Xâm phạm quyền con người
Theo đó, vụ việc xảy ra tại đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc vào chiều 29.1. Trong video được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, công an dùng micro đọc to rõ họ tên, tuổi, quê quán, hành vi mua bán dâm rồi yêu cầu 4 người (1 nam, 3 nữ) bước lên cho mọi người nhìn. Nhiều người đi đường, trong đó có cả trẻ em đứng xem, một số cũng cầm điện thoại quay lại cảnh tượng này.
Sự việc công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) công khai bêu danh tính người mua bán dâm đang gặp phải phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội. Ảnh: I.T
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
|
Trao đổi với PV NTNN, luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, việc các cán bộ công an thị trấn Dương Đông “bêu” công khai danh tính người mua bán dâm trước rất đông người dân chứng kiến là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo luật sư Hà, không có quy định nào cho phép lực lượng chức năng, cụ thể trong tình huống này là Công an thị trấn Dương Đông “bêu” danh tính người mua bán dâm công khai như vậy.
“Pháp luật không cho phép họ làm việc đó. Ai cũng có quyền con người, dù người ta là gái bán dâm hay người đi mua dâm. Công an Dương Đông không thể mang họ ra ngoài đường bôi nhọ, làm nhục như vậy được. Nói thẳng, Công an Dương Đông làm việc này là không có năng lực” – luật sư Vũ Thái Hà khẳng định.
Theo Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe, hành vi này có dấu hiệu làm nhục người khác. Vị luật sư phân tích, không có quy định nào của luật cho phép cơ quan công quyền được phép làm nhục người khác bằng hành động bêu danh tính công khai. Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, thể hiện phẩm giá cao quý của con người được pháp luật ghi nhận, bảo vệ.
Luật sự Hà chia sẻ, đây không phải là vấn đề giữa dân sự và dân sự, nếu là dân sự thì nạn nhân có thể kiện để bồi thường, nhưng đây là hành vi của cơ quan công quyền, đương nhiên là cơ quan công quyền phải xin lỗi những người bị mình xúc phạm. Tiếp đó phải xem xét việc kỷ luật những cá nhân liên quan đến sự việc nghiêm trọng này.
“Anh làm việc cho cơ quan nhà nước, anh không hiểu biết pháp luật hay sao mà làm những việc đó. Theo tôi cần phải xem xét trách nhiệm xử lý kỷ luật những người này rất nghiêm khắc” – vị giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe nêu quan điểm.
Về phía 4 người bị công an “bêu” danh tính, theo luật sư Hà, họ có quyền làm đơn khiếu nại vì vi phạm của họ chỉ là vi phạm hành chính. Họ có quyền yêu cầu cơ quan công quyền xin lỗi, bồi thường. Thậm chí 4 nạn nhân này có thể kiện Công an thị trấn Dương Đông ra tòa hành chính vì hành vi này là hành vi trái pháp luật.
“Những cá nhân cán bộ công an phải chịu trách nhiệm về việc này, không chỉ xin lỗi người bị “bêu” tên là xong. Cơ quan nơi họ làm việc phải xem xét lại năng lực của những cán bộ này để có hình thức xử lý thích đáng” – vị luật sư nêu ý kiến.
Chỉ truy tố khi người mua bán dâm cố tình lây nhiễm bệnh xã hội
Về biện pháp xử lý người mua bán dâm, luật sư Vũ Thái Hà khẳng định, cả hai hành vi mua dâm và bán dâm chỉ bị truy tố trách nhiệm hình sự trong tình huống họ cố tình lây nhiễm HIV cho người khác khi biết mình có bệnh. Còn lại sẽ bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp giáo dưỡng tại xã phường.
Cụ thể, đối với người có hành vi mua dâm, Điều 22, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 quy định về Xử lý đối với người mua dâm như sau: 1. Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Như vậy, người mua dâm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính trừ trường hợp bị nhiễm HIV mà cố tình lây nhiễm cho người khác.
Tùy vào tính chất của hành vi này, người mua dâm bị phạt các mức tiền khác nhau từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với người bán dâm, theo Điều 23 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 quy định về xử lý đối với người bán dâm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.
Đáng chú ý, người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tương tự với hành vi mua dâm, người bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính, áp dụng các hình thức giáo dưỡng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp người bán dâm bị nhiễm HIV và có hành vi cố tình lây nhiễm cho người khác.
Người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc; người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH): Răn đe như thế là quá tay
Hiện nay, quan điểm của Đảng, Nhà nước tiếp cận vấn đề mại dâm dựa trên quyền con người. Theo đó, chúng ta cũng có quy định không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm. Đương nhiên luật không cho phép công khai mà cán bộ công an khi thực thi nhiệm vụ lại công khai là sai.
Vấn đề công khai hay không công khai danh tính của người mua – bán dâm đã được đề cập từ khá lâu, không phải bây giờ chúng ta mới bàn tới. Tuy nhiên, lần nào bàn cũng chưa thật ngã ngũ. Có người thì cho rằng cần phải công khai để đánh vào yếu tố tâm lý, giúp giảm hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ quốc tế dựa trên quyền con người thì mọi người khuyến cáo là không nên.
Ví dụ như Thuỵ Điển, người ta tiếp cận dựa trên quyền con người, vì vậy mọi vấn đề đều được nhìn nhận ở góc độ nhân văn con người. Luật nước này quy định, nếu tiết lộ danh tín người mua, bán dâm thì sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí người đó còn có thể bị đi tù. Về góc độ cá nhân, tôi cho rằng vụ việc cán bộ công an ở thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) “bêu” người mua bán dâm là không được. Có thể cán bộ trong quá trình thực thi pháp luật cũng chỉ muốn răn đe nhưng đã làm quá tay dẫn tới bị người bán dâm và đối tượng mua bán dâm phản ứng. Về vấn đề này, chắc chắn cơ quan chức năng ngành công an phải xử lý theo luật.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hậu quả khôn lường
Trao đổi với PV NTNN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói: Tôi chưa khẳng định ai đúng, ai sai nhưng trong sự việc này nếu phía công an huyện Phú Quốc không làm đúng có thể phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Hậu quả xã hội rất lớn và khó khắc phục. Anh bêu xấu người ta ở ngoài đường, nơi công cộng mà không được phép dẫn đến người ta tự tử hoặc gia đình người ta lục đục thì sao? Thậm chí con cái họ thấy nhục nhã có thể làm những việc ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Vấn đề quan trọng bây giờ là các cơ quan liên quan phải đối chiếu lại quy định, nếu việc “bêu” như vậy không đúng thì phải xử lý người có tránh nhiệm liên quan. Ngoài ra, phải xem xét xem đây là sự việc của cá nhân hay là chủ trương của Công an thị trấn Đông Dương? Nếu là chủ trương thì phải xử lý cả người đưa ra chủ trương đó.
Minh Nguyệt - Đình Việt (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.