Hồi đầu tháng 2 vừa qua, hai chị em du khách Mỹ là Lindsey Adams (22 tuổi) và Leslie Adams (20 tuổi) đã bị phạt 315 USD, phải chịu án 6 tháng tù treo, bị trục xuất và không được đến Campuchia trong vòng 4 năm sau khi chụp ảnh “nóng” tại đền Angkor. Trước đó chưa đầy 10 ngày, 3 du khách trẻ người Pháp cũng bị tạm giữ sau đó trục xuất vì hành vi tương tự tại một địa điểm khác ở khu đền Angkor.
Tại đền Angkor có khá nhiều biển cấm hoặc poster nhắc nhở du khách
Theo Cơ quan Bảo vệ và Quản lý khu đền Angkor cùng tỉnh Siem Reap, 2 trường hợp khác cũng là khách du lịch đang bị điều tra vì chụp hình khỏa thân và đeo mặt nạ thú ở Angkor.
Hành động khiếm nhã của một số khách du lịch đã khiến người dân Campuchia buồn bã và bức xúc. Các nhà chức trách nơi đây cho rằng họ không thể dung thứ cho hành động như thế tại di sản thế giới được UNESCO công nhận - nơi có hơn 2 triệu du khách đã ghé thăm vào năm ngoái.
“Angkor Wat là ngôi đền nổi tiếng nhất ở Campuchia, nơi mọi người - không chỉ riêng khách du lịch mà người dân Campuchia đều phải tôn trọng”, Rattanak Te, một người làm công tác quản lý di tích quốc gia, nhấn mạnh.
“Những hành động đó đã khiến tôi và những người dân Campuchia rất buồn bởi nhiều người sẽ nghĩ rằng người Campuchia không quan tâm đến di sản thế giới”, ông Te chia sẻ với hãng tin AP.
Angkor là di sản nổi tiếng cần được bảo tồn, chính vì thế, ngay từ cổng vào hay cả nơi bán vé cho du khách đều có những lời nhắn nhủ đề nghị du khách tôn trọng di tích song không phải ai cũng ý thức được điều đó. Và những vụ khỏa thân trót lọt tại Angkor chỉ những trường hợp ít ỏi bị phát hiện.
Cô Kerya Chau Sun, người phát ngôn cho Cơ quan Bảo vệ và Quản lý khu đền Angkor cùng tỉnh Siem Reap cho biết, không chỉ tại Angkor mà tháng 1 vừa qua, 3 khách du lịch cũng bị bắt gặp khi đang khỏa thân lái xe tại nơi công cộng, cụ thể là tại một địa điểm ngay gần thủ đô Phnom Penh.
“Đó là một sự xúc phạm văn hóa và coi thường tôn giáo”, cô Kerya Chau Sun nói với hãng tin CNN.
Cô Chau Sun cho rằng với tư cách là một người Campuchia, hành động đó đã làm tổn thương lòng tin của cô, đặc biệt là đối với những người dân Camphuchia nghèo khó phải tích cóp tiền để đến Angkor thờ tự.
Song tình trạng khỏa thân không chỉ diễn ra ở Campuchia khiến các nhà chức trách nước này đau đầu.
Năm 2014, Peru đã phải lên tiếng khi càng ngày càng nhiều khách du lịch đến với di sản thế giới Machu Picchu, nơi được coi là dấu tích cuối cùng của đế chế Inca cổ đại, để... khỏa thân. Bằng chứng là có rất nhiều bức ảnh “nóng” được tung lên mạng internet mà địa điểm chụp chính là Machu Picchu.
Chính những hành động này đã phá hoại hình ảnh đẹp của di sản Machu Picchu và chính phủ Peru muốn ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này.
Bức hình của Rab đăng tải trên blog với tên gọi "Chuyến du lịch khỏa thân" khiến người dân Peru bức xúc
Amichay Rab, 32 tuổi, du khách đến từ thành phố Tel Aviv, Israel là một trong những khách du lịch đã chụp nude tại Machu Picchu. Rab chụp ảnh nude trong chuyến du lịch của anh sau đó đăng tải lên trang blog cá nhân. Rab cho rằng chính những người dân bản xứ đã giúp anh thực hiện bức ảnh.
Trong khi rất nhiều người dân Peru cáo buộc hành động của Rab là không tôn trọng văn hóa bản địa thì anh cho rằng không có ý định xúc phạm hay làm tổn thương ai cả.
“Với tất cả lòng tôn trọng, tôi chụp bức ảnh khi không có ai ở quanh và tôi luôn biết rằng đó là nơi thiêng liêng của người Peru”, Rab nói với BBC.
Câu chuyện của Rab không phải là mới bởi năm 2013, từng có một cặp đôi người Australia cũng có hành động tương tự và bị bắt. Các cảnh sát Peru buộc cặp đôi này xóa bức ảnh khỏi chiếc máy ảnh cá nhân song dường như một khách du lịch nào đó đã chộp lại khoảnh khắc này của cặp đôi và lan truyền lên internet.
Nhưng bản chất câu chuyện này khác hoàn toàn với trường hợp của Rab. Nhờ có bức ảnh nude và “Chuyến du lịch khỏa thân” đăng tải trên blog, Rab có thêm rất nhiều người theo dõi.
“Khỏa thân có thể đem lại thú vui cho một bộ phận nhỏ nhưng nó làm người khác tức giận và khó chịu. Chúng tôi cần chắc chắn rằng khách du lịch sẽ không cảm thấy bất tiện”, Alfredo Mormontoy Atayupanqui, Giám đốc cơ quan tài nguyên khảo cổ thuộc Bộ văn hóa Peru nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.