Lương 9,6 triệu còn nhận 600 ngàn
Sau khi UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) công bố danh sách hơn 200 GV buộc phải chấm dứt hợp đồng, hàng loạt GV tại trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đã gửi đơn khiếu nại về việc nhà trường đã có sai phạm trong việc chi trả lương. Theo đơn, trong khi kho bạc vẫn trả lương trọn gói theo tháng cho GV thì nhà trường sau khi nhận về đã tự ý cắt xén chỉ trả lương theo giờ đứng lớp.
Bảng lương ông Huỳnh Bê ký gửi kho bạc để rút gần 70 triệu tiền lương cho 7 GV.
Cụ thể, tại bảng lương truy lĩnh từ tháng 8 - 12.2017 của nhà trường (do kế toán Nguyễn Viết Bình và Hiệu trưởng Huỳnh Bê ký) gửi kho bạc thể hiện có 7 GV được trả số tiền gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có hơn 17 triệu đồng đến tay các GV nói trên, còn gần 53 triệu đồng chênh lệch không ai biết đang nằm ở đâu.
Trong 7 GV nói trên có trường hợp, trong 5 tháng, chỉ nhận được hơn 600 ngàn đồng mặc dù tiền lương mà kho bạc chuyển trả cho GV này đến hơn 9,6 triệu đồng. Các trường hợp khác cũng được kho bạc chuyển trả mức lương tương tự từ hơn 9,6 triệu đến hơn 10 triệu đồng/5 tháng nhưng các GV thực nhận chỉ hơn 2 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế các giáo viên lại nhận số tiền thấp hơn rất nhiều.
Chị Dương Thị Thủy, một trong số 7 GV nói trên, cho biết, từ tháng 6.2015, lương của chị và những người khác bị cắt giảm. Bản thân chị, năm 2013 được ký hợp đồng dạy tại trường với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền lương bậc 1, hệ số lương 2.10 cùng tiền khu vực, ưu đãi và lương thu hút). Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 12.2015, mức lương này giảm xuống còn gần 4 triệu đồng/tháng. Hai tháng tiếp theo chị Thủy chỉ được hưởng lương cơ bản. Từ tháng 3 - 8 chị nghỉ thai sản, sau đó chỉ được nhà trường trả 1,5 triệu đồng/tháng. Lý do nhà trường đưa ra là do chị hợp đồng dạy dưới 10 tiết/tuần. Hiệu trưởng và kế toán trường cho biết kinh phí trên không rót về.
Theo phản ánh của 7 GV trên, từ năm 2015, kể từ khi tiền lương bị cắt giảm, nhà trường đã không chuyển trả lương qua thẻ ATM mà cho các giáo viên ký nhận trực tiếp. Chính vì điều này, các giáo viên còn nghi ngờ, không chỉ trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12.2017, mà có khả năng từ tháng 6.2015 đến nay, họ còn bị ăn chặn tiền lương mà không hề hay biết.
Hiệu trưởng chỉ đạo lập 2 bảng lương
Để làm rõ các thông tin trong đơn của các GV, chúng tôi trực tiếp đến trường cũng như qua điện thoại nhưng đều không thể liên lạc được với ông Huỳnh Bê. Trong khi đó, kế toán cũng như Phó Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây đều cho rằng ông Bê là người chịu trách nhiệm chính trong việc chi trả lương cho các GV.
Nhiều giáo viên nghi ngờ họ đã bị ăn chặn tiền lương trong nhiều năm qua.
Phó hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây, ông Dương Đăng Sơn, cho biết, Ban giám hiệu và công đoàn ngành đang xác minh đơn khiếu nại của các GV nói trên. Hiện việc xác minh chưa có kết quả nên chưa thể cung cấp gì thêm.
Liên quan đến việc này, ngày 15.3, thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk, xác nhận thông tin về việc cơ quan này mời ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây đến trụ sở để làm việc. Trước đó, Thanh tra huyện Krông Pắk đã chuyển hồ sơ tố cáo ông Bê của các GV trường này cho Công an huyện. Tuy nhiên, ông Dân cho biết vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.
Ngoài lùm xùm về chuyện ăn chặn tiền lương, hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây còn bị tố đòi tiền "chung chi" để ký hợp đồng.
Cùng ngày, ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk, cho biết, đơn vị đã nhận được phản ánh của các GV. Sau khi kiểm tra thì phát hiện ông Huỳnh Bê chỉ đạo kế toán lập hai bảng lương. Do đó, đơn vị đã lập tờ trình báo cáo tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, xử lý.
Tại một diễn biến khác, ông N.V.M (xã Ea K'Mut, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) phụ huynh của một GV đang hợp đồng tại trường THCS Ngô Mây đã gửi đơn tố cáo ông Huỳnh Bê có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Công an huỵện Ea Kar (Đắk Lắk). Theo đơn, người này cho biết, ông Bê "gợi ý" chung chi 140 triệu đồng cho con vào dạy tại trường và sẽ được cho vào biên chế. Tuy nhiên, sau khi ông ông M "chung" cho ông Bê 120 triệu đồng, con ông chỉ được nhận vào dạy hợp đồng. Nhiều năm sau, do ông Bê không thực hiện lời hứa nên ông M đòi lại tiền nhưng ông Bê không trả. Tuy nhiên, theo Công an huyện Ea Kar, người tố cáo chỉ cung cấp các giấy nhận nợ, khất nợ... không có giấy tờ thể hiện nội dung như đơn tố cáo nên đơn vị đã hướng dẫn ông M khởi kiện ra tòa.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.