Ngày 11.4, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng và thương tâm nhất từ trước tới nay tại bệnh viện mình.
Bé N. bị chó cắn nát nửa mặt phải.
Bệnh nhi tên là P. P. N. (5 tuổi, sống tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng nát hết nửa mặt phải, từ chân tóc trở xuống, lộ toàn bộ tuyến mặt bên phải, thấy rõ cả hai hàm răng.
“Ngay trong đêm cấp cứu, tôi đã khâu đính cơ, xoay vạt, đóng da mặt cho em bé nhưng tính chất vết thương quá phức tạp. Nguy cơ nhiễm trùng khó tránh vì răng của con chó rất dơ. Các bác sĩ không cách nào làm sạch hết từng thớ cơ, thớ thịt”, bác sĩ Hằng nói.
Sau khi đóng vết thương, hai ngày sau bệnh nhi có dấu hiệu nhiễm trùng, lại phải chuyển lên mổ, dẫn lưu mủ tới 2 lần.
Kể từ khi nhập viện tới nay, suốt 3 tuần, ngày nào bé N. cũng được bơm rửa vết thương, tình trạng đã tạm ổn. Tuy vết thương đã lành nhưng hậu quả về thẩm mỹ em bé phải gánh chịu rất nặng nề.
Bác sĩ Hằng dự tính ca này phải trải qua ít nhất 10 lần phẫu thuật thẩm mỹ nữa dung mạo vẫn chưa thể giống ban đầu.
Đó còn chưa kể các di chứng bệnh nhi có thể phải đối diện về sau như: mất chức năng của tuyến nước bọt bên mặt phải, liệt mặt phải, mất cảm giác vùng mặt phải…
Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận khoảng 20 trường hợp trẻ em bị chó cắn. Đa phần các ca tai nạn xảy ra do chó nhà nuôi. Thế nhưng nhiều người không biết đưa trẻ đến ngay bệnh viện mà lo tìm cách xử trí khi bị chó cắn tại nhà như: tìm đập chó, cho bé đi qua đống lửa, liếc dao lên vết thương...
Một lần nữa, các bác sĩ cảnh báo bậc cha mẹ không nên để con trẻ thân thiện quá với chó mèo để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Khi bị chó cắn cần đưa đến cơ sở y tế chích vắc-xin tiêm phòng dại.
Thanh Huyền (Phụ nữ TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.