GS Nguyễn Quang Toản, ĐH GTVT Hà Nội, nhìn nhận, thời điểm đầu xã hội hóa, BOT hạ tầng giao thông, Bộ GTVT rất phấn khởi với nguồn vốn thu hút được, nhưng “quên” mất một điều, bản chất xã hội hóa không phải là vay vốn ngân hàng ban đầu, mà là thu phí của người dân. Người dân đã chịu thuế, phí và bắt chịu một lần nữa phí BOT.
Theo GS Toản, giải pháp xử lý nào với BOT cũng có những khó khăn, hạn chế. Nhưng vốn đầu tư BOT chủ yếu là vốn vay ngân hàng, nếu không giải quyết triệt để, càng để lâu lãi vay càng lớn mà lâu dài vẫn người dân là người phải trả. Trước mắt để xử lý, nhà nước phải triệt để giảm phí tất cả các trạm, dù bài toán cực kỳ nan giải là nhà nước phải bỏ ra một số vốn tương đối lớn để bù vào phương án tài chính bị thiếu hụt cho các chủ đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, đây là vấn đề thực sự đau đầu. Nếu hồi tố các dự án trước đây sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho cả nhà đầu tư, các bộ ngành và cả Chính phủ.
Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại bố trí các trạm, quyết toán từng trạm để tính toán chi phí và thời gian thu hồi vốn, cũng như miễn giảm cho người dân sinh sống quanh các trạm. Theo ông Đông, một bài toán tổng thể với từng trạm rất khó, do mỗi dự án có hợp đồng và đặc thù riêng. Bộ GTVT sẽ có phương án xử lý riêng từng trạm như BOT Cai Lậy, QL5 hay Thái Nguyên - Chợ Mới...
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc mua lại các trạm, trong đó có trạm, Cai Lậy hay Thái Nguyên - Chợ Mới là không khả thi, không được các bộ liên quan đồng tình, do phương án mua lại trạm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch vốn ngân sách trung và dài hạn.
“Di dời trạm sẽ ảnh hưởng đến tác động vay vốn ngân hàng, không chỉ là một quyết sách về hành chính, mà đây là hợp đồng kinh tế có các bên gồm nhà đầu tư - cơ quan nhà nước - ngân hàng, kèm theo đó là mức giá, lưu lượng xe. Điều chỉnh bất kỳ điều gì phương án tài chính cũng bể, ngân hàng không muốn nợ xấu, nên phải tính toán”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Đông cũng cho biết quan điểm của Bộ GTVT là không di dời trạm, mà chỉ tính toán giảm phí cho các trạm cũ. Với các trạm mới chưa thu phí nhưng gặp phản ứng như QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà đầu tư nhiều lần đề nghị thu nhưng Bộ GTVT chưa quyết định cho thu, vì còn tính đến dư luận. Hướng chỉ đạo của Bộ với dự án này là thu trên hợp phần làm đường mới, còn nâng cấp cải tạo mặt đường QL3 cũ sẽ tính toán nhiều cách, như đấu giá nguồn khai thác đường Hà Nội - Thái Nguyên...
Mai Hà (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.