Ngày 11.12, PV Dân Việt tiếp nhận phản ánh của ông Nguyễn Viết Cường (SN 1951, trú thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị) về việc gia đình tố Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chẩn đoán ban đầu sai, rồi tiêm thuốc dẫn đến cái chết của con gái ông.
Ông Nguyễn Viết Cường - bố chị Nguyễn Thị L (bên phải) phản ánh sự việc với PV. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo trình bày của ông Cường, khoảng 8h30 sáng 3.12, chị Nguyễn Thị L (SN 1980) bị ngã xe máy, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu.
Bệnh viện đã siêu âm, chụp phim, Scan, CT não của bệnh nhân L. Kết quả, không phát hiện bất thường nào.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Răng - Hàm - Mặt để kiểm tra vết thương ở miệng thì được các bác sĩ khám, rồi tiêm một mũi SAT (huyết thanh chống uốn ván).
Chỉ sau mũi tiêm SAT một thời gian ngắn, bệnh nhân L có biểu hiện đau đầu, nôn ói…
Bệnh viện sau đó cấp cứu khẩn cấp cho chị L. Nhưng đến ngày 6.12, bác sĩ thông báo với người nhà chị L rằng chỉ còn khoảng 5% sự sống.
Khoảng 16h chiều 6.12, chị L được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị, nhưng không khả quan. Ngày 7.12, chị L qua đời.
“Đến bây giờ bệnh viện vẫn chưa trả lời rõ ràng nguyên nhân cái chết oan nghiệt của con gái tôi” - ông Cường nói.
Chị L ra đi để lại chồng và hai con gái nhỏ dại, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Vũ
Trả lời PV Dân Việt, ông Trương Xuân Nhuận - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - xác nhận, bệnh nhân L vào viện lúc 8h30 ngày 3.12 và ngay lập tức được chụp phim, Scan, CT… nhưng chưa phát hiện biểu hiện lâm sàng nào bất thường.
10h10 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Răng - Hàm - Mặt tiêm mũi SAT (huyết thanh chống uốn ván). Đến 10h26, bệnh nhân L bị sốc phản vệ, huyết áp tụt, chỉ còn 40/20mm thủy ngân và xuất hiện cơn ngưng tim, ngưng thở.
Ngay lập tức, bệnh viện thực hiện báo động đỏ nội viện, huy động các y - bác sĩ cấp cứu đặc biệt cho bệnh nhân L. Khoảng 5 phút sau, huyết áp và tim của bệnh nhân L phục hồi.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị lý giải nguyên nhân cái chết của chị L do chấn thương sọ não nặng. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo ông Nhuận, đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình, điều trị khá thành công tình trạng sốc phản vệ của bệnh nhân L. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị chấn thương sọ não rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Kết quả chẩn đoán ngày 4.12 cho thấy, bệnh nhân bị tụ máu DMC bán cầu P dày 9,4mm, chảy máu dưới nhện ở lều tiểu não, phù não lan tỏa hai bán cầu, cấu trúc đường giữa di lệch sang T 6mm, hệ thống não thất bị chèn ép.
Ông Nhuận cho hay, chấn thương sọ não có ba loại: Cấp tính, bán cấp tính và mãn tính. Thời gian xuất hiện biểu hiện bệnh lâm sàng của ba loại này khác nhau. Ví dụ loại cấp tính, có thể sau khi bị tai nạn đến 3 ngày sau bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chấn thương sọ não ngay, nhưng với loại bán cấp tính hay mãn tính thì từ 3 đến 21 ngày sau mới xuất hiện biểu hiện bệnh lâm sàng.
Ông Nhuận lý giải, trong trường hợp của chị L, chấn thương sọ não dạng kín nên kết quả kiểm tra ban đầu chưa phát hiện được chứ không phải chẩn đoán sai.
Cũng theo ông Nhuận, việc tiêm huyết thanh chống uốn ván không ảnh hưởng đến bệnh chấn thương sọ não.
“Nếu chẩn đoán ban đầu phát hiện bệnh nhân bị chấn thương sọ não thì vẫn tiến hành tiêm huyết thanh chống uốn ván. Ở đây bệnh nhân tử vong do chấn thương sọ não chứ không phải do sốc thuốc” - ông Nhuận nói.
Về phía gia đình nạn nhân, ông Nguyễn Viết Cường cho biết sẽ có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.