Từ chuyện mô hình nghệ thuật bên hồ Gươm bị ngỡ nhà vệ sinh, nghĩ đến sáng kiến ở Đà Nẵng

Quốc Phong Thứ tư, ngày 27/11/2019 07:30 AM (GMT+7)
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt "Tháp" ở hồ Gươm bị một số người thiếu ý thức biến thành nhà vệ sinh, xả xú uế khiến dư luận bất bình, không thể chấp nhận được.
Bình luận 0

Gần đây, phố đi bộ Hà Nội trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nhóm tác giả - nhà điêu khắc Mai Thu Vân, Nguyễn Ngọc Lâm và kiến trúc sư Đỗ Anh Tuấn, nhân kỉ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô. Điều bất ngờ là tác phẩm này bỗng trở thành nơi để một số người thiếu ý thức xả xú uế. Họ bất chấp tất cả. Họ xả không kể lúc Hồ Gươm vắng người qua lại hay ngày cuối tuần đông đúc. Hành vi thiếu văn hoá này đã khiến dư luận bất bình và lắc đầu ngao ngán.

Có người thì nói do tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này cũng ngồ ngộ, dễ làm người ta “lầm tưởng” là một nhà vệ sinh được thiết kế khác lạ, mang phong cách hiện đại. Và thế là họ cứ tự nhiên như... ruồi! 

Đó chỉ là lối nói nguỵ biện. 

Có người thì lại bảo, cũng có thể họ biết đây không phải là nhà vệ sinh, nhưng vì nó cũng kín đáo nên vào bừa lúc bí. Họ đổ thừa do nhà vệ sinh ít và phải chờ đợi.

Đó là hành vi vô văn hoá đáng lên án.

img

Công trình nghệ thuật sắp đặt "Tháp" bên hồ Gươm, Hà Nội bị những người thiếu ý thức xả xú uế, khiến du khách đi qua khó chịu. Ảnh: Infonet.

Dù biện minh kiểu gì thì những hành vi này đều không thể chấp nhận được. Theo tôi tìm hiểu thì từ 3 năm trước, khi bắt đầu tổ chức phố đi bộ vào dịp cuối tuần, thành phố Hà Nội đã cho lắp đặt và xây dựng 6 nhà vệ sinh công cộng quanh hồ. Tuy hình thức cũng ổn nhưng không thật sạch lắm nếu so với nhiều nước mà tôi biết, thế nhưng cũng không đến mức “nín thở”. Gần đây, chỉ còn 4 nhà vệ sinh, trong đó có 2 cái di động và 2 cái xây cố định.

Theo tôi, tình trạng khách đứng chờ đến lượt đi vệ sinh tại khu vực các phố đi bộ quanh Hồ Gươm hiện nay cũng không đông tới mức phải xếp hàng dài cả chục mét như nhiều nước tôi từng chứng kiến. Vì thế, việc biện minh do đông quá nên đã liều mình “làm đại” trong công trình nghệ thuật mô phỏng “Tháp” nọ, là không chấp nhận được.

Để tạo nên một cảnh quan đẹp và nên thơ như Hồ Gươm, nhiều nước ao ước cũng khó. Theo tôi, cũng không nên làm quá nhiều nhà vệ sinh mà chỉ trong một chừng mực nhất định. Ở nhiều nước, các nhà vệ sinh công cộng thường xếp hàng khá đông người và cũng mỗi nước mỗi kiểu, hoặc thu tiền hoặc không thu. Vì thế, ta nên coi đó là chuyện thường, bởi giàu đến như Thuỵ Điển thì họ cũng vẫn thu tiền. 

Nếu ai đã có dịp đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng, hẳn đều còn nhớ và khá ấn tượng với mấy thứ Đà Nẵng từng làm tốt, ấn tượng. 

Thứ nhất, đó là việc cảnh sát giao thông rất ít phạt du khách từ địa phương khác đến nếu vi phạm, đi ngược chiều. Họ thường chỉ nhắc nhở, hướng dẫn Thứ nữa, đó là có khá nhiều khu phố ở trung tâm như quận Hải Châu và bây giờ thì lan toả rộng hơn với cả nghìn địa điểm vệ sinh tự nguyện phục vụ trong toàn thành phố. Những nhà vệ sinh kiểu xã hội hoá và miễn phí này được chỉ dẫn sử dụng bằng các logo có ký hiệu dễ hiểu, báo cho khách khi qua đường biết nhà này có chỗ đi vệ sinh miễn phí. 

Nó được thông báo bằng một slogan khá tinh tế, thể hiện tính hiếu khách của người Đà Nẵng ở phía dưới bằng cụm từ rất dễ thương bằng 2 thứ tiếng: “Thoải mái như ở nhà!”. Điều này đã khiến người ta muốn vào mà không cần trình bày dài dòng với chủ nhà. 

img

Một quán cà phê ở trung tâm TP. Đà Nẵng dán logo "mời" du khách vào đi vệ sinh miễn phí suốt 2 năm qua.

Được biết việc làm thú vị này được Hội doanh nhân Quận Hải Châu đề xuất, phát động các doanh nghiệp, các nhà hàng, cơ quan hưởng ứng lúc đang chuẩn bị Lễ hội pháo hoa lần đầu tiên vào năm 2015. Họ tiên lượng cái khó sẽ đến khi có cả chục vạn du khách đổ về thì không biết sẽ tính sao chuyện tế nhị này, trong khi làm một nhà vệ sinh di động sẽ tốn kém vài trăm triệu như chơi. Thậm chí, khi vận động, đã có cả các gia đình cũng xin đăng ký. Nhưng rồi tính đi tính lại, thành phố đành cảm ơn, không nhận lời vì nó cũng có thể phức tạp về an ninh, trật tự khó lường cho nhà dân.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân quận Hải Châu, người đề xuất ý tưởng thú vị này năm nào đã hồi tưởng lại rồi kể cho tôi nghe như trên. Ông cũng phân tích thêm, với cách làm này, ngân sách nhà nước không phải chi mà quỹ đất cũng không bị mất. Ấy là chưa nói đến chuyện ngoài đường có quá nhiều nhà vệ sinh thì cũng không đẹp gì xét về mỹ quan. 

Và từ mô hình hữu ích này, hiện ông đã góp ý cho khoảng chục tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong vùng trọng điểm về du lịch cách thức vận động để có nhiều đơn vị đăng ký. 

Chỉ nội hai chuyện kể trên đã gây rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách đặt chân đến thành phố Đà Nẵng hiếu khách. 

Trong thực tế, tại khu vực quanh Hồ Gươm, từ khi mở ra tuyến phố đi bộ ngày cuối tuần thì chính quyền thành phố thông qua các cơ sở cũng đã vận động được một số địa điểm chấp nhận cho khách qua đường vào đi vệ sinh nhờ, nhưng cũng chỉ ở các nhà hàng là chính.

Tôi ước ao thay vì tăng cường thêm những nhà vệ sinh quanh Hồ Gươm và tiến tới là các đường phố khác, thì cũng nên làm một việc như Đà Nẵng đã làm, tức là có cả các nhà hàng khác nữa quanh Hồ Gươm và mọi đường phố khác trong toàn thành phố Hà Nội cùng tham gia. Cách làm này sẽ gián tiếp thể hiện nét đẹp, thanh lịch của người Hà Nội. 

Tôi hiểu đây là việc không hề dễ gì, nhưng không lẽ chúng ta thử vận động trong số 20 cơ quan, nhà hàng mà không có nổi 1 nhà  nào nhận lời hỗ trợ? 

Và trước mắt, nên thử vận động những đơn vị này hỗ trợ cho dịp cuối tuần, có sự kiện. Còn ngày thường thì có thể cũng không cần lắm nếu họ chưa vui vẻ chấp nhận. 

Rồi có thể sẽ nhân rộng lên cho cả những phố phía sau Hồ Gươm... Đây mới là điều cần để hướng tới có một Hồ  Gươm với môi trường và  cảnh quan xanh, sạch, đẹp, là nơi đáng đến, chứ không nhất  thiết phải có nhiều nhà vệ sinh hơn hiện nay chỉ để tránh chuyện du khách phải xếp hàng khi có sự kiện, khi đó là ngày đi bộ cuối tuần.

Nếu biết làm công tác dân vận giỏi thì tôi nghĩ không có điều gì là không thể. Một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật (báo Nhân Dân bây giờ) cách đây đúng 70 năm, nay vận dụng vào hiện tại đời sống xã hội, tôi thấy nó vẫn vẹn nguyên cả giá trị  cả lý luận lẫn thực tiễn. Người căn dặn chúng ta rằng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem