Từ việc tại Thanh Hóa, tập đoàn này bị ngư dân tố chặn đường ra biển đánh bắt cá từ hàng chục năm nay đến chuyện căn biệt thự của ông chủ Tập đoàn FLC tại Hà Nội có nhiều sai phạm khiến cho một thương hiệu vốn có uy tín, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản như FLC, ít nhiều bị ảnh hưởng.
Mẻ cá mới về bến sau một ngày đi biển của ngư dân Sầm Sơn. Cảnh này sẽ dần không còn ở đây nữa? Ảnh: Khánh Gia
Những ngày đầu tháng 3.2016, hàng trăm người dân xã Quảng Cư (TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã vây kín cổng chính của UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc UBND tỉnh này đã thu hồi đất khu vực neo đậu bến thuyền phía đông đường Hồ Xuân Hương (xã Quảng Cư) để giao cho Tập đoàn FCL xây dựng lại bờ biển, chặn con đường ra biển có từ hàng chục năm nay của ngư dân ở đây. Chưa dừng ở đó, FLC còn cho bảo vệ ra bờ biển ngăn chặn bà con ngư dân không được đánh bắt cá, cào ngao, trong khi không có luật nào quy định, bờ biển thuộc chủ quyền của cá nhân, tổ chức nào.
Đó là chuyện ở Thanh Hóa, còn ngay tại Hà Nội, cùng thời điểm này, báo chí cũng đã thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (trụ sở tại Hà Nội) ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng. Cụ thể, theo điều tra của tờ Tuổi Trẻ, trong quá trình xây dựng căn biệt thự B12- BT6 Khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư là ông Trịnh Văn Quyết đã có vi phạm trong trật tự xây dựng, là tự ý thay đổi công năng của căn biệt thự mà chưa được phép của cơ quan chức năng.
Cũng theo tờ này, một lãnh đạo Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm xác nhận trong năm 2015 đã phát hiện và lập biên bản vi phạm, đồng thời đề xuất chính quyền phường sở tại ban hành quyết định xử phạt và đình chỉ thi công đối với công trình, tuy nhiên, công trình không những không bị xử phạt mà vẫn tiếp tục thi công dù đã bị đình chỉ. Và thậm chí, chủ đầu tư căn biệt thự - ông Trịnh Văn Quyết - còn chống đối khi lực lượng chức năng tới kiểm tra bằng cách đóng kín cổng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” không cho tổ công tác vào làm việc, có những lời lẽ thách thức đối với lãnh đạo thanh tra xây dựng của quận.
Hai sự kiện, không hẹn mà gặp, cùng dính tới FLC đã khiến không ít người đặt dấu hỏi về một thương hiệu vốn có uy tín trên thị trường bất động sản từ trước tới nay.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc khuyến khích các tập đoàn tư nhân ra đời, phát triển và lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng, ngang ngửa với các thương hiệu quốc tế là điều rất cần thiết. Nhưng cùng với sự lớn mạnh về mặt tài chính, một thương hiệu muốn tồn tại bền vững phải đạt được cả yếu tố đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng.
Không chỉ là chuyện mỗi năm anh đóng góp cho ngân sách bao nhiêu tỷ đồng tiền thuế, mà xã hội còn đòi hỏi ở anh một thái độ, hay nói đúng hơn là một văn hóa doanh nghiệp hiện đại, nhân văn, trong đó cốt lõi là việc tôn trọng và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.
Các tập đoàn hàng đầu của đất nước hiện nay như Vingroup, Viettel, FPT, Vinamilk… đều luôn hướng tới việc xây dựng một thương hiệu sạch (được hiểu theo nghĩa luôn luôn thượng tôn pháp luật), cùng với một văn hóa doanh nghiệp văn minh và nhân bản. Bởi tất cả đều hiểu rõ, nếu không có một nền tảng vững chắc là văn hóa doanh nghiệp, tập đoàn đó, doanh nghiệp đó - một xã hội thu nhỏ với hàng nghìn, hàng vạn con người – dù giàu có tới mức nào, cũng sẽ khó có thể phát triển bền vững trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
FLC, với khẩu hiệu “Vững niềm tin, bền ý chí”, đang được biết đến ngày càng rộng rãi hơn trên cả thương trường và trong cộng đồng, xã hội. Nhưng đừng đánh đồng điều đó với việc có thể đứng trên luật pháp, thách thức luật pháp hay rũ bỏ trách nhiệm với cộng đồng cư dân, thu vén quyền lợi cho cá nhân mà bỏ qua những lợi ích chung. Những điều đó không sớm thì muộn sẽ làm tổn hại tới những thành quả đã dày công xây dựng, trong đó thành quả lớn nhất chính là niềm tin mà FLC đã có được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.