LTS: Sau khi kêu gọi bạn đọc của báo điện tử Dân Việt tham gia cuộc thi viết "Ký ức Tết trong tôi" từ hôm nay, 21/1/2020 (tức 27 tháng Chạp) cho tới 29/1/2020 (tức mồng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý), Tòa soạn báo Dân Việt đã nhận được sự hưởng ứng vô cùng hào hứng và nhiệt tình từ đông đảo bạn đọc khắp cả nước. Chưa đầy 24h sau khi kêu gọi, chúng tôi đã nhận được hàng chục bài viết của bạn đọc gửi tham dự cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi".
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã gửi bài tham gia cuộc thi. Chúng tôi đang tiến hành thẩm định các bài dự thi do bạn đọc gửi tới và sẽ đăng tải những bài viết đạt chất lượng lần lượt trong những ngày tới đây. Hôm nay, xin mời bạn đọc cùng đến với một mảnh ký ức Tết của nhà văn Phạm Xuân Nguyên với nhan đề "Nhớ Tết thời bao cấp".
“Bao cấp” là một khái niệm chỉ nền kinh tế kế hoạch tập trung do Nhà nước quản lý và điều hành toàn diện và tuyệt đối. Nói nôm na “bao cấp” là Nhà nước bao trọn mọi thứ và người dân chỉ được phép tiêu dùng trong những thứ do Nhà nước cấp.
Đầy niềm vui và nỗi lo
Vật biểu hiện của bao cấp là tem phiếu. Nhà nước phân phối cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng hóa các loại theo từng định lượng được quy định thành các thứ bìa sổ tem phiếu, phân theo các cấp bậc A, B, C, D, E. Mỗi chữ cái này không chỉ là định mức thực phẩm cao thấp mà còn là định vị chức phận sang hèn của người có nó.
Chợ hoa ngày Tết Hà Nội năm 1982. (Ảnh: Michel Blanchard)
Mỗi phiếu được quy định mua một nơi khác nhau, theo cấp bậc phẩm hàm của từng loại người. Chẳng thế mà ở Hà Nội thời bao cấp đã có câu ca: “Tôn Đản là của vua quan/Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân là của thường nhân/Vỉa hè là của nhân dân anh hùng”.
Không có sổ lương thực, bìa thực phẩm, tem phiếu, thì không có lương thực thực phẩm, nghĩa là không có gì nuôi sống mình và gia đình. Câu cửa miệng “ngẩn mặt như bị mất sổ gạo” là có từ thời này. Tiền lương đã ít mà giả như có chút tiền cũng không mua được gì ở ngoài vì không có gì mà mua, bởi toàn bộ thị trường là do Nhà nước quản lý, các mặt hàng đều do Nhà nước sản xuất và bán.
Thời bao cấp, cuộc sống thường ngày hoàn toàn phụ thuộc tem phiếu. Tháng này gạo bán ngày nào, có được gạo tốt không, có phải độn không. Tháng này thịt cắt ô nào, cá cắt ô nào, liệu mỗi nhà được mua mấy lạng, mà xem là thịt gì, cá gì. Tháng này phiếu vải được mua mấy mét, có vải gì khác hơn thông thường không.
Cả năm vất vả nhưng chỉ có ngày tết mới được ăn thịt, bởi vậy, các quầy mậu dịch bán thịt luôn đông khách. (Ảnh: T.L)
Và dịp cuối năm, những ngày sắm tết, tất cả đều xôn xao, lo lắng và cả hồi hộp, chờ đợi quyết định của Nhà nước cho mức tết thế nào. Từng túi quà tết có hộp mứt, chai rượu hồng, bao thuốc, gói trà, bánh pháo to nhỏ lớn bé tùy từng mức phiếu, đó là cả một niềm vui nỗi lo.
|
Và dịp cuối năm, những ngày sắm tết, tất cả đều xôn xao, lo lắng, và cả hồi hộp, chờ đợi quyết định của Nhà nước cho mức tết thế nào. Từng túi quà tết có hộp mứt, chai rượu hồng, bao thuốc, gói trà, bánh pháo to nhỏ lớn bé tùy từng mức phiếu, đó là cả một niềm vui nỗi lo. Lo đi xếp hàng để kịp mua. Vui vì mua được, có chút hương vị tết trong nhà.
Cả câu đối tết, tranh tết cũng được sản xuất hàng loạt theo cùng khuôn mẫu, kiểu dáng, màu sắc, nội dung và phân phối. Đến gói bánh chưng cũng phải chờ mậu dịch có lá dong bán cho từng hộ. Có lá dong rồi lại phải canh chừng mua thịt, mua đậu xanh, nếu phiếu đã cắt hết ô thì đành chịu, có khi phải đi vay ô phiếu của người khác.
Lòng người đủ đầy...
Không chỉ ở thành phố có được cái bánh chưng mới khó khăn, vất vả. Ở quê cũng thế, có nhà chẳng gói nổi bánh chưng. Nói đâu xa, đó là nhà tôi. Tết Bính Thìn (1976), cha tôi - một giáo chức làm hành chính, đi lĩnh lương cho nhà trường về bị mất trộm, thế là cả nhà trắng tay tết. Tôi sinh viên từ Hà Nội về quê ăn tết, bà con lối xóm đến chơi cho vài chiếc bánh chưng. Khi tôi giã nhà trở lại trường, đứa em út ngập ngừng xin anh một chiếc. Nào tôi có mang đi, nhưng em cứ sợ tết không được ăn bánh chưng. Tôi để bánh lại cho em mà nước mắt nghẹn ngào. Đứa em ấy 8 năm sau đã hy sinh ở chiến trường K.
Nhưng tết bao cấp phải nói thật là nghèo mà vui. Đó không phải là kiểu triết lý “an bần lạc đạo” của nhà Nho, song là cái tình thật của con người ta thời ấy. Cái thời làng quê còn thanh bình, phố phường còn êm đềm. Cái thời khoảng cách giàu nghèo còn chưa rộng chưa sâu, vật chất chưa lấn át tinh thần. Cái thời không khí tết, hương vị tết còn thanh tao, đầm ấm. Thịt cá tuy thiếu nhưng lòng người đủ đầy.
Nhật ký của tôi ngày 2/2/1978 (25 tháng Chạp Đinh Tỵ) viết tại quê nhà: Về lại quê hương. Sau một ngày ròng rã ngồi xe ôtô - từ Hà Nội về Vinh và từ Vinh về Hà Tĩnh, mình đặt chân xuống quán Độ Đen vào lúc khoảng gần 8 giờ tối. Đêm tối mịt. Mưa rơi dày. Mình rẽ xuống con đường liên hương. Bàn chân ngập trong nước và bùn lầy. Một đoạn đường ngắn mà vất vả, cực nhọc hơn cả chặng đường dài.
Có rượu, có hộp mứt là đã có cái tết sung túc. (Ảnh: T.L)
Bì bõm một hồi, tuột cả quai dép, bẩn cả người, mình mới về đến ngôi nhà thân yêu. Mất điện, nhà còn ánh lửa. Mình đẩy cửa, lẳng lặng đi vào nhà dưới. Cha mẹ và cậu Phu đang vây quanh nồi than, nói chuyện. Không phải tức khắc mẹ đã nhận ra được đứa con… Cả nhà vui vì mình về.
Cảm giác đầu tiên về đất trời quê hương những ngày giáp tết là lạnh lùng và ướt át. Sau đó là sự chật vật, thiếu thốn về kinh tế. Sáng nay đèo mẹ đi chợ. Chưa phải chợ phiên cuối năm nên người còn thưa. Khắp bãi chợ bùn lỏng ngập mắt cá chân. Gió lạnh từng đợt phả vào mặt người. Tiếng mời chào, đưa đón, thăm hỏi xen với tiếng lép nhép của bùn ướt bị gạt ra, bị giẫm mạnh.
Mình rảo một vòng quanh chợ chỉ để nhìn và nghe. Hỏi qua một số mặt hàng thấy giá cả khá cao. Tuy nhiên, mùa xuân vẫn là mùa xuân. Đằng sau lũy tre xanh nhà nhà vẫn rộn rịp lo thịt, lo nếp, lo mật. Bà con trong xóm đã ép mía và trắc được khá nhiều mật - ít cũng là hai, ba yến một nhà.
Gia đình đón con về trong nỗi lo cơm áo. Hai tiếng “cơm áo” này được hiểu theo đúng nghĩa đen sát tận của mỗi từ. Chỉ từ tối tới giờ, chỉ mới sơ qua vài lời trò chuyện của cha và mẹ, mình cũng đã biết tình hình kinh tế ở nhà khó khăn đến mức nào. Khó khăn chung: Ăn còn phải ăn độn toàn phần - mì hạt hoặc mì bột, thiếu gạo, thiếu nếp. Khó khăn riêng: Mắc nợ còn nhiều quá, không có tiền chi tiêu chứ chưa nói đến việc trang trải nợ nần.
Hiện nay, “thời bao cấp” đang được hoài niệm và phục dựng theo xu hướng thi vị hóa. Phải nói thật, đó là một thời khốn khổ, và nó đã trôi vào quá khứ như một thực tế lịch sử không thể xóa bỏ và không thể trở lại. Nhưng con người ta sống qua thời nào thì ít nhiều đều bị vướng vào thời đó trong cả tư tưởng, tâm thức và tình cảm.
Hoài niệm thời bao cấp có khi lại là sự nuối tiếc về những lẽ nhân tình thế thái của con người, mà nhiều khi sự giàu có về của cải không tỉ lệ thuận với sự giàu có về tâm hồn, tình người. Đối lập với tết bao cấp thời trước, bây giờ là tết đa cấp!
Để gợi nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt, những hồi ức khó phai về dịp Tết trong mỗi chúng ta, báo điện tử Dân Việt mở cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi”, mong được bạn đọc chia sẻ những hoài niệm, ký ức của mình về những khoảnh khắc Tết, những bầu trời kỷ niệm không thể nào quên của riêng mình.
Cuộc thi viết sẽ kéo dài từ ngày 21/1/2020 (tức 27 tháng Chạp) cho tới 29/1/2020 (tức mồng 5 Tết Canh Tý) với 1 giải Nhất trị giá 3 triệu đồng, 2 giải Nhì - mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và 3 giải Ba - mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Thể thức dự thi: Các bài viết bằng tiếng Việt, với độ dài từ 500 tới 1.500 chữ, chia sẻ về những ký ức Tết có thật của mỗi người, gửi về báo điện tử Dân Việt qua địa chỉ email thoisu@danviet.vn (có ghi rõ bài dự thi “Ký ức Tết trong tôi”, trong đó ghi rõ tên và địa chỉ, điện thoại của người viết).
Những bài tốt nhất sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Dân Việt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Sau đó Ban Biên tập báo Dân Việt sẽ chọn ra những bài xuất sắc để trao giải. Giải thưởng sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt ngày 30/1/2020, tức mồng 6 Tết Canh Tý và trao tại báo điện tử Dân Việt.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.