Thanh tra TP.Hà Nội cũng đã công bố 2 kết luận thanh tra: Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại xã Minh Trí và Minh Phú (H.Sóc Sơn) trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay; việc thực hiện các nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP.Hà Nội, chỉ đạo xử lý sau thanh tra của UBND TP và việc quản lý, sử dụng đất rừng, bảo vệ rừng tại khu vực hồ Đồng Quan, hồ Hàm Lợn, hồ Đồng Đò và một số hồ lớn khác tại H.Sóc Sơn; và Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, H.Sóc Sơn.
Mua bán, xây dựng đất rừng trái phép
Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ UBND 7 xã (Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường, như mua bán chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng.
Nhiều công trình vi phạm tồn tại trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn. Ảnh: T.An
Cụ thể, tại xã Hiền Ninh có 246 thửa (206 thửa có ranh giới, chủ sử dụng đất), xã Nam Sơn có 545 thửa (234 thửa có ranh giới, chủ sử dụng đất), xã Hồng Kỳ có 104 thửa (78 thửa có ranh giới, chủ sử dụng đất), xã Tiên Dược có 161 thửa ( 42 thửa có ranh giới, chủ sử dụng đất)…
Về cấp sổ đỏ, UBND 3 xã (Phù Linh, Nam Sơn, Hồng Kỳ) và các đơn vị liên quan cấp cho 13 trường hợp sử dụng đất trong quy hoạch rừng phòng hộ sau năm 2008 là vi phạm quy định. Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện Sóc Sơn làm thủ tục chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ sau năm 2008 là vi phạm điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Kết luận cũng nêu rõ có 12 trường hợp tại 4 xã Hiền Ninh, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ là vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Thế nhưng UBND các xã trên vẫn xác nhận, chứng thực vào hợp đồng mua bán của các hộ là vi phạm quy định.
Thanh tra TP.Hà Nội cũng chỉ rõ vi phạm trật tự xây dựng tại 7 xã (Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ). Cụ thể, tại 7 xã này có 219 trường hợp tự ý chuyển nhượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở sau 2008.
Theo Thanh tra TP.Hà Nội, UBND 7 xã trên, Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cùng UBND huyện Sóc Sơn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự xây dựng theo quy định.
Vắng Việt phủ Thành Chương
Đáng chú ý, kết luận chỉ rõ các trường hợp điển hình về vi phạm trật tự xây dựng trong quy hoạch rừng. Cụ thể, tại đất lâm trường xã Minh Phú có hộ ông Ngô Văn Cam được UBND huyện Sóc Sơn cho mượn đất, được cấp sổ Lâm bạ diện tích là 15 ha và sử dụng khoảng 4 ha đất của lâm trường Sóc Sơn thu hồi để thực hiện dự án JIFPRO. Tổng diện tích ông Cam sử dụng khoảng 19 ha.
Khu nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh tại Sóc Sơn nằm trong kết luậtn Thanh tra TP.Hà Nội vừa công bố. Ảnh: Nguyễn Chương.
Từ năm 2001- 2005, ông Cam chuyển nhượng cho 55 hộ, diện tích gần 130.000 m2, các hộ đã xây dựng 69 công trình, diện tích xây dựng khoảng 4.300 m2. Còn lại, ông Cam sử dụng gần 60.000 m2 xây dựng Khu du lịch Thiên Phú Lâm 57.500 m2 với 21 hạng mục công trình.
Với trường hợp gia đình ông Trương Anh Quân, vợ là Đỗ Mỹ Linh (gia đình ca sĩ Mỹ Linh), năm 2001, ông Quân mua lại đất của hộ ông Đỗ Xuân Lâm đã được cấp sổ đỏ diện tích 600 m2 đất ở từ năm 1997, trước khi có quy hoạch rừng năm 1998.
Năm 2009, hộ ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh sổ đỏ. Năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi sổ đỏ cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden (hộ bà Lê Thị Lan Hương) sử dụng gần 20.000 m2, đã xây dựng 5 công trình kiên cố 2-3 tầng (dạng biệt thự), diện tích xây dựng khoảng 1.000 m2...
Riêng về trường hợp Việt phủ Thành Chương nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, kết luận thanh tra không có đề cập cụ thể nào đến công trình này.
Nhiều khu vực đất rừng tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội đang bị san ủi, cây cối bị chặt hạ. Ảnh: Thành An
Cũng theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.
Theo đó, có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Kết luận cũng nêu rõ huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, không kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng, khiến tình hình phức tạp hơn, đặc biệt, là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn.
Hầu hết trường hợp chuyển nhượng, người bán đất không có giấy tờ sử dụng đất nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng, dẫn đến người nhận chuyển nhượng đất xây dựng nhiều công trình lớn trong quy hoạch rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.