Sức mạnh của tiếng cười mỉa mai
Biếm họa - một hình thức tự phê bình. Họa sĩ tự phê bình trong nét bút của mình, công chúng tự phê bình khi thưởng thức những bức tranh, và cứ thế, cả xã hội tự phê bình. Tự phê bình là một đức tính vẫn luôn rất khó, đòi hỏi dũng cảm đối mặt với sự thật và quyết tâm thay đổi những “cục tật” trong bất cứ thời kỳ nào của xã hội.
Bên cạnh những công cụ kiểm soát xã hội, không thể phủ nhận sức mạnh của những tiếng cười mỉa mai. Vì thế mà tranh biếm họa hay các loại hình nghệ thuật khác có chức năng tương tự như hài kịch, văn học… luôn luôn là một hình thức kiểm soát “đặc thù” mà hiệu quả.
Tranh biếm họa đã không còn e dè, không ngại đụng chạm... Nhiều họa sĩ biếm nhận thức được rằng: Nếu không muốn cho ra những sản phẩm “vòng vo tam quốc”, nên đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối của xã hội, bởi như vậy mới có thể thu hút được bạn đọc và làm đúng chức năng của biếm họa.
Họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ quan điểm, “biếm họa gắn với báo chí là đúng, không thể khác được, chỉ có báo chí mới truyền sức sống cho nó”.
Giải “Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre” lần V có chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh”, mỗi bức tranh là một lời phản tỉnh đối với mỗi người về cung cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
Họa sĩ Thành Chương cho hay, chúng ta không kỳ vọng sau một mùa “Cúp Rồng Tre” thì những chuẩn mực văn hóa ứng xử sẽ được hình thành. Nhưng kỳ thực, với tiếng cười chua chát mà biếm họa đem lại, mỗi người lại tự soi lại chính mình, từ thái độ đến hành vi, từ ở nhà đến cơ quan hay trên đường tham gia giao thông…
Mua báo chỉ vì tranh... biếm họa
Là một món ăn tinh thần vừa có tác dụng chữa lại vừa có tác dụng “phòng bệnh”, có thể nói tranh biếm họa là một trong những lý do thu hút đông đảo công chúng đến với báo chí. Như “cá gặp nước”, báo chí và biếm họa tồn tại song hành và cùng nhau thực hiện chức năng phản ánh xã hội tự nhiên như lẽ sống.
Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Từ ngày báo không có tranh biếm họa nữa là tôi ngừng mua báo. Vì vậy, nay giải biếm họa trở lại thì tôi sẽ… mua báo trở lại”.
Cùng bày tỏ sự yêu thích với tranh biếm họa, họa sĩ Lý Trực Dũng tiết lộ, vào những năm 1979-1982, độc giả còn giành nhau mua tờ báo Văn Nghệ để được xem tranh biếm họa của tờ báo này. Ông cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi tờ báo Nhân Dân mới đây đã mở mục biếm họa với nhuận bút khá cao so với mặt bằng.
Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết thêm, từ năm 2015 trở lại đây, biếm họa đã tìm lại được vị trí quan trọng trong nền báo chí thế giới. Sức sống của biếm họa vẫn luôn mãnh liệt mặc dù có đôi lúc thật trầm lắng, nhưng có lúc lại sôi nổi và chưa bao giờ biến mất khỏi cuộc sống.
Song song với “Cúp Rồng Tre lần thứ V” (trao giải vào ngày 1.12.2018), triển lãm “96 năm biếm họa báo chí Việt” dường như trở thành một “bữa tiệc” với những nụ cười chua chát, những cái nhếch mép mỉa mai và cả những trăn trở từ cả hàng trăm bức tranh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng.
“Báo chí và tranh biếm họa có quan hệ tương hỗ ngay từ thời tư bản. Tranh biếm họa với chức năng đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, thức tỉnh và giáo dục con người thì thời nào cũng rất cần thiết và được công chúng đón đợi. Biếm họa có tính chất hài hước, vì vậy khi biếm họa xuất hiện trên báo thì lượng người đọc mua báo sẽ nhiều hơn” - họa sĩ kiêm kiến trúc sư Lý Trực Dũng nhìn nhận.
Họa sĩ Lê Phương (LEO): “Biếm họa trở lại - điều đáng mừng cho báo chí”
“Xét cho cùng, sự xuất hiện đường đường chính chính trên một tờ báo in chính thống uy tín là một sự xác tín cho những cây bút biếm họa. Khi mọi rào cản về chính trị, xã hội bớt đi, chiến dịch chống tham nhũng được khởi xướng, được “thắp lò” thì biếm họa trở thành một công cụ, một vũ khí rất sắc bén, hợp với thời cuộc. Biếm họa trở lại là một điều đáng mừng cho báo chí hiện nay”.
|
Khánh Hạ (Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.