Thực phẩm bẩn, hãy gọi đúng tên cái ác

Nguyễn Mỹ Linh Thứ tư, ngày 06/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Nông dân có sai không? Có. Thương lái có ác không? Có. Nhưng những cơ quan được giao trách nhiệm để cái sai cái ác ấy không có cơ hội nảy nở và hoành hành thì ở đâu?
Bình luận 0

Mấy bữa nay facebook lẫn báo chí bàn nhiều về ung thư, về an toàn thực phẩm.  Những câu cảm thán thường gặp là «quân độc ác», «phải bỏ tù hết chúng nó đi», «nông dân nhà mình vừa tham vừa ngu», «bọn Tàu thâm lắm, toàn bán đồ độc hại vào Việt Nam mình».  

Đúng thật. Ác thât, phải bỏ tù thật, đồ độc hại được nhập vào Việt Nam nhiều thật. Nhưng có một đối tượng tạo nên cái ác và cần phải bỏ tù thì không ai gọi tên cho chính xác được là những ai.

Nông dân bị cho là tham. Thương lái bị cho là gian. Đúng hết. Nhưng chỉ đúng một nửa.

Năm 1997, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hình ảnh bà con nông dân tham gia vào việc đầu độc cuộc sống bản thân và đồng loại – một cách vô thức, đấy là khi ngồi xem một phóng sự bà con tưới rau muống từ nguồn nước thải của nhà máy pin Văn Điển, được phát sóng trên thời sự của VTV.  Ở thời điểm này, phóng sự đã gây ra cú sốc cho chính những người thực hiện phóng sự.

Nhớ mãi hình ảnh dòng nước đen sánh được tưới lên ngọn rau muống xanh mướt và câu cảm thán của đồng nghiệp, "độc ác". Ai ác? Nhìn thoáng qua thì chắc chắn bà con nông dân ác, tưới nước có chất thải từ pin lên rau muống, rồi đem bán, quá ác! Nhưng nghĩ sâu xa hơn, cả vùng Văn Điển sống trong ô nhiễm nước từ nghĩa trang và nhà máy pin ngấm thải ra, bà con ăn nước giếng khoan lọc mấy lần lọc vẫn nhớt, vậy nước sạch từ đâu để tưới rau phục vụ các anh chị thành phố? 

Tôi vẫn luôn nghĩ người nông dân Việt Nam là khổ nhất. Chiến tranh giặc dã thì tiễn chồng con lên đường. Hòa bình xong cả nước khổ một, nông dân khổ ba.  Phát triển kinh tế thì đất nông nghiệp biến thành khu đô thị, khu công nghiệp. Trên mỗi cây lúa, ngọn rau họ trồng là tiền học, tiền trọ tiền áo tiền quần cho con, tiền thuốc cho cha mẹ già, và cả tiền nộp «sưu»  đen cho quản lý chợ nếu  may mắn có được ngọn rau, thúng trái đem lên thành phố bán.

img

"Công nghệ" tưới rau muống bằng nhớt thải khiến ngọn rau xanh mướt. 

Tôi chưa thấy người nông dân được hưởng một chế độ ưu đãi đặc biệt nào về an sinh, hỗ trợ một cách gián tiếp để họ có thể sống thiện lành. Họ phạm tội trong sự cùng khổ. Ngoài ra, họ cũng sẽ chẳng thể bơm, bón thuốc vô tội vạ nếu không có người «dúi» vào tay các loại thuốc bón, thuốc sâu, thuốc tăng trưởng.

Ai dúi? Thương lái. Ai để thương lái nhập đồ hóa chất độc hại, độc dược vào Việt Nam mà không thể kiểm soát? Chuỗi mắt xích tưởng bùng nhùng này, thật ra chẳng khó để gọi tên.

Tôi có cô bạn gái là cảnh sát môi trường. Nhiệt huyết lắm, đánh án đổ máu mũi máu mồm. Rồi cũng đến lúc nhiệt huyết  gặp trắc trở. Cá tầm tẩm thuốc ngủ vào Việt Nam với số lượng lớn, cuối cùng lên mặt báo chỉ còn vài tấn. Bắt đường dây sữa bẩn ở Hà Nội, trên cửa khẩu sữa vẫn lặng lẽ được tuồn vào… Cô bạn bảo:  «Thôi em đi học, em đánh án mãi thế này không được, bắt xong rồi lại thả. Người bao che thì lắm, luật thì không chặt, cứ chờ gây hậu quả nghiêm trọng mới được bỏ tù, uất ức lắm» . Cô bạn đi học luật, chỉ mơ ước mỗi điều làm sao để luật thay đổi, cứ chất độc hại là bắt đi tù. Cô bảo: «Cầm mấy triệu tiền phạt mà điên».

Cái cảm giác ức chế ấy, tôi cũng có, là khi đọc về chất độc salbutamol được nhập không thể kiểm soát, là khi lên cửa khẩu thấy hàng hóa nhập về quá dễ dàng, là khi đi chợ đêm thấy toàn thùng nước hóa chất để nhúng quả, mà không biết phải làm gì.

Tôi không thích dùng từ «chúng ta»  trong câu chuyện thực phẩm bẩn này. Nhà tôi mấy đời không còn ai làm ruộng. Cũng không ai sản xuất thực phẩm hay buôn bán thuốc sâu, phân bón. Chúng ta ở đây đều làm đúng chức phận của mình và chẳng liên quan gì đến nguyên nhân của tình trạng vừa ăn tích tiền mua vé lên thiên đàng này.

Sao lại yêu cầu người dân «chúng ta»  phải nhịn ăn,  phải bỏ những thói quen yêu thích là ngồi vỉa hè ăn sáng hay ăn đêm? Sao lại muốn phần lớn người lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng phải vào nhà hàng đắt tiền để đảm bảo vệ sinh? Sao lại yêu cầu người dân phải tự kiểm soát nguồn thực phẩm?

Vậy những cơ quan được giao làm việc đó thì làm gì?

Tôi còn nhớ năm 1998, cả nước Pháp rung động vì vụ hệ thống nhà hàng thịt bò nướng Buffalo grill đã nhập thịt bò từ Anh về bán. Khi ấy, với dịch bò điên, nước Pháp cấm tuyệt đối nhập thịt bò từ Anh, bất luận với lý do gì. 4 người trong ban giám đốc bị bắt, hệ thống nhà hàng đóng cửa không ít, 50% doanh số bị thiệt hại chỉ trong vòng 1 năm. Ở Việt Nam đã bao giờ chúng ta triệt để đến thế chưa?

Hệ thống siêu thị Fivimart đã từng bị báo chí phanh phui việc nhập rau không an toàn vào bán cho quầy rau an toàn, đã bao giờ hề hấn gì với luật pháp? Cả chợ hóa chất Kim Biên (TP HCM) mà báo chí đề cập bao lần, người bình thường hỏi mua chất độc hại cũng có, sao vẫn để bao năm tồn tại, nghênh ngang giỡn mặt với bộ máy hành pháp? Đấy là chưa nói đến những hợp đồng lớn hơn, kín hơn mà chỉ có cơ quan cấp phép được biết như vụ salbutamol vừa bị phanh phui.

Nông dân có sai không?  Có. Thương lái có ác không? Có. Nhưng những cơ quan được giao trách nhiệm để cái sai cái ác ấy không có cơ hội nảy nở và hoành hành thì ở đâu? Trách nhiệm cụ thể của họ là gì?

Tôi chỉ đồng ý là «chúng ta» ít sợ chết, quá chủ động thu xếp cho cuộc đời mình và tuyệt vọng đến mức bàng quan. Chúng ta biết bẩn mà vẫn ăn vì nghĩ tiền chỉ có thế. Chúng ta chưa bao giờ thắc mắc là sao hàng sữa trân châu đầu ngõ nhập sữa gì không dán mác, vô tư cho con ăn. Chúng ta hò nhau viết báo khen mô hình vườn ao chuồng trong nhà 3 tầng. Hớn hở thông báo cho nhau chỗ nào bán rau sạch thịt sạch, nhịn tiêu nhịn chơi để mua bằng được đồ ăn tử tế cho con cái cha mẹ. Ốm thì thì đi viện, giàu thì sang Tây chạy chữa.

Chúng ta lằn nhằn chửi thầm siêu thị làm láo nhưng chưa bao giờ có làn sóng tẩy chay. Chúng ta vứt cả nồi thịt vào sọt rác khi có mùi thuốc kháng sinh nhưng chưa bao giờ nghĩ chuyện cạch mặt cô hàng thịt đầu chợ hay lên tiếng kiến nghị với cơ quan hành pháp điều gì. Chúng ta vô hiệu hóa vai trò công dân tích cực của mình.

Và chúng ta ngại bảo ai đó nên từ chức hay đi tù.

Vài ngày trước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã hứa chỉ trong vài tháng là sẽ cải thiện được tình hình. Ơ hay, thế hóa ra không phải tình trạng này không thể cải thiện? Thế hóa ra chúng ta không nên tuyệt vọng, khi các cơ quan quản lý đồng tâm hiệp lực thì sẽ thay đổi được.

Hóa ra là thế ư? Thế mà bao lâu rồi sao chúng ta (lần này thì đúng là chúng ta thật) cứ thở than và cùng nhau ăn thực phẩm bẩn.

Thế nên, không phải không làm được, mà có muốn làm hay không thôi.

Thế nên, khi muốn thay đổi điều gì, thì phải gọi tên bản chất sự việc cho chuẩn xác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem