Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Không có chuyện "kinh doanh chùa"

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 06/06/2019 11:14 AM (GMT+7)
Trước nhiều câu hỏi chất vấn về việc có hay không việc kinh doanh chùa và việc xử lý các sai phạm trong hành nghề mê tín dị đoan của bà Yến tại chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH Hà Nội) đã báo cáo cụ thể.
Bình luận 0

Sáng 6/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện hành vi mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hóa dẫn điều 24 Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, không ai được xâm phạm hay lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, vừa qua một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo quy định; dư luận xã hội cũng lên án các vi phạm về đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục.

Về trường hợp bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Thiện nói, TP Uông Bí đã xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 5 triệu đồng. "Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015", ông nói. 

Bộ trưởng VHTTDL cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoan; lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép.

img

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định Bộ Nội vụ chưa phát hiện công chức góp tiền kinh doanh chùa 

Về câu hỏi đại biểu có “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tham gia trả lời và cho biết: Theo quy định của pháp luật VN và hiến chương của Giáo hội Phật giáo VN thì không có quy định về kinh doanh chùa. Với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa nhằm mục đích trục lợi.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự Phật giáo, niềm tin của phật tử để hoạt động mê tín đị đoan trục lợi và có đại biểu cho rằng có một số cán bộ góp tiền vào kinh doanh. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay chưa phát hiện công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi. Theo quy định tại khoản3 điều 56 Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng cơ sở tôn giáo hình thành theo tập quán do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp,quyên góp. Các công trình được xây dựng trong thời gian qua đều là do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

Về sự việc chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Sự việc chùa Ba vàng, các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều văn bản để các bộ, ngành xác minh làm rõ và báo cáo với Chính phủ. Qua nội dung phản ánh của các ngành chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất xác định những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo, từ đó đưa ra các hình thức xử lý phù hợp. Sau khi xử lý thì dư luận đã lắng xuống, đa số là đồng thuận với các xử lý của Hội Phật giáo Việt Nam và TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc xử lý hợp lý, kịp thời của Giáo hội Phật giáo VN và chính quyền tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành trung ương đã tạo niềm tin trong tăng ni, tín đồ phật tử và quần chúng nhân dân đối với Phật giáo Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, Bộ Nội vụ tăng cường triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa về Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Không để xảy ra các lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn đạo đức, phản văn hóa và trái với thuần phong mĩ tục của Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cho người dân, các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành, đặc biệt là tín đồ tôn giáo.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý tín ngưỡng tôn giáo và các kiến thức chuyên ngành, kĩ năng quản lý tốt, tham mưu cho chính quyền địa phương về quản lý nhà nước về vấn đề lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo,

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương và các tổ chức tôn giáo để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các vi phạm pháp luật theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

img

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH Hà Nội) khẳng định tất cả các chùa trên cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương và nhân dân cùng quản lý.

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng đưa ra báo cáo từ phía Giáo hội Phật giáo VN liên quan đến vấn đề này:

Trước ý kiến của một số đại biểu về các hoạt động nghi lễ như dâng sao giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa vừa qua, cũng có ý kiến đại biểu nêu về việc chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân có mục đích kinh doanh hay không, là một đại biểu quốc hội, một tu sĩ phật giáo trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin khẳng định tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Viện Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương và nhân dân cùng nhau quản lý, không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này. Đặc biệt không có chùa nào có sử dụng sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh với cụm từ mới lạ là "chùa BOT".

Mặc dù con sâu làm rầu nồi canh, rất ít hiện tượng sai lệch giới luật của các nhà tu hành tại các chùa có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa đều đã được Giáo hội Phật giáo trung ương và các địa phương nhắc nhở xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo hiến chương và các nội quy của giáo hội. Xin khẳng định Giáo hội Phật giáo VN không dung túng bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem