Tạo tin đồn thất thiệt gây hại cho nông dân sẽ bị xử lý thế nào?

Lê Chiên (thực hiện) Thứ tư, ngày 18/05/2016 06:59 AM (GMT+7)
Luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An) trả lời phỏng vấn của phóng viên xung quanh việc xử lý đối với đối tượng đưa tin đồn thất thiệt.
Bình luận 0

img

Luật sư Trần Thị Thúy.

Đối với người đưa thông tin thất thiệt về nông sản, nông dân lên mạng xã hội, gây thiệt hại cho nông dân bị xử lý ra sao?

- Theo quy định tại Nghị định 72/2013 thì  việc đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc… lên mạng là hành vi bị nghiêm cấm. Người đưa tin sai sự thật lên mạng sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (theo  điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013). Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự về “Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính” người phạm tội bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trang thông tin điện tử cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc… sẽ bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc… sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Nhưng trên thực tế, có rất ít trường hợp người tung tin thất thiệt bị xử lý, hậu quả nông dân phải gánh chịu. Vậy cơ quan nào, người nào có trách nhiệm kiệm kiểm soát thông tin trên mạng và có thẩm quyền  xử lý người đưa thông tin thất thiệt?

- Ngoài cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thông tin còn có thanh tra chuyên ngành, UBND, công an... mà trách nhiệm và thẩm quyền xử lý đã quy định rất rõ trong Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 174/2013... Các cơ quan chức năng cần quyết liệt, xử lý thật nghiêm khắc những hành vi tung tin đồn thất thiệt này để nông dân tránh được rủi ro, thiệt hại từ những thông tin tai hại đó.

Nông dân muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cơ quan nào có trách nhiệm thụ lý giải quyết, thưa luật sư?

- Khoản 1, Điều 604 Bộ luật Dân sự quy định: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra sau những thông tin thất thiệt đó, người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người dân có thể khởi kiện đến tòa án, nơi có trụ sở của cơ quan đăng tải thông tin đó hoặc nơi cư trú của người đưa lên mạng thông tin đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Các khoản bồi thường theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự.

Vậy làm thế nào để người dân chứng minh được thiệt hại  để yêu cầu bồi thường?

- Tùy theo từng trường hợp mà có cách chứng minh khác nhau. Ví dụ trong vườn nhà ông A còn 1 tấn dưa hấu. Bình thường bán 5.000 đồng/kg. Sau khi đơn vị truyền thông đưa tin thất thiệt, dưa hấu không bán được nữa, phải vứt bỏ thì đó cũng là một căn cứ để chứng minh. Nhưng nói chung việc này khá phức tạp, cần phải được chính quyền, Hội Nông dan các tổ chức nghề nghiệp... đứng ra bảo vệ cho hội viên.

Xin cảm ơn luật sư!

Một tin sai, vạn người điêu đứng

* Năm 2007, nhiều nông dân, ngư dân ĐBSCL thua lỗ vì giá nghêu giảm liên tục, chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2006. Nguyên nhân do có tin đồn nghêu bị nhiễm hóa chất độc hại. Cũng trong năm 2007, thông tin “ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ” khiến cho người tiêu dùng lo ngại, khiến các vùng bưởi nổi tiếng của Việt Nam như “bưởi Năm Roi”, “bưởi da xanh”, “bưởi Biên Hòa” điêu đứng, sản phẩm không tiêu thụ được. Giá “bưởi Năm Roi” từ 8.000 đồng/kg rớt  còn 5.000 đồng/kg.

* Cuối tháng 12.2012, tại vựa chuối thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh - nơi có số nông dân trồng chuối lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, chuối chín vàng ruộm, rụng đầy nhưng không ai thu hoạch. Nhiều người còn phải chặt bỏ những buồng chuối đang chín. Theo nhiều nông dân địa phương, do tại chợ Bình Châu (huyện Bình Sơn) bỗng xuất hiện những tấm bảng với nội dung “Đừng ăn chuối lùn. Ăn chuối có thuốc, sẽ bị ung thư” nên không ai dám mua chuối.

* Cuối tháng 1.2013, người dân các tỉnh miền Tây cũng từng lao đao trước tin đồn “trồng dưa hấu sử dụng hóa chất từ Trung Quốc”. Khi đó trên mạng xã hội xuất hiện “làn sóng” tẩy chay  dưa hấu. Giá dưa từ 5.000 -6.000 đồng/kg đã xuống đáy 1.000 -2.000 đồng/kg. Dưa ế ẩm, nông dân phải đem cho trâu bò ăn.

* Đầu tháng 6.2014, giá khoai lang ở các địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm mạnh từ 800.000 - 840.000 đồng/tạ (60kg) xuống còn 350.000 - 370.000 đồng/tạ. Nguyên nhân khoai rớt giá và ế ẩm là một phần do có tin đồn thất thiệt: Cửa khẩu biên giới phía Bắc “bị đóng”, không thể xuất khoai sang Trung Quốc. Thực tế, UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn hoạt động bình thường. 

* Mới đây, một tờ báo mạng có tiếng đã đăng bài nêu nghi vấn về việc người trồng nhãn ở Hưng Yên dùng lưu huỳnh (SO2) để “xông hơi” cho nhãn. Ngay sau thông tin này, Hội Nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã có công văn bác thông tin này.

An Nhiên (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem