Xử ông Đinh La Thăng, điều đặc biệt trong lịch sử tố tụng hình sự

Lương Kết Chủ nhật, ngày 07/01/2018 08:42 AM (GMT+7)
Ngày mai (8.1), phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ bắt đầu. Có thể thấy đây là vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm bởi có những điều đặc biệt.
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: IT)

Nhìn vào lịch sử tố tụng hình sự của nước ta, trước đây cũng đã có người từng là Ủy viên Trung ương Đảng bị truy tố trước tòa. Đến phiên xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm thì đây là lần đầu tiên một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị phải hầu tòa với tư cách là bị cáo trong vụ án. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đúng như lời của Tổng Bí thư đã nói cuộc đấu tranh này không có vùng cấm.

Có thể thấy, trường hợp ông Đinh La Thăng bắt đầu được dư luận chú ý từ khi ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Cách nói, cách làm việc của ông khiến dư luận có những đánh giá khác nhau. Thời gian làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, những câu nói của ông Đinh La Thăng tại các cuộc họp, cuộc làm việc, đi “vi hành” đều được báo chí khai thác tối đa.

Tuy nhiên với một người có sai phạm nghiêm trọng trong quá khứ thì việc gì đến sẽ phải đến. Đầu tiên là kết luận tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 4.2017). Kết luận này chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm của ông Thăng thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT (sau là HĐTV) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau đó, ông bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị. Đến tháng 12.2017 là quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam.

Trong vụ án này dư luận chỉ băn khoăn một điều là sai phạm của ông Đinh La Thăng đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng mãi đến năm 2017 mới được phát hiện, để ông Thăng có cơ hội vươn lên những vị trí cao hơn. Tại một hội thảo về phòng chống tham nhũng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho biết: “Nhiều đồng chí cấp cao trong đó có cả đồng chí Đinh La Thăng khi đứng trước Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng nói giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề và đúng như vậy".

Nếu sai phạm của ông Thăng được phát hiện sớm sẽ đồng nghĩa với phát hiện sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và những người khác. Chính vì không phát hiện kịp thời nên Trịnh Xuân Thanh - người có nhiều sai phạm khi làm lãnh đạo tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - đã chuyển công tác về Bộ Công Thương, từng được quy hoạch làm Thứ trưởng, sau đó chuyển công tác làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Chỉ đến khi đối tượng này có vi phạm dùng xe ô tô tư nhân nhưng đeo biển số công (biển số xanh) bị báo chí khui ra, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, những vi phạm của Trịnh Xuân Thanh mới lộ rõ. Đến nay, đối tượng này bị truy tố về tội Tham ô tài sản trong hai vụ án khác nhau và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp Trịnh Xuân Thanh cũng là điều đặc biệt. Toàn bộ quá trình sai phạm của đối tượng này được vạch ra lại bắt đầu từ câu chuyện “xe tư, biển số công”, chứ không phải từ việc thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Có thể nói vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm không chỉ là vấn đề tố tụng mà nó là bài học lớn về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện vi phạm của cán bộ, kịp thời ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem