Cụ thể, sáng ngày 18/9, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực thi cử THPT quốc gia năm 2018.
Phiên sơ thẩm đã đưa ra xét xử đối với 5 bị cáo gồm Nguyễn Thanh Hoài (SN 1969, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang);
Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang); Triệu Thị Chính (SN 1968, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, hiện đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú); Phạm Văn Khuông (SN 1959, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú); Lê Thị Dung (SN 1969, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú).
Bị cáo Vũ Trọng Lương tại phiên toà sơ thẩm. Lương bị cáo buộc đã trực tiếp sửa điểm cho các thí sinh.
Phiên xử ngày 18/9, toà triệu tập 177 người làm chứng, tuy nhiên có tới 62 người vắng mặt không lý do, 60 người vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Sau khi có đề nghị từ đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, Toà quyết định hoãn xét xử, chuyển sang ngày mai (14/10).
Dư luận hiện đang băn khoăn, liệu trong phiên toà tới, nếu hơn 100 người làm chứng kia tiếp tục không đến toà, hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế nào. Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, quy định pháp luật đã có sẵn chế tài để xử lý những việc này.
Cụ thể, luật sư Trần Tuấn Anh thông tin, theo quy định của pháp luật, nhân chứng của vụ án xuất hiện từ giai đoạn điều tra. Lúc này toàn bộ lời khai của họ đã được cơ quan điều tra lấy và lưu trữ lại.
Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang đã nhờ vả nâng điểm cho con trai.
“Trong tố tụng có biện pháp nếu trường hợp nhân chứng không đến, mà những người tham dự phiên toà có yêu cầu cần phải làm rõ những nội dung, tình tiết nào đó thì Toà sẽ công bố lời khai của những người làm chứng đã được thu thập trong quá trình điều tra.
Trong trường hợp bắt buộc người làm chứng đó phải có mặt để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, vắng mặt người nhân chứng đấy sẽ không tiến hành xét xử được phiên toà, thì toà sẽ ra lệnh dẫn giải nhân chứng đến toà để thực hiện việc khai báo” – luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Về diễn biến vụ việc, ngày 11/7/2018 kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 được công bố chính thức, qua dư luận, báo chí phản ánh nghi ngờ về điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, ngày 13/7/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Tổ công tác của ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Chiều ngày 14/7/2018, Tổ công tác có mặt tại Hà Giang để chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát, xác minh các vấn đề liên quan tới việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018, tiến hành chấm thẩm định lại toàn bộ số bài thi tại Hội đồng thi Sở giáo dục và đào tạo Hà Giang.
Nguyễn Thanh Hoài là người đưa chìa khoá phòng lưu trữ bài thi để Lương vào lấy các túi bài rồi sau đó sửa điểm.
Hội đồng chấm thẩm định Bộ giáo dục thấy có sự chênh lệch kết quả điểm thi của các thí sinh so với kết quả công bố điểm thi lần 1. Có hơn 330 bài thi môn trắc nghiệm của 114 thí sinh đã được nâng điểm.
Hành vi nâng điểm cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi và có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Quá trình điều tra đã xác định được một số cá nhân tham gia tổ chức thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang đã vi phạm quy chế thi của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngày 19/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung vì các vi phạm liên quan tới kỳ thi.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị can Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh.
Bị cáo Triệu Thị Chính có hành vi can thiệp nhờ nâng điểm môn Ngữ Văn.
Mặc dù bị ông Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi của thí sinh nhưng đã đưa danh sách 93 thí sinh cho bị can Lương để sửa chữa, nâng điểm. Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh.
Lương cũng là người thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp, sửa kết quả 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh để nâng điểm.
Còn bị can Phạm Văn Khuông đã nhờ Hoài nâng điểm cho con trai để đăng ký xét tuyển Đại học Y Thái Bình. Kết quả là con trai bị can Khuông được nâng 13,3 điểm 3 môn thi trắc nghiệm.
Bị can Triệu Thị Chính được xác định đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi, đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh.
Lê Thị Dung - Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cũng được xác định có liên quan trong vụ tiêu cực thi cử rúng động dư luận xã hội ở Hà Giang năm 2018.
Cơ quan điều tra xác định giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng, nhưng vì lý do khách quan nên Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm. Ngoài ra, bị can Lê Thị Dung đã nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nêu rõ: "Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội…".
Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn trắc nghiệm gồm toán, ngoại ngữ, hóa và lý. Thí sinh được nâng ít nhất 2,2 điểm với 1 môn.
Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai của phụ huynh, người liên quan đến 99/107 thí sinh, có 41 người khẳng định đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài và ông Vũ Trọng Lương nâng điểm cho con, cháu họ.
Đáng chú ý, cáo trạng cũng xác định không có gia đình thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.