Trao đổi với Dân Việt về vụ việc Tiến sĩ Bùi Quang Tín tử vong nghi do rơi lầu, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, vụ việc này chắc chắn cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ để có kết luận chính thức.
Nếu có dấu hiệu nạn nhân bị xô đẩy, bị tác động ngoại lực, sẽ cần phải khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Theo luật sư Cường, ông Tín tử vong sau khi có mặt tại chung cư để ăn trưa, nhậu cùng với nhiều người nên cần làm rõ tại thời điểm gặp gỡ, ăn uống, trạng thái tâm lý, cảm xúc của ông Tín như thế nào; có mâu thuẫn với ai không; có buồn chán, bế tắc đến mức phải nảy sinh ý định tự tử hay không.
Vị luật sư nêu quan điểm, cái chết của ông Tín chỉ có thể xảy ra một trong 3 tình huống: Tự tử, tai nạn hoặc có người sát hại. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ để có kết luận nạn nhân tử vong thuộc trường hợp nào, trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm pháp lý và các vấn đề khác theo quy định pháp luật.
Thực tiễn cho thấy những trường hợp nạn nhân tự tử thường là người rơi vào trạng thái quẫn bách, bế tắc. Nguyên nhân tự tử thường là vỡ nợ, phá sản, mâu thuẫn về tình ái... Đối tượng tự tử thường là người trẻ tuổi, người không kiểm soát được cảm xúc, nhận thức về cuộc sống, nhận thức xã hội hạn chế...
Tuy nhiên, trong vụ việc này, nạn nhân là một tiến sĩ, am hiểu pháp luật và đang ở giai đoạn chín nhất của sự nghiệp, không gặp khó khăn, quẫn bách về tài chính, không mâu thuẫn gì về tình cảm, vậy chưa thấy có lý do gì khiến nạn nhân tự tử. Tình huống này cơ quan điều tra sẽ làm rõ từ phía gia đình, bạn bè, cơ quan để xác định nguyên nhân, tâm lý để có kết luận về vấn đề này.
Còn khả năng thứ hai có thể xảy ra khiến nạn nhân thiệt mạng là do tai nạn. Việc này cũng có thể xảy ra nếu nạn nhân đứng ở những vị trí nguy hiểm, leo trèo hoặc đang thực hiện một công việc nguy hiểm ở trên cao mà không có bảo hộ lao động; vị trí, khu vực mà nạn nhân đi qua, tiếp xúc không đảm bảo an toàn...
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm về vụ việc Tiến sĩ Bùi Quang Tín tử vong.
Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy nạn nhân đi dự tiệc cùng nhiều người, sau đó còn nói chuyện với ông Trung khi mọi người đã ra về. Ông Trung là người cuối cùng tiếp xúc với nạn nhân và là người thông báo với ông Dũng về việc nạn nhân tử vong. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ ông Trung có chứng kiến việc nạn nhân tử vong hay không; nạn nhân tử vong là do ngã, rơi từ đâu xuống đất; vị trí ngã, rơi đó có dễ dàng bị ngã, rơi hay không.
Thông thường khi xây dựng, thiết kế chung cư, kiến trúc sư và đơn vị xây dựng sẽ lường trước tất cả các tình huống nguy hiểm nên trẻ em, người già cũng khó có thể rơi xuống, chưa nói gì là một người lớn tuổi, có nhận thức. Nếu trong chung cư này có vị trí nguy hiểm đến mức ai đứng ở đó, đi qua đó cũng có thể rơi xuống, đó là điều bất thường.
Còn trường hợp nạn nhân bị sát hại là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ nghi vấn theo hướng này để tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, luật sư Cường còn phân tích, trong vụ việc, vợ nạn nhân cho rằng có nhiều yếu tố để nghi ngờ đây là một vụ mưu sát, nạn nhân bị sát hại bởi một người nào đó. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ trên cơ sở các dấu vết để lại trên hiện trường, lời khai của những người liên quan, đặc biệt là sẽ trích xuất camera của khu vực này để làm rõ.
Cơ quan điều tra sẽ xác minh những mâu thuẫn trong công việc, đời sống của nạn nhân và gia đình nạn nhân rồi khoanh vùng đối tượng nghi vấn. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ người tiếp xúc cuối cùng với nạn nhân là ai, khi nào nhìn thấy xác nạn nhân....
Đặc biệt là cần phải làm rõ nạn nhân đã ngã, rơi từ đâu xuống; trước khi ngã, rơi xuống đất có bị tác động ngoại lực hay không; những ai có mặt trên hiện trường tại thời điểm nạn nhân tử vong để xác định rõ nguyên nhân sự việc và làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã đẩy nạn nhân ngã xuống đất hoặc đã sát hại nạn nhân rồi đẩy nạn nhân rơi xuống, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Trong quá trình xác minh, khi loại trừ được hai tình huống nạn nhân tự tử và tình huống bị trượt chân tự ngã, đồng thời cho thấy có dấu hiệu của sự tác động từ bên ngoài khiến nạn nhân tử vong, phải cần khởi tố vụ án để tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra, làm rõ người đã thực hiện hành vi sát hại nạn nhân và tiếp tục khởi tố bị can xử lý theo quy định pháp luật”, vị luật sư nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ban giám hiệu Đại học Ngân hàng TP.HCM phải chỉ đạo tổ chức kiểm điểm việc không chấp hành các quy định phòng chống dịch, để tình trạng tổ chức ăn uống, tụ tập đông người, xử lý kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân vi phạm và báo cáo thống đốc kết quả thực hiện.
Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý của Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các cá nhân liên quan có báo cáo kiểm điểm, giải trình để Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.