NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu: Nhà hát là nơi để nâng cao đời sống tinh thần người dân
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ, nhà hát tức là đang nói đến một trình văn hoá. Vậy thì việc thành phố Hà Nội có thêm một nhà hát, một công trình văn hoá thì đó là một điều tốt cho người dân và cho các nghệ sĩ. Một công trình văn hoá là nơi sẽ gắn với đời sống dân cư, là nơi hoạt động văn hoá, giới thiệu những chương trình nghệ thuật và người dân giao lưu, trao đổi, còn người nghệ sĩ là nơi có đất để biểu diễn, cống hiến và thể hiện tài năng. Tôi được biết khi thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có đề án xây dựng các công trình văn hoá, năm 2018 các đơn vị, các cơ quan chức năng về văn hoá, cũng đang đánh giá lại thực hiện nghị quyết 23 xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tôi nghĩ những công trình văn hoá dù ở đâu, các cơ quan chức năng như UBND TP Hà Nội nên thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đó là xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Mà các nhà văn hoá khi được xây dựng sẽ thực hiện được mục đích nâng cao đời sống dân trí của người dân.
Còn thời điểm hiện tại bảo dừng xây dựng nhà hát Hoa Sen thì tôi rất lấy làm tiếc, bởi tôi được biết khu vực Khu đô thị mới Cầu Giấy đang rất thiếu những công trình văn hoá. Công trình văn hoá cần phải gắn với đời sống dân sinh, để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, trong khi khu đô thị mới Cầu Giấy lại đang là nơi có mật độ dân cư rất đông.
Đặc biệt là các cháu thiếu nhi, nếu không có các sân chơi, các nhà hát thì sẽ thiệt thòi vì các cháu, các em sẽ ít cơ hội được được thưởng thức nghệ thuật.
Như mọi người biết, từ năm 1954, sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, chúng ta xây dựng công trình văn hoá rất hạn chế, rất thiếu. Với nhà hát Lớn Hà Nội thực ra chúng ta lấy lại từ thời Pháp họ xây chứ những công trình sau này chúng ta xây dựng chưa đáp ứng được đầy đủ đời sống, nhu cầu của xã hội. Giờ đây khi đất nước phát triển, đời sống phát triển, tôi nghĩ chúng ta cần chăm lo đến văn hoá. Văn hoá là nền tảng, là động lực, mục tiêu phát triển của xã hội. Tôi nghĩ điều này chúng ta cần quan tâm để đầu tư cho văn hoá phát triển.
NSND Trung Kiên: Tôi đã có ý kiến xây dựng nhà hát cách đây vài chục năm
Bây giờ khi bàn tới việc xây dựng thêm nhà hát đã là điều đáng buồn rồi, vì nó quá chậm, quá muộn. Cách đây bao nhiêu năm, khi tôi còn làm ở Bộ Văn hoá Thông tin, nay được gọi là Bộ VHTTDL, cũng có ý kiến cho rằng không cần xây thêm nhà hát nữa mà chỉ cần nhà văn hoá ở Cung Văn hoá Hữu Nghị là đủ rồi. Lúc đó tôi đang phụ trách về khối nghệ thuật, tôi đã phản đối. Tôi đã nói một câu xin lỗi là hơi thô thiển rằng: Ngay cả các cửa hàng bán phở, bún…cũng đã không thể chung được. Nhất là về nghệ thuật là một đặc thù thì cần lắm phải xây dựng nhà hát. Hơn nữa bây giờ không xây dựng thì những năm tới đây sẽ không còn đất để xây dựng nhà hát, đất sẽ giành cho các mục đích khác.
Nên nếu giờ TP Hà Nội xây dựng được nhà hát tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi điều này quá tốt cho cả các nghệ sĩ và người dân. Tuy nhiên khi xây dựng nhà hát to thì cũng phải tính, xây dựng thế nào cho phù hợp để có thể phù hợp với nhiều loại hình nghệ thuật. Đặc biệt là phải tính để nhà hát có thể hoạt động tốt, đều đặn chứ đừng như nhiều nhà hát bây giờ địa điểm thì đẹp nhưng dường như bị bỏ không.
Nhạc sĩ Thuỵ Kha: Thành phố Hà Nội nên xây dựng thêm nhà hát
Tôi nghĩ thành phố Hà Nội nên xây dựng nhà hát, thậm chí không chỉ xây dựng một mà nên xây dựng nhiều nhà hát. Tuy nhiên xây dựng như thế nào lại là một chuyện cần phải bàn kỹ. Đưa nhà hát đi vào hoạt động ra sao để không bị “bỏ hoang” giống như Bảo tàng Hà Nội, không có khách đến xem.
Thực sự nhìn lại thì Hà Nội cũng chưa có một nhà hát nào của thành phố, những nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát kịch Việt Nam thì đều là của các nhà hát tự xây lên, còn Hà Nội đâu đã có. Vì vậy thành phố Hà Nội nên thực hiện xây dựng thêm các nhà hát.
Hơn nữa, đây không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là của người nghệ sĩ. Những thế hệ nghệ sĩ, đặc biệt thế hệ nghệ sĩ trẻ vẫn đang thiếu những nhà hát để họ được biểu diễn, được thăng hoa trong những đêm nghệ thuật gửi tới công chúng và khán giả của họ".
Trước đó, UBND TP.Hà Nội có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp xem xét việc dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen tại Khu Công viên hồ điều hoà CV1 – Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã thống nhất đồng ý với nội dung báo cáo và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen.
Nói về việc dừng triển khai dự án nhà hát hoa sen, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết: Dự án này là xã hội hóa, việc dừng là do nhà đầu tư. Ban đầu đơn vị này dự kiến đầu tư nhưng sau đó họ tính toán cân đối lại thấy không phù hợp nên họ quyết định dừng. Bên cạnh đó, thực tế cũng có một số nhà hát khác được đầu tư nên việc ngừng xây dựng nhà hát đó là phù hợp, được thành phố chấp thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.