Trao đổi với báo chí chiều 17.8, ông Lưu Quang Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết việc lái xe phản đối trạm BOT Cai Lậy đã ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.
Theo ông Hào, trước đây, tỉnh Tiền Giang có chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng không thu xếp được vốn. Dự án được Bộ Giao thông kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, nếu chỉ có làm tuyến tránh Lai Cậy thì phương án tài chính không đảm bảo vì vậy dự án đã được các cấp xem xét thông qua đầu tư 12km tuyến tránh và nâng cấp 26,5km quốc lộ 1.
"Làm xong đường mà người dân lại phải đối thế này, chúng tôi trông chờ vào các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng”, ông Hào nói và cho hay chủ đầu tư chỉ có hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng với tiền lãi trả hàng tháng.
Đề cập phương án có thể phải di dời trạm thu phí, ông Lưu Quang Hào nói: "Nếu phải thực hiện thì nhiều khả năng phá vỡ phương án tài chính. Khi đó chúng tôi sẽ trả dự án cho nhà nước và lấy lại tiền để đi chỗ khác cho đỡ đau đầu”.
Ông Lưu Quang Hào cho biết, dự án tuyến tránh Cai Lậy khả thi và được tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay vốn nên nhà đầu tư mới dám làm. Ảnh: Anh Duy.
Tuy nhiên ngay sau đó vị này vẫn khẳng định: "Chúng tôi chẳng bao giờ muốn di dời".
Tại buổi họp báo cũng trong chiều 17.8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ không di dời trạm BOT Cai Lậy cho dù người dân phản đối, vì trạm nằm trong khu vực dự án tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo mặt đường quốc lộ 1.
Theo Thứ trưởng Đông, vị trí đặt trạm hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ Giao thông chấp thuận đặt trên phạm vi của dự án và theo phương án tài chính của nhà đầu tư. Trước khi đặt trạm, các đơn vị đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội theo quy định.
"Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn", Thứ trưởng nói.
Trạm BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và nâng cấp mặt đường quốc lộ 1, hoạt động từ ngày 1.8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Nhiều lái xe trả tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lây. Ảnh: Hoàng Nam.
Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Ngày 16.8, Bộ Giao thông đã quyết định giảm mức phí lượt của các phương tiện qua trạm thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất là 160.000 đồng và miễn phí cho các xã nằm gần trạm thu phí, thực hiện từ 21.8.
Đoàn Loan (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.