Nóng trong ngày: Chủ nhà bị "bẻ khóa", bắt gà sẽ kiện phường?

P.V tổng hợp Thứ hai, ngày 31/07/2017 13:45 PM (GMT+7)
Anh Đào Tuấn Anh, người sở hữu căn nhà bị đoàn kiểm tra của UBND phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) bẻ khóa cổng bắt 9 con gà Đông Tảo đi tiêu hủy cho biết nếu phường không xin lỗi, anh sẽ kiện. Câu chuyện tiếp tục gây chú ý cộng đồng.
Bình luận 0

Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Bé trai chơi đàn bị hỏi giấy phép ở phố đi bộ, người bố văng tục với đoàn kiểm tra; Bán vé số dạo mà cũng lừa được 2,5 tỷ, sao nhiều người cả tin thế?; Xe cộ chịu thua kẻ dựng xe máy ngồi giữa đường; Không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp người phụ nữ nghi bắt cóc...  

Chủ nhà bị "bẻ khóa", bắt gà Đông Tảo tiêu hủy: "Nếu phường không xin lỗi, tôi sẽ kiện ra tòa”, có ai ủng hộ không?

img

Đoàn kiểm tra UBND P.15, Q.Tân Bình bẻ khóa cổng vào bắt 9 con gà Đông Tảo của nhà anh Tuấn Anh. Ảnh Thanh Niên

Clip cán bộ phường 15 (quận Tân Bình) vào nhà dân bắt gà

Đã 5 ngày kể từ khi đoàn kiểm tra của UBND phường 15 gồm cán bộ phường, công an phường và tổ dân phố đến bẻ khóa cổng bắt 9 con gà Đông Tảo của anh Tuấn Anh đem đi tiêu hủy mà không có anh ở nhà, nhưng đến nay anh Tuấn Anh vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ UBND phường 15.

Do vậy, anh Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi đoán là việc tôi nuôi gà lại được “theo dõi” đặc biệt như vậy? Tôi không hiểu văn bản hay điều luật nào cấm nuôi gà, nếu có thì cần được giải thích rõ là điều nào cấm. Nhưng dù có cấm hay không thì đoàn kiểm tra bẻ khóa cổng nhà tôi mà không có lệnh xét nhà thì là xâm phạm chỗ ở rồi. Bắt 9 con gà Đông Tảo trị giá khoảng 10 triệu đồng đem đi tiêu hủy, tôi không rõ quy định nào cho phép. Nếu phường không xin lỗi, tôi sẽ kiện ra tòa”.

Trước đó, ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình lý giải rằng đoàn kiểm tra đang thực hiện theo chỉ đạo trong chỉ thị 02 năm 2015 của UBND TP, còn có người trong đoàn bẻ khóa cổng là do có người ở nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra.

Ông Lâm Việt Thảo cũng xác nhận vụ việc trên xảy ra tại địa bàn phường và người trong clip là cán bộ của phường. Ông Thảo cho hay theo chỉ thị 02/2015 của UBND TP.HCM thì người dân không nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư để ngăn ngừa dịch cúm khu vực nội ô. Ông Thảo cho biết lúc này có người trong nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra nên đoàn mới mời đại diện tổ dân phố để phối hợp kiểm tra theo đúng quy định.

Trước đây, UBND phường cũng từng nhắc nhở và xử lý việc anh Tuấn Anh nuôi gà trong khu dân cư một lần.

Luật sư (LS) Võ Văn Trà (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho biết cho đến thời điểm này, chưa có một văn bản pháp luật nào cấm người dân nuôi gia súc, gia cầm trong nhà. Tất nhiên, khi nuôi, người dân phải tuân thủ các quy định khác về chăn nuôi.

“Cần phải nhấn mạnh rằng việc nhốt vài con gà sau nhà không thể gọi là chăn nuôi”, LS Trà nêu quan điểm.

Kẻ trốn truy nã 23 năm thay 18 nhân tình vẫn bị bắt: Lưới trời khó thoát

img

Phạm Hoàng Đạo khi bị bắt. Ảnh: Báo Công an TP.HCM.

Năm 1994, Phạm Hoàng Đạo cùng đồng phạm Nguyễn Văn Công gây ra vụ án giết người, cướp tài sản rồi bỏ trốn. Trong suốt 23 năm trốn truy nã, Đạo liên tiếp thay đổi danh tính, nơi ở và cả nhân tình để che mắt công an. Mặc dù vậy, cuối cùng Đạo cũng bị bắt. Việc lẩn trốn có chủ đích suốt nhiều năm cho thấy Đạo không hề hối hận về tội ác của chính mình.

Bé trai chơi đàn bị hỏi giấy phép ở phố đi bộ, người bố văng tục với đoàn kiểm tra: Bài học cho cả 2 bên

img

Con trai chị Hằng biểu diễn trên phố đi bộ.

Tổ công tác kiểm tra các hoạt động trên tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có báo cáo liên quan đến việc cậu bé 15 tuổi chơi đàn violin trên phố đi bộ thì bị hỏi giấy phép hôm 28.7. Theo đó, khi được tổ công tác nhắc nhở không được để hộp xin tiền ở phố đi bộ thì bố cháu bé đã có lời nói khó nghe, không hay với cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên nên được thông báo rõ ràng vì có nhiều trường hợp hát rong xin tiền tại khu vực này. Ngoài ra, hành xử của bố cháu bé cũng không phù hợp. 

Bán vé số dạo mà cũng lừa được 2,5 tỷ, sao nhiều người cả tin thế?

img

Năm 2011, bà Nhi từ huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) lên chợ Cầu Voi ấp 5, xã Nhị Thành thuê phòng trọ để đi bán vé số dạo. Do chịu khó bà Nhi mỗi ngày bán được 200 vé (loại 10.000 đồng/vé) lời 220.000 đồng, thu nhập một tháng gần 7 triệu đồng.

Đầu năm 2017, bà Nhi đứng ra làm chủ một số đầu dây hụi từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng có vài chục người tham gia. Khi ai đến ngày hốt hụi, nhận tiền xong bà Nhi hỏi vay lại với lãi suất 10-15% tháng. 

Không chỉ có vậy bà vay thêm một số người 50-100 triệu đồng, có trường hợp kinh doanh ở chợ Cầu Voi bà “mượn” khoảng 1,9 tỷ đồng, nợ tiền đại lý vé số gần 80 triệu đồng. Số tiền mà “chủ nợ" đang thiếu trên 2,5 tỷ đồng.

Xe cộ chịu thua kẻ dựng xe máy ngồi giữa đường

img

Mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại sự việc gây bức xúc. Vào khoảng 17h38 ngày 30.7, một người đàn ông trung niên thản nhiên dựng xe máy giữa đường, ngay dưới gầm cầu khiến các phương tiện khác phải né sang một bên mới có thể tiếp tục di chuyển. Sự việc được ghi nhận tại đoạn đường Phạm Ngũ Lão (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

4 người tử vong trong vụ sập mái hiên nhà tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu: Quá đau lòng

img

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Ảnh Dân trí

Liên quan đến vụ sập mái hiên nhà khiến 3 người phụ nữ tử vong xảy ra tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 30.7, cháu bé bị thương trong vụ tai nạn này cũng đã tử vong, nâng số người chết trong vụ tai nạn lên 4 người.

Sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, dấu hiệu bên ngoài cho thấy cháu L.D.L (sinh năm 2014, con của 1 trong 3 người phụ nữ đã tử vong) bị gãy chân. Sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa đã sơ cứu cho bé nhưng nhận thấy chấn thương quá nặng nên đã chuyển cháu lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Do chấn thương quá nặng, bé L. đã tử vong trên đường chuyển viện vào lúc 22h ngày 30.7. Như vậy, đã có tới 4 người tử vong trong vụ sập mái hiên nhà tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

Không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp người phụ nữ nghi bắt cóc

Lãnh đạo VKSND huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này đã ra quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của CQĐT Công an huyện đối với bà Đào Thị Danh (SN 1969, trú xã Thạch Liên, Thạch Hà). Qua kiểm sát tin báo ban đầu, xác định hành vi của Đào Thị Danh không có dấu hiệu phạm tội, không cần thiết phải sử dụng biện pháp ngăn chặn là bắt khẩn cấp.

img

Rất đông người tập trung khi xảy ra vụ việc nghi bắt cóc trẻ em, lực lượng CA rất vất vả mới đưa được bà Danh ra khỏi đám đông. Ảnh VNN

Lãnh đạo VKSND huyện Can Lộc cũng cho biết thêm, phía CQĐT cũng không có lệnh tạm giữ đối với bà Danh, mà chỉ câu lưu lại trụ sở. Đó là biện pháp nghiệp vụ, nhằm phục vụ quá trình điều tra, xác minh thông tin ban đầu, cũng như bảo đảm an toàn cho bà Danh. Kết quả điều tra bước đầu xác định giữa bà Danh và người nhà cháu Ng., cũng như bà Danh với hàng xóm,… có quen biết. Bà Danh thường xuyên lui tới thôn này để bán gạo, mua rượu và thường bồng bế, chơi với các cháu nhỏ.

Trước đó như tin đã đưa, chiều 28.7, cơ quan điều tra Công an huyện Can Lộc đã ra lệnh bắt khẩn cấp bà Đào Thị Danh để điều tra về hành vi bắt cóc.

Sáng cùng ngày, bà Danh có lên thôn Ban Long (xã Quang Lộc) để thu tiền mua men rượu, khi đến nhà ông Thân Văn Kính, không thấy chủ nhà đâu, bà đã bồng bé Ng. (2 tuổi) đi sang nhà hàng xóm tên Kiểu chơi.

Khi mẹ cháu bé không thấy con mình đâu đã tri hô đi tìm, sau khi phát hiện bé Ng. đang chơi ở nhà bà Kiểu, rất nhiều người đã cho rằng bà Danh bắt cóc cháu Ng. nên đã bao vây căn nhà.

Sau nhiều giờ đồng hồ, lực lượng công an mới đưa được bà Danh ra khỏi đám đông để phục vụ điều tra.

Tiếp xúc với phóng viên, người nhà bé Ng. thông tin, bà Danh với gia đình có quan hệ từ lâu, có thể có sự hiểu nhầm trong sự việc bà Danh bị bắt khẩn cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem