Thông tin bất ngờ tại cơ sở nuôi nhốt hổ khu du lịch Thanh Cảnh

Văn Dũng Thứ năm, ngày 06/06/2019 11:36 AM (GMT+7)
Chủ cơ sở nuôi nhốt hổ tại khu du lịch Thanh Cảnh từng bị xử phạt tù do vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Vào năm 2011, TAND thị xã Thuận An đã tuyên phạt Huỳnh V.H (con trai chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh) 36 tháng tù giam và Huỳnh T. Đ (con ông Huỳnh V.H) 30 tháng tù giam.
Bình luận 0

Phút hãi hùng khi bị hổ cắn đứt lìa cánh tay

Ngày 6/6, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này đang chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ tiến hành điều tra, làm rõ vụ ông Võ Thành Q (SN 1970, quê An Giang) bị hổ vồ đứt 2 cánh tay.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sự việc xảy ra vào ngày 4/6 tại khu sinh thái Thanh Cảnh nằm trên đường Vĩnh Phú 09 thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo lời kể của ông Q, chiều 4/6, ông đi đến khu vực nuôi nhốt hổ của khu du lịch Thanh Cảnh để xem bạn mình thực hiện việc cho hổ ăn. Ông Q vô ý để tay lên song sắt khu vực thành của chuồng thì bất ngờ bị con hổ lao tới cắn vào cánh tay.

img

Khu du lịch Thanh Cảnh, nơi xảy ra vụ hổ tấn công người vào chiều 4/6. 

“Nghĩ rằng con hổ đã bị nuôi nhốt và không thể nào tấn công người nên chủ quan, trong lúc sơ ý, tôi để cánh tay phải vịn vào khung sắt thì con hổ lao đến cắn mạnh tay phải và kéo vào trong. Lúc này, tôi dùng tay còn lại để kéo ra thì hổ ngoạm luôn tay còn lại”, ông Q thều thào.

Khi phát hiện hổ cắn người, nhân viên của khu du lịch Thanh Cảnh đã nhanh chóng tìm cách xua đuổi con hổ và đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Khánh Hưng, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh nhân Q nhập viện trong tình trạng nặng do sốc chấn thương, mất nhiều máu, vết thương đứt lìa tay trái và vai phải kèm chấn thương ngực rất nặng.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu hồi sức, dẫn lưu màng phổi cho bệnh nhân và chuyển người này lên phòng mổ. Tại đây, bệnh nhân được xử lí vết thương, làm mỏm cụt tay trái và vai phải. Hiện ông Q đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ phải mổ thêm vài lần để làm sạch vết thương tay trái, vai phải và sẽ khâu lại vết thương.

Theo người dân sinh sống gần khu vực khu du lịch Thanh Cảnh, thường ngày đến giờ trưa vào chiều thì những âm thành của hổ gầm vang vọng cả khu vực, mỗi lần như vậy ai cũng đều sợ hãi và nổi hết da gà vì sợ nếu hổ sổng chuồng thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Ngoài tiếng hổ, người dân còn phát hiện ra tiếng gấu và nhiều động vật khác.

“Bên ngoài đề biển khu du lịch Thanh Cảnh, thế nhưng có bao giờ thấy mở cửa đón khách đến vui chơi tham quan đâu, toàn thấy chủ cơ sở này đóng cửa kín mít, may là khu vực tường rào khá cao nên người dân mới đỡ sợ. Chứ những người làm việc bên trong có sự cố thì không tài nào cứu được”, một người dân sống gần hiện trường cho biết.

Chủ cơ sở nuôi nhốt hổ từng bị xử phạt

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương xác nhận, khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép cho nuôi thú, trong đó có hổ. Trên giấy tờ mà Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đang quản lý thì cơ sở này nuôi nhốt 5 con hổ và 23 con gấu ngựa, ngoài ra còn có 2 con cá sấu nước ngọt, 1 con ó và 1 con diệc xám. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ hổ vồ người thì tại khu vực nuôi nhốt chỉ có 3 con hổ.

img

Khu vực nuôi nhốt hổ trong khu du lịch Thanh Cảnh rất sơ sài. 

Chuồng nuôi được xây bằng gạch, cửa chuồng làm bằng sắt, chiều cao chuồng khoảng 2m. Tại đây có vết máu bên trong chuồng và ngoài cửa chuồng. Nhận thấy chuồng nuôi nhốt hổ quá sơ sài, lực lượng chức năng đề nghị chủ khu sinh thái khẩn trương xây mới chuồng hổ để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra trường hợp tương tự.

Theo tìm hiểu, chủ cơ sở nuôi nhốt hổ tại khu du lịch Thanh Cảnh từng bị xử phạt tù do vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Vào năm 2011, TAND thị xã Thuận An đã tuyên phạt Huỳnh V.H (con trai chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh) 36 tháng tù giam và Huỳnh T.Đ (con ông Huỳnh V.H) 30 tháng tù giam.

Theo HĐXX, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Phùng đứng tên, nhưng thực chất hoạt động do con trai Huỳnh V.H chỉ đạo điều hành. Lúc đầu, chủ cơ sở này mua 2 con hổ gửi nuôi tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), nhưng tới năm 2003, ông này mua thêm hổ nguồn gốc không hợp pháp về nuôi nhốt tại Thanh Cảnh. Khi thấy hổ bị chết, thay vì phải báo đơn vị kiểm lâm, họ lần lượt bán hổ để lấy cao với giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi con.

Liên quan đến vụ việc ông Q bị hồ vồ, Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết đang làm việc với Kiểm lâm, Công an tỉnh Bình Dương và Công an thị xã Thuận An để điều tra làm rõ vụ việc. Lực lượng chức năng cũng đề nghị doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm đến an toàn tính mạng con người trong hoạt động chăn nuôi thú dữ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 cơ sở nuôi nhốt hổ có phép và cả 3 nơi này đều đã xảy ra vụ việc hổ tấn công người. Cụ thể, vào ngày 10/9/2009, một con hổ nuôi nhốt tại Khu du lịch Đại Nam (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) đã nhảy qua vách ngăn cao 3m rồi cắn ba công nhân trồng cây ở khu vực vườn thú. Hai người nhảy xuống ao nước tránh nạn trong khi công nhân còn lại bị tấn công tử vong.

Ngày 23/9/2016, tại khu nuôi nhốt hổ thuộc Công ty Thái Bình Dương ở phường Bình An, thị xã Dĩ An (nuôi gần 20 con hổ) cũng xảy ra vụ việc nhân viên chăm sóc Lương Văn Hải (40 tuổi, quê Thái Bình) cho con hổ nặng 120kg ăn tại chuồng nuôi và bị chính con vật này tấn công, cắn tử vong.

Gần đây nhất là vụ hổ tấn công người ở khu du lịch Thanh Cảnh nằm trên phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem