"Sức khoẻ của Chủ tịch nước sao không công khai cho cử tri biết?"

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 13/11/2017 18:11 PM (GMT+7)
“Liên quan đến chuyện sức khoẻ của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để cho mạng thông tin, mạng xã hội nói, nhân dân, cán bộ, đảng viên lo lắng, băn khoăn… Tôi về khu phố, cử tri hỏi, ông bà già hỏi. Đi tiếp xúc cử tri, họ cũng hỏi”, đại biểu Bùi Đặng Dũng đặt vấn đề.
Bình luận 0

img

Đại biểu Bùi Đặng Dũng phát biểu.

Chiều 13.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật an ninh mạng và Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Đại biểu Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội có phát biểu rất đáng chú ý.

Ông kể câu chuyện có tài liệu đóng dấu mật, tối mật, sau đó bỏ lại ở cơ sở đồng nát. Khi phát hiện, cơ quan chức năng đã hỏi về nhân thân của người làm nghề đồng nát đó, truy mấy đời làm gì, mua tài liệu ở đâu. Sau khi xác minh thì thấy tài liệu ở Hà Nội, khoanh vùng dần mới biết được chuyển ra từ nhà Quốc hội.

“Tôi đến họp với đồng chí ở vụ chức năng tham mưu, giúp việc. Được biết ở đây nhiều tài liệu được đóng dấu mật, tài liệu nhiều quá nên ông này bỏ cho mấy bà đồng nát, mấy bà này không biết gì, được cho thì họ đóng gói bán đi nên tài liệu bị thất tán. Tôi nói một việc ở một cơ sở đồng nát, chuyện đã xảy ra ở cơ quan của Quốc hội, chắc nhiều cơ quan khác của chúng ta cũng có tình trạng như vậy”, đại biểu Dũng nói.

Từ câu chuyện dẫn chứng trên, đại biểu Dũng đặt vấn đề, thứ nhất, Luật bảo vệ bí mật nhà nước phải quy định như thế nào để chặt chẽ. Thứ hai, trong quá trình xây dựng luật phải chú ý hiện tượng xem nhẹ, chủ quan nên dẫn tới có người phát biểu hội nghị, viết bài, trao đổi hội thảo, chuyện trò tâm sự trong gia đình… đã làm lộ bí mật nhà nước.

Đại biểu Dũng đặt vấn đề sức khoẻ của lãnh đạo Đảng và nhà nước có phải bí mật không? Nếu như là bí mật nhà nước thì ta phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải bí mật nhà nước thì chúng ta phải công khai.

“Liên quan đến chuyện sức khoẻ của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để cho mạng xã hội nói, nhân dân, cán bộ, đảng viên lo lắng băn khoăn… Tôi về khu phố, cử tri hỏi, ông bà già hỏi. Đi tiếp xúc cử tri, họ cũng hỏi. Sinh lão bệnh tử là quy luật cuộc sống của con người. Một người ở 60 tuổi rồi, ngũ thập tri thiên mệnh, bệnh tật là bình thường...”, đại biểu Dũng nói.

Ông cho rằng, liên quan đến sự việc trên, chúng ta xử lý rất kém, chỉ đến khi hình ảnh đồng chí Chủ tịch nước rạng ngời, mạnh khoẻ mới đập tan mọi thông tin phản tuyên truyền.

Nói về vấn đề lộ bí mật nhà nước, đại biểu Bùi Đặng Dũng đã nêu vấn đề, tại sao mọi chuyện cơ mật các đồng chí thư ký, lái xe, quán trà vỉa hè lại biết. Ông dẫn chứng liên quan đến một kỳ Đại hội Đảng, khi ra quán trà vỉa hè ngồi, thấy có nhiều người nói chuyện về nhân sự. “Ở quán trà vỉa hè có ông phán kinh lắm. Họ nói đợt này ông này làm vị trí này, vị trí kia. Điều đáng nói là sau này, thực tế lại đúng. Rõ ràng về mặt tổ chức, nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước. Lộ ở đâu ra, tự chúng ta làm lộ”, đại biểu Dũng nói.

Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem