“Tôi từng là chuyên gia dân cày”Bây giờ đã nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Hữu Long – nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ trong lần Đại tướng đến thăm Hội Nông dân. Ông Long kể:
“Đó là lần Đại tướng về thăm quê vào năm 1990. Theo lịch trình của mình, Đại tướng đến thăm khối cơ quan Mặt trận, Đoàn thể của tỉnh. Sau khi thăm các cơ quan khác xong, Đại tướng đến thăm Hội Nông dân sau cùng. Nhưng điều đặc biệt, Hội Nông dân lại là cơ quan mà Đại tướng dành nhiều thời gian nhất để nói chuyện.
Bắt đầu câu chuyện với cán bộ Hội Nông dân tỉnh, Đại tướng cười thật tươi rồi nói: “Tôi làm quân sự nhưng từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân”. Đại tướng căn dặn: Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với người dân quê nhà xã Lộc Thủy trong một lần về thăm.
Bây giờ hoà bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con nông dân vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thuỷ lợi, thâm canh các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao để xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên…”.
Muốn làm một người trồng rừng chắn cát!Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về những người nông dân biết vượt khó, làm giàu. Đại tướng đã nhiều lần đến thăm mẹ Phạm Thị Nghèng ở Quang Phú (Đồng Hới). Mẹ Nghèng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích trồng rừng chắn cát. Mẹ Nghèng không biên chế, không hưởng lương, nhưng có đến 40 năm trồng rừng chắn cát. Cả một rừng cây phi lao ven biển Đồng Hới bây giờ đều do mẹ và đội trồng rừng của mẹ tạo nên.
Lần nào đến thăm mẹ Nghèng, Đại tướng cũng rất xúc động. Ông bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!”. Một lần ra thăm mẹ Nghèng, Đại tướng đã làm hầu hết đoàn tuỳ tùng ngạc nhiên khi ông nói rằng: “Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng”.
Bây giờ mẹ Nghèng đã về với cõi vĩnh hằng nhưng quê hương Quảng Bình vẫn có rất nhiều người nông dân theo lời Đại tướng dặn, theo gương mẹ Nghèng chinh phục những đồi cát trắng khắc nghiệt để làm giàu. Và Đại tướng đã rất vui khi biết được điều này. Hàng chục ngàn ha cát trắng ven biển Quảng Bình bây giờ đã được phủ xanh bởi những cánh rừng bạt ngàn mà chủ nhân phần lớn là những người nông dân như anh Võ Đại Nghĩa (xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ); Lê Ngọc Lễ (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh)…
Giữ nghề để tăng thu Sinh ra bên dòng Kiến Giang hiền hoà, hạt lúa, củ khoai vùng chiêm trũng đã nuôi ông thành vị tướng lỗi lạc. Nhưng dù đi khắp chân trời góc bể, Đại tướng vẫn một lòng đau đáu với người nông dân nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ là một xã thuần nông, độc canh cây lúa.
Đời sống của người nông dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lụt. Đại tướng hiểu rất rõ điều này nên mỗi lần về quê hay có dịp gặp mặt, Đại tướng luôn căn dặn lãnh đạo xã Lộc Thuỷ là chính quyền địa phương phải đoàn kết, người dân thì phải thoát ra khỏi tư tưởng bảo thủ, ruộng đồng nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất để có năng suất cao. Vườn tược không nên chỉ trồng cây chuối, mà phải trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế để tăng thu nhập...
“Thiên nhiên Quảng Bình khắc nghiệt, đời sống của người nông dân còn nghèo do sản xuất luôn gặp phải thiên tai. Các đồng chí phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của người nông dân….”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn Hội Nông dân Quảng Bình
|
Ông Bùi Hữu Đức – Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Thuỷ kể rằng: Trong nhiều lời căn dặn riêng với chính quyền xã, Đại tướng luôn nhắc: “Trong phát triển kinh tế, Lộc Thuỷ phải chú trọng và phát triển làng nghề chiếu cói. Muốn làm được điều đó thì địa phương phải đưa công nghệ cao vào nghề này”. Vâng lời Đại tướng, chiếu cói của làng bây giờ đã trở thành một thương hiệu được khách hàng khắp nơi rất ưa chuộng...
Cơn bão số 10 quét qua, thêm một lần nữa người nông dân Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cánh rừng, cây cối, trang trại bị tàn phá. Những lúc như thế này, người nông dân Quảng Bình lại nhớ Đại tướng vô cùng, vì họ biết rằng sẽ nhận được những lời thăm hỏi, động viên của Đại tướng qua lãnh đạo tỉnh. Đại tướng cũng không quên trích lương của mình để ủng hộ đồng bào khắc phục khó khăn.
“Biến yêu thương thành hành động, chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn hậu quả cơn bão, chinh phục thiên nhiên, dù làm lại từ đầu, chúng tôi cũng không nản lòng” - nhiều người nông dân Quảng Bình đã chia sẻ trước những mất mát do thiên tai và mất mát to lớn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng luôn nặng lòng với nông dân, về cõi vĩnh hằng.
Phan Phương (Phan Phương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.