Lực lượng cảnh sát ở khu vực trạm thu phí BOT Cai Lậy để giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: VNE
Theo ĐB Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc lái xe dùng tiền mệnh giá nhỏ, lúc dùng tiền mệnh giá to để trả tiền phí khi qua trạm thu phí Cai Lậy là kiểu phản ứng chính sách.
“Nếu không giải quyết được vấn đề, làm không khéo dễ dẫn tới bức xúc, cứ nghĩ kế đối phó nhau sẽ không hay”, ông Phong nói.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng, cần phải công khai minh bạch dự án để người dân biết. Khi đảm bảo công khai minh bạch, người dân thấy việc đặt trạm thu phí như vậy là đúng thì họ sẽ đồng thuận.
Trong vụ việc căng thẳng ở trạm thu phí Cai Lây, người dân nghi ngờ và đặt câu hỏi đường được đầu tư một nơi, việc đặt trạm thu phí một nơi theo kiểu “lùa” dân vào. Quốc lộ 1A vốn là tuyến đường của Nhà nước làm từ nguồn kinh phí do người dân đóng phí đường bộ, phí đó là để đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường.
“Giữa chính quyền địa phương, nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải phải có cách để xử lý triệt để vấn đề này, không nên để co kéo giữa người dân với nhà đầu tư, việc co kéo dài sẽ dẫn đến mất an ninh trật tự. Chính quyền cũng như lực lượng công an không thể luôn túc trực để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, vấn đề bức xúc giữa lái xe và phía thu phí”, ĐB Hồng nói.
Trạm thu phí Cai Lậy ngay từ khi hoạt động đã có sự bất hợp lý khi xác định mức phí, người dân phản ứng, phía cơ quan chức năng lại giảm mức thu. “Qua đó, người dân càng đặt vấn đề ở đây hợp đồng ký kết không đảm bảo lợi ích giữa các bên, họ cho rằng lợi ích nghiêng về phía nhà đầu tư”, ĐB Hồng cho biết.
ĐB Hồng cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề, có thể Nhà nước dùng khoản tiền (phí đường bộ người dân đã đóng) để trả lại chi phí cho nhà đầu tư đã nâng cấp, sửa chữa một số đoạn của quốc lộ 1A, sau đó chuyển trạm thu phí về vị trí khác. Nhà nước phải tính toán để nhà đầu tư không bị thiệt hại.
“Để xảy ra vụ việc như vậy cần phải xem xét nguyên nhân do đâu, do quy định của pháp luật hay do làm việc tắc trách của cơ quan quản lý nhà nước. Qua đây cũng là bài học kinh nghiệm để khi triển khai các dự án, việc tham vấn lấy ý kiến nhân dân để đánh giá tác động thế nào, làm thế nào để tạo sự đồng thuận của người dân”, ĐB Hồng bày tỏ.
Theo ĐB Đặng Thuần Phong, Quốc hội đã khẳng định BOT là chính sách đúng, cần phải phát huy, nhưng cần phải có cách làm hợp lý mới phát huy được tính đúng đắn của chính sách.
“Chủ trương làm BOT là tốt, nhưng cách làm là quan trọng. Nếu nói chưa có văn bản pháp luật thì Chính phủ sớm trình, còn quy định giao cho Bộ làm dễ dẫn tới lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, rồi vấn đề không minh bạch dễ gây ra những bức xúc khó lường. Khi xảy ra vụ việc căng thẳng như ở trạm thu phía Cai Lậy cần có biện pháp khắc phục ngay. Nếu như không có biện pháp khắc phục triệt để những hệ lụy cũ thì rất khó triển khai được dự án BOT mới, nhất là sắp tới triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (dự kiến hơn một nửa kinh phí không dùng ngân sách)”, ĐB Phong nói.
Clip: Tài xế phản ứng vì BOT Cai Lậy bất ngờ thu phí trở lại. Nguồn: Zing
Sáng 30.11, trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đã hoạt động trở lại sau 3 tháng rưỡi tạm ngừng hoạt động (từ 15.8). An ninh tại khu vực này đã được thắt chặt. Tuy nhiên sau vài giờ hoạt động, trạm thu phí này đã phải xả cửa.
Cụ thể, đến 12h45, sau hơn 3 tiếng hoạt động trở lại, trạm BOT Cai Lậy đã phải xả trạm do nhiều tài xế trả tiền lẻ gây kẹt xe kéo dài. Đến 13h35, trạm này tiếp tục thu phí trở lại. Tới 16h50, trạm này buộc phải xả trạm lần hai.
Vào lúc 1h30 ngày 1.12, hướng lưu thông từ TP.HCM đi Cần Thơ tê liệt hoàn toàn tại trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang khi một nhóm tài xế trả tiền lẻ 25.100 đồng và yêu cầu phải trả lại tiền thừa. Trạm thu phí tiếp tục phải xả trạm lần thứ ba.
Trong quá trình giằng co ở trạm thu phí có 2 tài xế bị đưa về trụ sở công an làm việc, sau đó 2 tài xế rời trụ sở công an.
Trong ngày 1.12, trạm thu phí Cai Lậy lại tạm ngưng hoạt động, đến đêm cùng ngày trạm thu phí hoạt động trở lại.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.