Đưa tranh về giữa núi rừng

Dương Xuân Thứ sáu, ngày 03/10/2014 11:21 AM (GMT+7)
Quy mô “vừa vừa” như nhiều triển lãm mỹ thuật tập thể khác, nhưng sự kiện triển lãm mới đây tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) lại có ý nghĩa đặc biệt với ý nghĩa kết nối của nó.
Bình luận 0

Chuyển đổi không gian

Triển lãm mỹ thuật Hòa Bình 2014 do Chi hội Mỹ thuật Hòa Bình thuộc Hội VHNT tỉnh phối hợp với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường vừa khai mạc ngay trong không gian bảo tàng, tại phường Thái Bình, TP.Hòa Bình.

33 tác phẩm với nhiều chất liệu - sơn mài, sơn dầu, gốm, điêu khắc… của 23 tác giả thể hiện nhiều cung bậc đời sống vùng cao: Từ cỏ hoa núi rừng, bản làng mù sương đến bước chân xuống chợ, vài sắc thổ cẩm duyên dáng, hay chút lặng thầm chờ đợi trong khói chiều… Các tác phẩm được trưng bày dưới chân nhà sàn Thái của bảo tàng, văn nghệ sĩ dự khai mạc, cùng người xem thưởng thức tác phẩm và trao đổi nghề nghiệp giữa không gian gần gũi với thiên nhiên và kiến trúc truyền thống. Việc đưa tác phẩm mỹ thuật từ những nơi thông thường hay sử dụng như khán phòng, hội trường có tính khép kín, về một không gian khác hẳn, cởi mở, thông thoáng hơn khiến nhiều người thích thú.

Nhà văn Hoàng Nghĩa – Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Ban đầu chúng tôi cũng băn khoăn đôi chút, nhưng có sự tư vấn về chuyên môn của các họa sĩ nên thấy yên tâm, và triển lãm càng cho thấy rằng, không hẳn cứ phải nhà cao cửa rộng hoành tráng mới bày được tác phẩm. Đây là không gian miền núi, tác phẩm mỹ thuật về đề tài vùng cao được bày ở nơi gần với thiên nhiên lại càng tôn thêm vẻ đẹp. Họa sĩ Lưu Trung Thép – Phó phòng Văn hóa -Thông tin TP.Hòa Bình có tác phẩm bày trong triển lãm, nhân sự thay đổi này cũng đề xuất: Nên luân chuyển không gian để những triển lãm thế này không mang tính hàn lâm quá, khiến cho người dân ngại vào. Kể cả các triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế nếu làm ở đây cũng rất hay!

Xu hướng cần tiếp sức

Họa sĩ Thép cho biết, các họa sĩ thuộc chi hội từng tham gia một số trại sáng tác tại bảo tàng. Theo đó, anh em tập trung về đây bàn luận, rồi chia tốp đi sáng tác 5-10 ngày. Sau đó trở lại, tập hợp các sáng tác, trao đổi về tác phẩm, coi đây là một không gian sinh hoạt nghề nghiệp. Theo Chi hội trưởng - họa sĩ Trần Thị Thu, việc phối hợp giữa chi hội, các nghệ sĩ địa phương với bảo tàng gợi mở ra nhiều ý tưởng hoạt động trong tổ chức sáng tác, trưng bày tác phẩm. Thêm địa chỉ văn hóa nghệ thuật, thêm không gian làm việc là điều kiện tốt cho việc sáng tác của các nghệ sĩ. Đặc biệt khi bảo tàng đã là nơi thu hút nhiều nghệ sĩ mỹ thuật, nghệ thuật đương đại từ Hà Nội và cả ở nước ngoài, thì các nghệ sĩ của Hòa Bình sẽ có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi nghề nghiệp hữu ích.

Về phía bảo tàng, Giám đốc - họa sĩ Vũ Đức Hiếu cũng mong muốn triển lãm mỹ thuật của tỉnh có thể tổ chức tại đây hàng năm và mở rộng quy mô đến triển lãm khu vực. Với điều kiện không gian rộng rãi, hòa mình vào thiên nhiên, cùng một số công trình kiến trúc nhà sàn đặc thù, bảo tàng hoàn toàn đủ điều kiện để tổ chức trưng bày tác phẩm với số lượng lớn.

“Đất Mường” năm 2011, “Đất Mường 2 - Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” năm 2012, “Ký ức nhà Lang” năm 2013…, các chương trình này cùng một số hoạt động lưu trú sáng tác khác đã gây sự chú ý cho Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, từng thu hút nhiều nghệ sĩ từ Hà Nội và nhiều nước trên thế giới tham gia. Trên nền những thành quả thuận lợi này, việc bảo tàng “bắt tay” chặt hơn với văn nghệ sĩ địa phương cho thấy một xu hướng tích cực, thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của địa chỉ văn hóa nghệ thuật tư nhân vào đời sống nghệ thuật trên địa bàn.

Đây là dòng chảy mà các cơ quan chính quyền, quản lý văn hóa, hội nghề nghiệp… của tỉnh Hòa Bình cần tiếp sức, đồng hành để phát triển ngày càng mạnh hơn, với đối tượng hưởng lợi nghệ thuật trước hết là nghệ sĩ và công chúng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem