Trương Nhuận - “nghệ sĩ” đam mê hội hoạ và viết

Thanh Hà Thứ tư, ngày 15/01/2020 11:11 AM (GMT+7)
Hay tin nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đã về nơi vĩnh hằng, nhiều nhà báo, nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng, xót xa, dẫu rằng biết ông đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Bình luận 0

Ông Trương Nhuận được biết đến nhiều khi ở cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bởi sự nhiệt thành, luôn trăn trở với sự phát triển của Nhà hát trong thời kỳ tự chủ. Với vai trò quản lý, ông rất chú trọng tổ chức biểu diễn để các vở diễn của nhà hát vẫn luôn đi được bằng hai chân - nghệ thuật và thị hiếu.

Chia sẻ về vị giám đốc của mình, NSƯT Sĩ Tiến cho hay: “Anh Trương Nhuận là một người quảng giao và biết đón đầu những xu hướng phát triển chung của sân khấu. Anh chú trọng tổ chức biểu diễn, đối ngoại, báo chí. Suốt mấy chục năm công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, anh luôn gắn bó, gánh vác, chịu trách nhiệm. Anh là một tấm gương cho các thế hệ anh chị em nghệ sĩ cũng như các khối phòng, ban kính trọng”.

img

Trong thời gian lãnh đạo nhà hát, ông Trương Nhuận có nhiều đóng góp ở mảng đối ngoại, là người khởi xướng nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức nước ngoài của Đức, Đan Mạch, Na Uy, Mỹ, Nhật Bản... giúp nhà hát có được nhiều vở diễn gây tiếng vang lớn như Vòng phấn Kavkaz, Ông lão đánh cá và con cá vàng...

Thời kỳ ông làm giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng là thời kỳ rất nhiều vở diễn của Lưu Quang Vũ được dựng lại và đưa tới công chúng trong những "mùa" kịch Lưu Quang Vũ hằng năm”.

Theo NSƯT Sĩ Tiến, ngoài đời, ông Trương Nhuận là một người rất ân cần, khiêm nhường, luôn chia sẻ, lắng nghe, giúp đỡ rất nhiều người, định hướng cho các nghệ sĩ tìm được hướng phát triển tốt.

Không chỉ được các đồng nghiệp, anh em nghệ sĩ yêu quý và tôn trọng, ông cũng là người được cánh nhà báo yêu quý bởi sự cởi mở, nhiệt tình, sẵn sàng trả lời báo chí bất kể giờ giấc. Thậm chí là ông còn là người đích thân gửi thư mời từng nhà báo tới tham gia các sự kiện của Nhà hát. Chính vì vậy, khi hay tin ông mất sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, rất nhiều anh em nghệ sĩ, đồng nghiệp, nhà báo không khỏi bàng hoàng và xót xa.

img

Dù được biết đến với vai trò là nhà quản lý và thầy giáo, nhưng ông được anh em, bạn bè đồng nghiệp coi trọng và được nhìn nhận là người có tư chất nghệ sĩ và đam mê với nghệ thuật.

Còn nhớ, đầu năm 2019 chúng tôi đến thăm ông và phỏng vấn ông tại nhà riêng nhân chuyện ông bán bộ sưu tập tranh ngựa quý giá của mình để chữa bệnh. Ông chia sẻ: “Trong cuộc đời tôi có hai thú vui, đó là chơi tranh, đặc biệt chơi tranh ngựa và điều thứ hai là viết sách.

Tại Việt Nam không có nhiều họa sĩ vẽ ngựa. Trong TP.HCM có họa sĩ Trương Hán Minh vẽ tranh ngựa rất đẹp, thường là tranh thủy mặc và hay gắn với chủ đề “tam mã”, “mã đáo thành công”, “bát mã”… Ông này là họa sĩ gốc Hoa nên lối vẽ thiên về truyền thống Trung Quốc, gắn với phong thủy. Một người nữa ở Hải Phòng cũng vẽ trên 2.000 bức, chủ yếu vẽ mực nho trên giấy dó nhưng ít được mọi người biết, vì thị trường tranh Việt Nam mới chỉ được biết đến chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Trong dòng tranh ngựa thì tranh của Lê Trí Dũng thuộc hàng số 1 Việt Nam. Tôi từng xem rất nhiều tranh ngựa trên thế giới và được biết, người chơi tranh ngựa đánh giá cao Lê Trí Dũng bởi tranh ông mang được cốt cách riêng rất Việt Nam, ấn tượng, mềm mại, bay bướm nhưng cũng rất linh hoạt và uyển chuyển”.

Cơ duyên của ông đến với tranh ngựa của hoạ sĩ Lê Trí Dũng cũng hoàn toàn tình cờ khi ông được họa sĩ này tặng bức tranh con gà - con giáp của ông. Tính đến nay, ông Trương Nhuận đã sở hữu hơn 100 bức, trong đó chừng 70 bức là tranh ngựa. Còn lại là sen, 12 con giáp.

Ông bảo, đúng là cơ duyên với ngựa khi bây giờ chính những bức tranh ngựa đó đã cứu sống ông. Nhờ bộ sưu tập tranh ngựa mà ông đã có tiền để chữa bệnh.

“Bộ sưu tập tranh ngựa sơn dầu của hoạ sĩ Lê Trí Dũng, tôi đã bán được 100.000 USD. Cũng tiếc lắm vì toàn là những bức “độc”, khó mà vẽ lại được. Nếu không phải bị bệnh thì chưa chắc tôi đã bán bộ tranh ấy. Nhưng được cái, người mua khá sành tranh, lại có điều kiện để trưng bày nó trong một không gian sang trọng hơn để được nhiều người biết đến”, ông Trương Nhuận nói.

img

Nguyên GĐ Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cùng nghệ sĩ Minh Vượng, Minh Hằng...

Nói về bệnh tật của mình, ông bảo, 30 năm không ốm đau nên không chẳng bao giờ đi khám, ngoài ra ông cũng không hút thuốc, uống rượu, vì thế không phát hiện ra bệnh. Chỉ đến chuyến công tác tại Nhật Bản, cảm thấy mệt, người yếu rõ rệt, khi về Việt Nam đi khám, chụp, mới phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn gần cuối.

Theo ông Trương Nhuận, bác sĩ bên Singapore khuyên nên mổ nhưng ông đã không mổ mà chữa theo phác đồ điều trị mới và xạ trị. Chữa bệnh hơn 3 năm nay, nhưng nghe ông nói chuyện, người đối diện dễ nhận thấy ông rất thoải mái, lạc quan. Gần đây, ông còn vui vẻ chia sẻ nhiều hình ảnh tham gia chung vui cùng anh em nghệ sĩ và các nhà đấu giá hội họa… Sự lạc quan, vui vẻ của ông khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nhận được tin ông đã vĩnh viễn ra đi vào những ngày đầu năm mới 2020.

Lễ viếng nghệ sĩ Trương Nhuận được tổ chức vào 15h15 chiều nay 15/1/2020 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Chắc hẳn, nhiều anh em nghệ sĩ, bạn bè sẽ tiễn đưa ông đoạn đường cuối cùng, như NSND Minh Hằng vĩnh biệt đàn anh trong nghề: "… Về nơi ấy rộng bước thênh thang, anh nhé".

Người chắp cánh cho các nghệ sĩ phát triển

Anh Trương Nhuận học Tổng hợp Văn, ra trường về Đại học Sân khấu Điện ảnh giảng dạy 10 năm, sau đó anh về Nhà hát Tuổi trẻ làm công tác tổ chức biểu diễn, lên Phó giám đốc phụ trách mảng đối ngoại và tổ chức biểu diễn. Khi lên giám đốc, anh rất chú trọng tổ chức biểu diễn, báo chí, đối ngoại, là 1 người quảng giao và đã biết đón đầu những xu hướng phát triển chung của sân khấu. Anh là người rất cập nhật, một giám đốc biết tiếng Anh, vi tính, thành thạo từ rất trẻ, có chuyên môn, chịu khó học hỏi…

Quá trình học hỏi, kinh nghiệm ấy đào luyện từ 1 người không làm nghệ thuật biểu diễn, khi sang quản lý 1 nhà hát, anh đã kết nối các bộ phận với nhau, truyền cảm hứng sáng tạo cho các chương trình cho thanh thiếu nhi để nhà hát đi đúng hướng. Anh là đầu tàu kết nối toàn sức mạnh của các bộ phận trong đơn vị, biết  động viên các nghệ sĩ sáng tạo, tôn trọng những sáng tạo cá nhân. Anh cũng là người đi tiên phong trong việc tìm ra xu hướng để tiếp cận, giúp cho các hoạt động của nhà hát được nhiều người biết đến.

Anh đẩy mạnh công tác hợp tác với  nước ngoài, tạo nên những tác phẩm hợp tác quốc tế đáng được ghi nhận: Tất cả đều là con tôi, Vòng phấn Kavkaz, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Mẹ ơi con sắp lớn... Anh ấy kết nối và hợp tác với nước ngoài rất hiệu quả. Quỹ Nhật Bản, Viện Goethe đánh giá rất cao vai trò kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ để đưa các chương trình phối hợp dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, đi các nước, tham gia các festival...

Anh ấy nhận được sự tôn trọng của các nghệ sĩ vì tầm hiểu biết và sự thấu hiểu nghề nghiệp, vì chuyên môn cũng như tình cảm, thu hút, tập trung được sức mạnh của tập thể, của từng cá nhân. Anh luôn chú trọng tạo thương hiệu và không hẹp hòi, tạo cơ hội cho nghệ sĩ tham gia các hoạt động nghệ thuật không chỉ của Nhà hát Tuổi trẻ để tạo thương hiệu cho đơn vị qua tên tuổi nghệ sĩ. Anh Trương Nhuận không phải là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng biết chắp cánh cho các nghệ sĩ được phát triển, những hoài bão về sáng tạo được bay xa.

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem