Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Tổng Bí thư cho rằng, để tổ chức Hội nghị hôm nay, Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Ban Dân vận T.Ư đã có sự chuẩn bị rất công phu, chu đáo và trách nhiệm, nhất là các tài liệu trình ra Hội nghị. Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc, sát với tình hình thực tế.
Theo Tổng Bí thư, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự, quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.
Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, nhất là những năm gần đây, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước.
Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hoà giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở.
“Việc thực hiên Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như: vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cự khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, dồn điền, đổi thửa; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các tập thể đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp...”, Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, nhiều nơi thực hiện chưa còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
“Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn có tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất”, Tổng Bí thư chỉ rõ và cho biết thêm: Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật…
Để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh năm nội dung. Đó là các cấp ủy đảng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng; các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.