm 2010. Một loài bị mất đi, sẽ làm mất cân bằng sinh thái, cái loài làm thức ăn cho nó hoặc cái loài bị nó coi như là thức ăn sẽ bị ảnh hưởng. Mất cân bằng sinh thái luôn là một thảm hoạ, chắc tôi không cần nhắc lại điều này nữa.

- Chân thành cảm ơn “Linh trưởng Chúa” Tilo Nadler.

img img
img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem