3 đồn biên phòng, 4 trạm bảo vệ rừng
Lối rẽ vào rừng xuyên qua lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil.
Ngày 2.5, PV Dân Việt đã đi dọc tuyến đường được cho là Phượng "râu" đã sử dụng để vận chuyển gỗ từ tiểu khu 462 Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) về thị trấn Ea T'ling (huyện Cư Jút), tỉnh Đắk Nông. Thông tin từ ông Phan Thanh Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, từ lán trại của Phượng "râu" muốn về đến thị trấn Ea T'ling có thể đi theo hai hướng: Một là qua các Đồn Biên phòng 747, 749 (thuộc tỉnh Đắk Lắk) và Đồn 751 (thuộc tỉnh Đắk Nông) rồi rẽ vào đường 6B, đi khoảng hơn 1km thì rẽ phải về huyện Đắk Mil, sau đó theo đường Hồ Chí Minh về huyện Cư Jút. Tuyến đường này mất gần 90km.
Trước mặt Đồn Biên phòng 751, nơi có lối rẽ vào đường 6B về tỉnh Đắk Nông.
Hai là đi qua các Đồn Biên phòng 749 (tỉnh Đắk Lắk), 751 (tỉnh Đắk Nông), sau đó rẽ trái vào đường 6B đi tiếp khoảng 6km, qua Trạm Kiểm lâm số 10 của Vườn Quốc gia Yok Đôn rồi rẽ phải đi qua lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đắk Wil (tỉnh Đắk Nông). Từ đây đi gần 30km nữa thì đến xã Đắk Wil (huyện Cư Jút), qua Đồn Công an Ea Pô, sau đó chạy qua địa phận các xã Ea Pô, Nam Dong, Tâm Thắng rồi đến thị trấn Ea T'Ling (đều thuộc huyện Cư Jút).
Như vậy nếu đúng như thông tin từ lực lượng phá án, thì xe gỗ của Phượng "râu" đã đi qua tuyến đường thứ 2. Theo quan sát của PV, theo tuyến đường này, xe gỗ của Phượng "râu" đầu tiên phải đi qua Đồn 747, tiếp đó qua Đồn 749, rồi đến Đồn 751 của tỉnh Đắk Nông với tổng chiều dài 30km theo QL 14C. Vừa ra tới Đồn 751 thì xe gỗ sẽ rẽ trái vào đường 6B (theo các cán bộ tại Trạm Kiểm lâm số 10, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn thì con đường này thường gọi là đường quốc phòng).
Trạm kiểm lâm số 10 của Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Từ ngã rẽ này vào đến Trạm Kiểm lâm số 10, đường nhỏ hẹp hơn nhưng xe tải cũng khá dễ dàng đi qua. Khi đi qua Trạm 10 khoảng 1km, xe rẽ phải đi qua lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (huyện Cư Jút, Đắk Nông) với 3 trạm quản lý bảo vệ rừng, gồm Trạm Bến Cát, Trạm Đắk Lâu và Trạm số 1. Đoạn đường này dài khoảng 20 km, nằm hoàn toàn trong rừng, không có dân cư sinh sống.
So với quãng đầu tiên, đoạn đường này khá gập ghềnh với nhiều đèo dốc dựng đứng. Đặc biệt, để đi ra được khỏi rừng, xe gỗ buộc phải qua Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil có barie chắn ngang.
Cán bộ kiểm lâm, biên phòng nói gì?
Trưa 2.5, chúng tôi đã có buổi làm việc với Đồn Biên phòng 749 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Buổi làm việc có đại úy Trần Tiến Vinh, Phó đồn trưởng, đại úy Nguyễn Trọng Cường, Phó đồn trưởng, trung tá Phạm Công Khanh, Chính trị viên. Tại buổi làm việc, cả 3 cán bộ trên đều cho rằng cho đến khi có thông tin của báo chí đơn vị mới biết có việc xe chở gỗ lậu của Phượng "râu" đi qua địa bàn.
Barie tại trạm bảo vệ rừng số 1 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil.
Các cán bộ này đều khẳng định, theo quy định thì tất cả người và phương tiện khi đi vào khu vực biên giới đều phải đăng ký với đồn. Nhưng ngược lại, đơn vị không có chức năng chặn, kiểm tra phương tiên đi trên quốc lộ.
Trong trường hợp có tin báo, hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm, đơn vị phải phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra. Cũng theo các cán bộ này, hiện trên tuyến đường này đang có một số đơn vị trúng thầu làm đường tuần tra biên giới nên lượng xe cộ qua lại rất nhiều, không thể kiểm soát hết được.
Chúng tôi cũng đã đến làm việc với Đồn Biên phòng 751, nhưng cán bộ tại đây từ chối cung cấp thông tin vì không có chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông.
Còn tại Trạm Kiểm lâm số 10 của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, ông Nguyễn Tấn Bình, Trạm trưởng cho biết đơn vị chỉ có chức năng quản lý bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn, không có chức năng kiểm tra xe chở gỗ đi trên đường. Chỉ trong trường hợp có tin báo thì đơn vị mới phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra. Ông Bình cũng cho biết, trong thời gian qua, trên địa phận trạm quản lý (khoảng 17 nghìn ha rừng) chỉ xảy ra một vài vụ khai thác, vận chuyển lâm sản nhỏ lẻ.
Ông Phạm Văn Hồng (thứ 3 từ phải qua) trả lời phóng viên.
Trên lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, ông Phạm Văn Hồng, Trạm phó Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, cho biết trong đêm 26 và rạng sáng 27.4, tại trạm chỉ có một mình ông trực, những người khác đều đã về công ty để họp. Tuy nhiên tối đó, do có thông tin về việc phá rừng ở trạm bên trong nên ông đã nhờ một người dân gần đó giữ trạm giúp (chỉ trông coi nhà trạm) và đi vào rừng, trạm bị bỏ trống. Cũng theo ông Hồng, khi trở về trạm ông có nghe người trông nhà nói có xe lâm sản đi qua trạm barie ra ngoài.
Một cán bộ khác tại này cho biết, barie có khóa nhưng thường thì chìa khóa để ở hộc bàn ngay tại trạm. Cán bộ này cũng cho biết, do có nhiều công việc khác nên không phải bất cứ lúc nào cũng có người trực tại trạm này.
Để làm rõ thêm thông tin, chiều 2.5, chúng tôi đã đến văn phòng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil nhưng không gặp cán bộ nào, liên tục gọi điện cho lãnh đạo công ty này nhưng cũng không được.
Chiều cùng ngày, chúng tôi cũng đã đến Đồn Công an Ea Pô (trực thuộc Công an huyện Cư Jút) để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên người trực ban, trung úy Lý Văn Hiền cho biết lãnh đạo đơn vị đang đi công tác nên hẹn vào lúc khác. Chúng tôi cũng đã điện thoại cho lãnh đạo đồn này nhưng không thể liên lạc được.
Như Dân Việt đã đưa tin, rạng sáng 27.4, Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) bắt quả tang 2 xe ô tô BKS 61C - 072.70 và 61L - 3057 của Công ty TNHH MTV Kiều Dung (đóng tại tỉnh Bình Dương) chở đầy gỗ không có giấy tờ hợp pháp tại khu vực thị trấn Ea T'Ling. Toàn bộ số gỗ trên 2 xe này khoảng hơn 40m3, từ nhóm III đến IV.
Các đối tượng khai số lâm sản trên được vận chuyển từ khu vực lán trại thuộc tiểu khu 464 Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) của đối tượng Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu"), gần Đồn Biên phòng 747 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Theo tin từ Bộ Công an, xe gỗ của Phượng "râu" đã đi qua hàng loạt chốt, trạm bảo vệ rừng, biên phòng và công an.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.