Vào năm 1896, chỉ hơn nửa thập kỷ sau khi điện ảnh được khai
sinh, phim kinh dị đầu tiên “Lâu đài ma ám” đã ra đời. Từ đó tới
nay, thể loại phim gây sợ hãi này không ngừng phát triển theo bước
tiến của công nghệ và mức độ phủ sóng của điện ảnh.
Mỗi năm, dòng phim kinh dị của Hollywood đưa ra rạp từ khoảng 50
đầu phim với đủ các chủ đề, đề tài khác nhau, chưa kể tới dòng phim
nhập về từ các châu lục khác. Nội dung cho phim kinh dị hầu như
không bao giờ thiếu, các nhà làm phim luôn tìm ra một nỗi sợ hãi
mới của con người để tập trung khai thác, khắc họa nó với mức độ
kinh dị nhất.
Nhìn lại 120 năm lịch sử phim kinh dị, có thể chia thành 3 dòng
phim: Ma ám, Quái vật và Kẻ giết người.
Ma ám
Dòng phim Ma ám tập trung vào những loại chuyện siêu nhiên, ma
quỷ, địa ngục, những chuyện ngoài tầm hiểu biết của khoa học và con
người. Đây có thể coi là dòng phim đáng sợ nhất đối với người yếu
bóng vía. Cái ác trong phim thường được gán cho một thế lực siêu
nhiên, ác quỷ từ thế giới khác, với sức mạnh không giới hạn và
không thể tiêu diệt, với việc chọn lựa nạn nhân rất ngẫu nhiên và
không có cách phòng tránh. Đạo diễn Mike Flanagan từng giải thích
về ý tưởng phim Oculus của mình rằng: “Không có lý do cho cái ác
trên đời.”
Ngôi nhà ma ám
Đây là đề tài lâu đời nhất của dòng phim Ma ám, khắc họa nỗi sợ
hãi nguyên thủy của con người với ngôi nhà
từng-thuộc-về-người-khác. Trong quan niệm cổ xưa, mọi đồ vật đều
mang một phần tâm tư, tình cảm của người sở hữu nó. Vậy một ngôi
nhà xưa cũ phải chứa đựng hàng chục năm ký ức, xúc cảm của bao
nhiêu người? Và bao nhiêu trong số đó là những ẩn ức xấu xa?
Poster
Annabelle
Đào sâu vào tâm lý lo sợ này, các nhà làm phim đã đưa khán giả
vào những cơn ác mộng lớn nhất của con người khi bước chân vào
những ngôi nhà lạ. Những phim nổi tiếng nhất phải kể tới House
on Haunted Hill (1959), The Haunting (1963), The Amityville Horror
(1979), 1408 (2007).
Tương tự với Ngôi nhà ma ám, con người cũng sợ hãi trước các đồ
vật và đồ chơi “nhiều quá khứ”. Dòng phim búp bê ma ám đã đem về
không ít lợi nhuận với độ sống dai của các biểu tượng Annabelle -
Annabelle (2014), The Conjuring (2013) hay Chucky của loạt
phim Child’s Play kéo dài suốt 6 phần (1988 – 2013). Những
chiếc gương cũng liên tiếp giết người bằng những hình phản chiếu
khó đoán của mình qua các bộ phim Mirrors (2008), Oculus
(2013).
Quỷ địa ngục
Đề tài nổi trội thứ hai của dòng này là loại phim khắc họa con
người bị quỷ từ địa ngục điều khiển, hành hạ, hay chính bản thân ác
quỷ sẽ hiện hình và tàn sát con người. Những đại diện tiêu biểu cho
dòng này là The Exorcist (1973), The Exorcism of Emily Rose
(2005), Possession (2012), Devil (2010), và gần đây nhất là
loạt phim Insidious (2011-2015).
Cảnh trong
phim The Omen
Trong các phim thuộc đề tài này, ác quỷ thường ám vào một thành
viên bất kỳ của gia đình, và nhân vật đó thường có những biểu hiện
tâm lý thất thường, bạo lực, mất trí và co giật, biến dạng.
Có lẽ nguồn gốc sâu xa của loại phim quỷ ám bắt đầu từ sự thiếu
hiểu biết với các bệnh lý thần kinh, với nỗi sợ hãi chính những
người thân mà ta từng hiểu rõ, giờ trở nên mất kiểm soát. Trong
những phim này, lúc đầu cả gia đình thường không tin, không nhận
thức được mức độ nguy hiểm của sự việc, bỏ qua những lời cảnh báo
của các thầy tu hay kẻ săn ma cho tới khi quá muộn.
Linh hồn trả thù
Những kẻ chết oan và không thể siêu thoát, biến thành ma để gieo
rắc hận thù lên người sống có lẽ bắt nguồn từ tâm lý tội lỗi của
con người. Bằng nỗi sợ “ác giả, ác báo”, người ta củng cố tinh thần
đạo đức, kiểm soát hành vi bạo lực của mỗi người.
Phim thuộc dòng này thường để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng
người xem vì hai lý do. Thứ nhất, cái chết đầu tiên, nguồn gốc của
mọi tai họa thường là một án mạng rất bi kịch, thường kèm theo một
hạnh phúc bất thành, cách chết thường rất thê thảm và tàn khốc.
Người xem thương cảm, xót xa cho nạn nhân và cũng oán giận sự bất
công, nên thường đồng cảm với linh hồn kẻ chết.
Nhân vật trong
Candyman
Tuy nhiên sự đồng cảm ấy không kéo dài lâu mà giằng xé bởi sự
ghê tởm, vì đòn thù mà linh hồn ấy giáng xuống những người vô tội
cũng tàn ác không kém. Cuối cùng, thù oán không bao giờ dứt được mà
cứ giằng dai từ đời này sang đời khác cũng là điều khiến người xem
khó quên.
Một trong những con ma kinh điển của dòng phim này là
Candyman trong bộ phim cùng tên năm 1992. Anh vốn là một
chàng trai da đen bị giết vì dám yêu cô gái da trắng, người ta
nhúng anh vào mật ong để bị ong đốt chết. Từ đó Candyman thường
hiện lên sát hại những kẻ gọi tên mình. Những kẻ bị anh sát hại
cũng trở thành linh hồn độc ác và hiện lên giết người khi được gọi
tên.
Những năm 2000, Hollywood nổi lên phong trào làm lại các phim
dạng này từ nguyên gốc Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, bởi âm hưởng châu Á
và những ẩn ức bạo lực gia đình là một làn sóng rất khác lạ. Đúng
như dự đoán của họ, những bộ phim làm lại này hết sức ăn khách và
cũng khiến cho phiên bản gốc được ráo riết kiếm tìm. Hai bộ phim
thành công nhất thuộc dạng này là The Ring (2002) và The Grudge
(2004), cả hai phim đều thành công vang dội về mặt doanh thu
và được làm thêm nhiều phần kế tiếp.
Thần chết
Loạt phim Final Destination được đứng riêng một thể
loại bởi kẻ ra tay thủ ác trong loạt phim này vô cùng khác biệt:
bản thân Thần chết. Trong loạt phim vô cùng thành công kéo dài suốt
5 phần trong 11 năm này, Thần chết được coi là thế lực toàn năng,
là kẻ định đoạt mọi số phận và không gì chống lại được.
Loạt phim Final Destination đã mang lại doanh thu khổng
lồ nhờ vào những kế hoạch chết người vô cùng tinh vi, phức tạp, nỗi
sợ hãi số phận và những diễn viên tuổi teen đẹp ngất ngây. Tuy
nhiên sau một thập kỷ làm mưa làm gió phòng vé, loạt phim có vẻ như
đã đuối ý tưởng và thất sủng dần.
(Còn tiếp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.