Ngoài "gai bê tông" Panorama, còn nhiều nhà dân đang mọc lên trên đèo Mã Pí Lèng

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 05/10/2019 16:00 PM (GMT+7)
Nhà văn Đỗ Bích Thúy - một người sinh ra ở Hà Giang và có nhiều tác phẩm về miền núi cho biết, không chỉ có Panorama trên đèo Mã Pí Lèng mà còn nhiều ngôi nhà dân ngang nhiên xuất hiện trên cung đường đèo từ 1 năm nay.
Bình luận 0

Hà Giang có ý nghĩa như thế nào với  nhà văn Đỗ Bích Thúy? Chị gắn bó với nơi này như thế nào?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Đấy là quê hương của tôi, mảnh đất mà tôi luôn dành tình cảm yêu mến, nhớ thương đặc biệt. Tôi đã in 19 cuốn sách thì 16 cuốn trong số đó là về miền núi, với bối cảnh thiên nhiên, văn hoá, phong tục tập quán các tộc người ở Hà Giang.

img

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

 Những căn nhà dân mọc lên tự phát trên đèo Mã Pí Lèng chị thấy từ bao lâu rồi?  Và từ khi mọc lên chị có thấy nó có gì thay đổi, hay chính quyền Hà Giang có thái độ gì không?

- Dọc đèo Mã Pí Lèng, trước đây đã có một điểm dừng chân ngắm cảnh, do huyện Mèo Vạc xây dựng. Tất cả những ngôi nhà sau này, bao gồm cả quán cà phê Panorama mà báo chí nhắc gần đây, đều mới xây dựng chắc khoảng 1 năm trở lại đây. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Panorama là vào tháng 5/2019. Lúc đó mới chỉ có một tầng trên cùng hoạt động, còn các tầng dưới đang xây dở. Còn các ngôi nhà của người dân thì lác đác mọc lên theo cái cách mà Panorama đã làm, tức là cắm các cọc bê tông thẳng vào sườn núi, và đổ các sàn nhà. Tầng trên cùng bám vào mặt đường ô tô.

img

Những ngôi nhà dân ở Hà Giang. Ảnh: facebook Đỗ Bích Thúy

Chính quyền Hà Giang có thái độ gì hay không thì tôi không biết, nhưng tôi cho rằng hàng loạt căn nhà như thế, và nhất là một căn nhà rực rỡ to tướng như Panorama, không thể chỉ trong một đêm mà thình lình mọc lên được. Chưa kể, vị trí mà Panorama hiện tại đang đứng, trước đây hoàn toàn là núi đá, người dân ở cách đó rất xa, nó không có trạm hạ thế, không có nguồn nước, xây là một chuyện, để hoạt động được thì phải liên quan đến rất nhiều cơ quan chức năng khác. Anh chẳng thể nào tự câu điện từ trên trời xuống mà sử dụng được, đúng không nào? Thế nên, chỉ có thể nói là nó đã được xây dựng một cách ngang nhiên, giữa ban ngày ban mặt, mà chả có ai "sờ gáy" cả. Panorama còn thế thì huống hồ nhà dân.

img

Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Việc những công trình như Panorama và những ngôi nhà dân mọc lên trên đèo Mã Pí Lèng và cả ở Đồng Văn ảnh hưởng gì đến giá trị của vùng đất này?

- Panorama là một tấm gương xấu để người dân nhìn vào đó mà tự hỏi "Ô, tại sao người ta có thể xây nhà trên vách núi thế kia còn mình thì không?". Có sẵn cái "nhà mẫu" đấy rồi, cứ thế mà học theo thôi. Rõ ràng là ở gần đường ô tô thì đi lại tiện lợi hơn, dại gì mà người ta không làm. Nhất là lại chẳng bị cấm đoán gì (Tôi nói chẳng bị cấm đoán gì là bởi suy ra từ việc, nếu cấm thì người ta đã không làm).

img

Nhà hàng Panorama sừng sừng bê tông án ngữ đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Facebook Đỗ Bích Thúy

Còn ảnh hưởng thì bạn thấy rồi đấy. Những ngôi nhà như những cái răng thình lình mọc lên khắp các cung đường, đúng một kiểu thiết kế, cắm một cách thô bạo những cái chân lênh khênh vào vách núi. Nếu đâu đâu cũng lổn nhổn như thế thì còn gì là thiên nhiên tươi đẹp, là cảnh quan tuyệt mĩ mà cả thế giới phải tìm đến nữa. Tôi chưa dám nói đến tác động vào đời sống hàng ngày, sự an toàn của các công trình, mức độ nguy hiểm khi người ta sống trong những căn nhà như thế, và bên dưới họ là những nếp nhà, những xóm nhỏ, quây quần sống trong những ngôi nhà cũ. Đấy là tôi chưa nói đến việc thay thế những ngôi nhà truyền thống bằng những ngôi nhà xấu xí như vậy thì nó đồng nghĩa với sẽ mất đi những giá trị văn hoá tộc người mà nhiều thế kỉ qua chính bà con các dân tộc đã xây dựng nên.

img

Những ngôi nhà bê tông kiên cố cắm vào sườn núi Hà Giang. Ảnh: Facebook Đỗ Bích Thúy

Là một người am hiểu về vùng đất này, theo chị thái độ của chính quyền Hà Giang thờ ơ như vậy là vì đâu?

- Tôi nghĩ lý do căn bản là họ không nhận thức được rằng những ngôi nhà cắm vào vách núi ấy nó quá xấu xí. Cái đầu tiên là họ không thấy nó xấu, chứ như tôi với bạn, nhìn là thấy xấu ngay, thì chắc chắn họ đã "giật mình", đã có động thái can thiệp rồi. Bây giờ báo chí lên tiếng, mạng xã hội nổi sóng rầm rầm thì mới nhìn lại.

Nhận thức hạn chế, lại thiếu trách nhiệm, hai cái đó cộng lại là quá đủ để những điều tương tự xảy ra rồi.

img

Những ngôi nhà dân ở Hà Giang. Ảnh: Facebook Đỗ Bích Thúy

Vậy chị nghĩ rằng khu vực đèo Mã Pí Lèng này nên phát triển như thế nào để phù hợp với giá trị của nó và vừa có lợi cho người dân?

- Tôi nói chi tiết một chút. Quay lại cái Panorama, trước đấy, cách đó một đoạn, đã có một địa điểm ngắm cảnh sông Nho Quế, vực Tu Sản khá đẹp, được chính quyền huyện Mèo Vạc xây dựng. Nhưng khi Nho Quế có thuỷ điện, nước dâng lên, thì địa điểm ngắm vực Tu Sản ở Panorama bây giờ mới là đẹp nhất. Và thế là một ngày mọc thêm Panorama. Trong khi, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn đến thiên nhiên, thì họ đã không cho phép xây thêm một điểm dừng chân to đùng như Panorama nữa. Mà nếu muốn an toàn cho khách du lịch thì chỉ cần xây một hàng rào chắn tại vị trí đó, san phẳng, mở rộng một chút ở khúc cua, để người ta có thể ngắm cảnh, chụp ảnh. Chấm hết. Tuyệt đối không cà phê, không khách sạn. Ai có nhu cầu ăn nghỉ thì quay về thị trấn mà nghỉ, ai có nhu cầu uống thì mang theo nước mà uống.

img

Những ngôi nhà dân ở Hà Giang. Ảnh: Facebook Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định nhưng được sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Trước đây, chị đã có 4 năm làm báo ở Hà Giang và khoảng thời gian đó đã giúp chị được đi, trải nghiệm và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này. Bởi vậy nhà văn Đỗ Bích Thúy rất am hiểu đời sống, văn hóa của dân tộc Mông, Tày. Điều này có thể thấy rõ trong các tác phẩm văn chương của chị đã được dựng thành phim rất nhiều.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy hiện sở hữu gần 20 cuốn sách gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, trong đó hầu hết là các sáng tác về đề tài miền núi, đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt như: “Chuyện của Pao”, “Lặng im dưới vực sâu”, “Chúa đất”, “Tôi đã trở về trên núi cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem