Hiện trường vụ máy bay rơi được lực lượng chức năng phong tỏa.
17h45: Mảnh vỡ của máy bay rơi vãi khắp nơi, có thể dễ dàng nhận thấy những bộ phận này là thiết bị chuyên dụng trên máy bay quân sự.
17h30: Đường vào hiện trường máy bay rơi đã có nhiều điểm bị ngập.
17h15: Trời đang mưa lớn tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), nơi máy bay quân sự Su22 rơi khiến công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
16h35: Đại diện lãnh đạo Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 và Quân khu 4 đã tới hiện trường.
16h20: Ghi nhận của phóng viên Dân Việt từ hiện trường, cảnh sát, dân quân đã phong toả toàn bộ lối vào hiện trường máy bay rơi từ khoảng cách hơn 4km. Mọi phương tiện đều được yêu cầu chuyển hướng; yêu cầu không chụp ảnh cận hiện trường cũng được đưa ra.
16h15: Theo VNN, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn - Trương Thanh Hoài, máy bay khi rơi xuống đã gây tiếng nổ lớn, vỡ vụn.
Vị trí máy bay rơi cách UBND xã Nghĩa Yên khoảng 5km.
Cảnh sát giao thông địa phương đang phong tỏa hiện trường máy bay rơi, đường đất trơn trượt trong khi trời đang mưa. Nguồn: VNE
Bất chấp trời mưa, khá đông người dân vẫn tập trung gần hiện trường máy bay rơi. Nguồn: Dân Trí
15h55: Ghi nhận tại địa phương cho biết đang có rất nhiều người dân khi nghe tin có máy bay rơi đã kéo đến làng Dừa để xem, tìm hiểu sự việc. Vị trí máy bay rơi cách thành phố Vinh khoảng 100km.
Máy bay rơi vào quả đồi, không trúng nhà dân. Nguồn: Zing
Lực lượng cứu hộ đến hiện trường. Nguồn: VNN
14h55: Theo Thông tấn quân sự: Lúc 11h16 trưa nay, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35 cùng ngày.
Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán: Phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội và thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Mảnh vỡ từ máy bay văng ra xa. Nguồn: Zing
14h40: Theo VNN, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, 2 phi công tử nạn là trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 và thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm bay của Trung đoàn.
Khu vực máy bay rơi và bốc cháy.
14h27: Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, lực lượng quân sự và người dân đang bất chấp trời mưa, tìm kiếm tung tích 2 phi công trong vụ rơi máy bay quân sự tại xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn).
Hiện trường một phần máy bay đang bốc cháy.
Theo một số người dân chứng kiến vụ việc, chiếc máy bay đã lao xuống đồi đất. Dường như phi công đã cố sức điều khiển máy bay tránh đâm vào nhà dân khi rơi.
CLIP: Đường dẫn vào hiện trường vụ tai nạn. Nguồn: VNN
Theo thông tin mà phóng viên Dân Việt có được, khoảng gần 12h trưa nay, chiếc máy bay quân sự SU22 đang bay qua khu vực làng Dừa (xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn) thì bất ngờ rơi xuống quả đồi sát khu dân cư.
Hiện trường nơi máy bay quân sự rơi.
Phát hiện sự việc, người dân lập tức báo cáo lên chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng sau đó đã có mặt phong toả hiện trường.
Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: "Lực lượng quân sự đang phong tỏa hiện trường".
"Đây là máy bay quân sự SU22 có 2 phi công. Chúng tôi có mặt tại hiện trường phối hợp cơ quan chức năng làm rõ" - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn nói.
Theo nguồn tin của Dân Việt từ Trung tâm tìm kiếm cứu nạn đường không, theo biên chế, trên máy bay SU22 có 2 phi công. Đơn vị đã nhận được báo động lúc 11h30 trưa nay về tình hình chiếc SU22 gặp nạn. Hiện Trung tâm đang triển khai lực lượng tìm kiếm và chưa xác định được số phận của 2 phi công gặp nạn khi máy bay rơi.
Chiến đấu cơ Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Từ 1989 tới nay, tiêm kích Su-22 giữ nhiệm vụ chính trong việc bay tuần tra chính, bảo vệ Trường Sa.
Trước đó lúc 11h35 ngày 16.4.2015, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã gặp nạn. Hai phi công hy sinh, gồm Trung tá Lê Văn Nghĩa - Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và đại úy Nguyễn Anh Tú - Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Nguồn: VNE
|
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.