1. Câu chuyện về vệ sinh và thể thao: Thường xuyên như cơm bữa
Con trai gần đây tập bóng đá với một câu lạc bộ nên mẹ có dịp được đi “trực” luân phiên phục vụ các con các thầy HLV trong các buổi tập. Chuyện chuyên môn thì các bạn nhỏ phải giúp các HLV cùng làm chuẩn bị sân, xếp đồ... Các mẹ chuẩn bị ước uống nếu con nào quên (nguyên tắc là tự mang bình nước đi uống tiện quản lý).
Chuyện quan trọng nhất bọn mình phải làm là vệ sinh sạch sẽ trả lại nguyên trạng khi mượn sân của các trường cấp 1 tập. Tại Nhật, các sân trường học công đều mở rộng cửa sân tập và nhà thi đấu cho cộng đồng và các câu lạc bộ nhưng yêu cầu rất rất khắt khe về tuân thủ. Khi làm vệ sinh nhà vệ sinh mà các con mượn dùng, dùng dung dịch diệt khuẩn lau sàn và xịt khuẩn lau từng chỗ trong nhà vệ sinh, mới thấy sự chuẩn mực thành thường xuyên như cơm ăn nước uống nó có tác dụng ra sao trong giáo dục và dịch tễ Nhật.
Nhà vệ sinh có thể không mới, không có nước nóng nhưng các con rất yên tâm dùng. Và để như thế ý thức vệ sinh hàng ngày là vô cùng quan trọng. Các con học trong trường hàng ngày cũng tự mình vệ sinh lớp học, hành lang và những nơi mình dùng nên truyền thống giữ sạch sẽ rất tốt. Các con có ý thức rửa tay, súc miệng nghiêm túc, cần thiết là đeo khẩu trang.
2. Câu chuyện nhân văn về lá thư của thầy hiệu trưởng gửi cho các phụ huynh với tiêu đề “Có ổn không?”
“Hai tay thầy đều cầm đồ, có ổn không?”
Thầy kể câu chuyện khi thầy đứng vẫy cờ trước cổng trường cho các con sang đường hàng sáng. Hôm đó trời mưa nên một tay thầy cầm ô, một tay vẫy cờ an toàn trước cổng trường. Một bạn nhỏ hỏi thầy: “Cả hai tay thầy đều cầm đồ thế có sao không?”. Thầy hiểu rằng, chắc bạn nhỏ được gia đình và mọi người dạy rằng, nếu cả hai tay đều cầm đồ thì sẽ nguy hiểm... Có một bạn nhỏ hỏi thầy: “Thầy có lạnh không?”. Thầy viết: “Tôi cảm thấy ấm áp trong lòng vô cùng”.
Thầy nhắc lại buổi tập huấn nói chuyện của phía cảnh sát với trường. Các anh nói rằng: Nếu khi trước khi ra khỏi nhà bố mẹ nói với các con là “Đi học cẩn thận nhé!”, đi học cũng an toàn hơn. Chỉ bằng một câu nói thôi mà có tác dụng rất lớn để nuôi dưỡng một con người.
“Hãy quan tâm tới mọi người nhé”.
“Lắng nghe người khác nói kĩ nhé”.
Cảm ơn thầy vì một lá thư rất nhân văn và rất con người. Thầy viết bằng lời của thầy từ những câu chuyện nhỏ của thầy chứ không phải là từ dẫn chứng công văn chỉ thị.
|
Chị Nguyễn Việt Hà, giám đốc của một công ty về tư vấn và giáo dục, đang sinh sống tại Yokohama (Nhật Bản) là mẹ của một cậu bé đang học lớp 3 và cũng là chủ nhân của hai câu chuyện trên đã có những chia sẻ cụ thể hơn với Dân Việt. Đằng sau hai câu chuyện nhỏ và nhẹ nhàng ấy là hai thông điệp, hai bài học rất có ý nghĩa trong đời sống hàng ngày.
"Một câu nói với nhiều yêu thương"
Khi chị là người chứng kiến những câu chuyện nhỏ ý nghĩa như thế và chia sẻ lại với mọi người, chị có suy nghĩ gì?
Chị Nguyễn Việt Hà. Ảnh: FBNV
- Là người "trải nghiệm" một chuyện và là người nhận được cảm xúc rất tích cực từ lá thư của thầy hiệu trưởng, tôi thấy mình vui và yên tâm. Vì con được hiểu về tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau từ hành động và lời nói cụ thể, của những thầy cô xung quanh, nên con trưởng thành với nhiều đức tính tốt đẹp hơn... Nếu các bạn chú ý thì có thể thấy thường thầy hiệu trưởng sẽ đón các con ở con đường cạnh trường dù trời nắng hay mưa. Tại sao thầy bận như vậy nhưng đó là việc quan trọng nhất vào buổi sáng để thầy bắt đầu ngày mới? Thầy có thể giao cho người khác không? Chắc chắn có thể! Nhưng giống như chúng tôi làm về giáo dục, những khi nhìn vào mắt trẻ con và nụ cười trên môi trẻ, chúng tôi có động lực lớn hơn và hạnh phúc hơn, tôi đoán thầy cũng như vậy.
Theo chị, các bạn nhỏ ở Việt Nam có đang thiếu những yếu tố tương tự như trong hai câu chuyện chị đề cập?
- Tôi thấy đôi khi người lớn ở Việt Nam vẫn nghĩ các con bé không biết nhiều nên hay áp đặt hoặc các con chưa được nói lên suy nghĩ của mình, được lắng nghe. Trẻ em ở nơi đâu cũng đều là thiên tài và đồng thời là tấm gương phản chiếu của người lớn. Tôi thấy nhiều trường hợp đi ăn ở các quán ăn, các con hò hét rất to và chạy nhảy khắp nơi nhưng người lớn trong nhóm đó không ai nói gì hoặc chỉ chú ý vào điện thoại hay nói chuyện với nhau. Nếu ở Nhật các con được lưu ý về chuyện âm thanh lớn có thể làm phiền người khác, có thể ngã hay đâm vào người khác gây thương tích... Đây chính là nguyên tắc "một câu nói với nhiều yêu thương" tôi kể ở đây, có thể làm thay đổi một đứa trẻ.
Chị có nghĩ rằng câu chuyện mình kể sẽ truyền cảm hứng cho các bậc phụ huynh, thậm chí là các trường học Việt Nam về thay đổi cách ứng xử hàng ngày đối với con trẻ, tuy nhỏ nhưng lại là gốc rễ của mọi vấn đề?
- Tôi hy vọng như vậy. Trường học của Việt Nam, như kinh nghiệm chúng tôi đi làm việc với các đối tác Nhật Bản để đưa nhiều hơn kinh nghiệm quản lý và cách nghĩ có tâm vào các ngôi trường và các tổ chức của Việt Nam, tôi thấy trường học của chúng ta càng ngày càng tốt hơn. Cơ sở vật chất được cải thiện nhiều khi lại không đồng nhất với quản lý tốt. Nếu nhìn đơn giản thì rất đơn giản, nhưng đằng sau nó là một quy chuẩn... Tôi có một mong ước là mang được quy trình quản lý chuẩn này tiếp cận nhiều hơn với các bạn quản lý giáo dục của trường học, tới những người làm giáo dục tại Việt Nam.
"Ảnh mình chụp hoa quả trong trường dạy cho các con về thiên nhiên, và chổi tre truyền thống vẫn dùng để các con quét sân. Hiệu quả vẫn tốt với những thứ cả trăm năm nay dùng thì việc gì phải thay" - những hình ảnh chị Hà cóp nhặt được tại ngôi trường của con. Ảnh: FBNV
Bức thư của thầy hiệu trưởng chị chia sẻ nhiều người ấn tượng hơn cả, có lẽ vì nó bắt nguồn từ những điều người ta có thể làm hàng ngày ở Việt Nam, nhưng lại quên nó hoặc do chưa có thói quen ấy - một câu nói từ tâm. Chị có thường xuyên làm điều này với con mình?
- Chúng tôi (vợ chồng tôi, ông bà...) đều hiểu những câu nói của mình ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ của con nên cố gắng nói chuyện với con gần gũi nhất có thể. Khi bạn có đủ yêu thương, quan tâm và hiểu rằng trẻ con cần điều đó thì một cách tự nhiên tôi nghĩ ai cũng có thể làm được.
Chuyện chiếc khẩu trang - Đừng để "đến chân mới nhảy"
Trong câu chuyện của chị nhắc đến việc vệ sinh sạch sẽ “như cơm bữa” và cả chiếc khẩu trang, hình như chị có ý nói đến dịch bệnh do virus Corona đang “nóng” ở Việt Nam hiện nay: Khi có dịch, người ta mới quan tâm đến chiếc khẩu trang và đề cao việc vệ sinh cá nhân?
- Coronavirus đang diễn biến rất nghiêm trọng và chuyện rửa tay kĩ, đeo khẩu trang khi có biểu hiện không khoẻ, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, tránh nơi đông... là các nguyên tắc cơ bản để phòng tránh. Người Nhật luôn nhắc nhở các con và nhắc nhau làm việc này với các cảm cúm thông thường và cúm mùa. Chúng tôi tránh việc gây những lo lắng quá mức không cần thiết cho trẻ và dạy các con đặc biệt cần lưu ý trong những ngày này là sự yêu thương động viên chia sẻ mới là quan trọng.
Đồng thời, chúng tôi tranh thủ dạy các con về tinh thần luôn sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với chuyện tích trữ bao nhiêu đồ ăn nước uống, khẩu trang, khăn giấy... Tôi muốn rằng nhân dịp này người dân Việt Nam chúng ta hãy nghĩ và nâng cao ý thức phòng tránh rủi ro. Hãy làm một danh sách những đồ trong nhà cần luôn có để phòng tránh những khi khẩn cấp. Hãy đừng “đến chân mới nhảy” và sống nghĩ đến nhau nhiều hơn thì sẽ không xảy ra sự trục lợi điên cuồng của một số nơi về khẩu trang. Chuyện cung cầu, khi có chênh lệch sẽ phản ánh vào giá là nguyên tắc rất cơ bản.
Ở Nhật cũng có chuyện khan hiếm một chút và có bán trên internet tăng giá, nhưng tôi nghĩ không nhiều người lo lắng quá, vì tôi nghĩ các gia đình ở Nhật thường có dự trữ sẵn dùng đủ cho 1-3 tháng. Thường trong những lúc hoạn nạn rất ít lợi dụng tình hình vì họ hiểu làm ăn cần lâu dài có tâm, nhiều người nhắc nhau chỉ mua đủ dùng để dành cho người khác. Qua một đỉnh khan hiếm thì mọi thứ lại sẽ bình thường. Chúng ta cần sự bao dung, yêu thương chia sẻ trong những lúc này, nhưng cũng không nên chỉ trích người bán nếu họ tăng giá một chút vì đầu vào tăng.
Xin cảm ơn chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.