Nhớ về Hà Nội - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
"Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây,
Tiếng ve ru những trưa hè..."
"Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du,
Những đêm hoa sữa thơm nồng..."
Những hình ảnh hàng cây xanh rợp bóng đã trở thành hình ảnh gợi lên những "nỗi nhớ" đầu tiên trong bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Đây là một tác phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ảnh VnExpress.
Điều đặc biệt làm nên ý nghĩa và sức sống cho ca khúc là nó được viết bởi một người con đất Nam Bộ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc cuối năm 1954, và trở về Nam sinh sống sau năm 1975. Mãi 9 năm sau, trong một lúc nhớ lại những năm tháng sống cùng Hà Nội, cảm xúc tự nhiên tuôn trào khiến ông chắp bút viết nên bài hát.
Ông tâm sự chân tình: "Đúng là tôi rất nhớ Hà Nội nên mới có bài hát này. Nhớ ban ngày, nhớ ban đêm. Nhớ mùa đông, nhưng nhớ nhất là mùa thu Hà Nội. "Hoa sữa thơm nồng” là có thật trong kỷ niệm riêng của tôi. Nhưng không phải cây hoa sữa đường Nguyễn Du như người ta vẫn nhắc mà là cây hoa sữa của tôi ở phố Bà Triệu, một cây rất to trước cửa phòng bá âm…”- theo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mỗi người có một cách khác nhau để thể hiện cảm xúc, nhưng nhiều người vẫn đặc biệt nhớ đến bản thu đầu tiên của Hồng Nhung trên loa phát thanh những sáng Hà Nội của ngày xưa.
Hà Nội một trái tim hồng - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn
"Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội
Ôi! Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi
Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ
Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ
Mùa thu đi qua từng phố nhỏ".
Hình ảnh "hàng cây xanh bao mùa lá đỏ" cũng được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chọn làm điểm nhấn đầu tiên trong ca khúc "Hà Nội một trái tim hồng" sáng tác năm 1983.
Là người được sinh ra và sống cả cuộc đời ở Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã cảm nhận một cách sâu sắc những cái đẹp, cái ngọt ngào, những cái rất riêng của Hà Nội.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ảnh Mai Vàng.
"Viết về khía cạnh nào của Hà Nội cũng rất khó, không khô khan, cứng đờ, không lãng mạn, không nhớ giả vờ, cũng không thể là một bách hóa tổng hợp với đầy đủ các mặt hàng. Cũng không thể là một diễn ca dài như sông Hồng. Cũng không thể từ bỏ chất trữ tình, "cái chất xanh" của nghìn năm Hà Nội " - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chia sẻ trên
báo Bưu Điện.
Có phải em mùa thu Hà Nội - Nhạc sĩ Trần Quang Lộc
"Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm...
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay... "
Bản nhạc nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc có lẽ là bài "Có phải em mùa thu Hà Nội" hoàn tất năm 1972, phổ từ thơ của Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, với hình ảnh là vàng rơi trên những con đường rợp bóng cây của Hà Nội.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Ảnh Thể thao - Văn hóa.
Nói về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc chia sẻ với báo chí: “...Tôi nhớ lại những năm còn ấu thơ, khi ấy trong xóm có nhiều gia đình người gốc Bắc sinh sống. Tôi thích nghe cái giọng nhẹ nhàng mà ngọt ngào của những thiếu nữ Hà Nội. Đọc văn chương, tôi thường tưởng tượng đến những thiếu nữ Hà Nội xõa tóc đứng bên hàng dương liễu nói cười. Có phải em mùa Thu Hà Nội của tôi phổ thơ của Tô Như Châu ra đời ngay sau đó”.
Một giọng hát gây được nhiều tình cảm với khán giả khi thể hiện ca khúc này là ca sĩ Thu Phương.
Hà Nội ngày trở về - Nhạc sĩ Phú Quang
"Ngày xưa nhà tôi ở Khâm Thiên, ngay vị trí đài tưởng niệm bây giờ. Tôi rất thích nhìn ngắm mẹ mình khâu vá. Sau này khi khu vực đó trở thành đài tưởng niệm, nhà tôi chuyển về khu nhà tập thể ở Trung Tự, tôi chỉ thích về nằm trên chiếc giường của mẹ.
Nhạc sĩ Phú Quang
Từ đó nhìn qua cửa sổ thấy một hàng cây, mình cũng phải tự hỏi mình sao mình lại thiên vị thế nhỉ, tại sao mình lại tự nhìn hàng cây này xanh hơn hàng cây ở Sài Gòn, nhưng có lẽ vì mình yêu Hà Nội quá", nhạc sĩ tâm sự với
Thể thao & Văn hóa về những hàng cây của Hà Nội nhạc sĩ Phú Quang.
Đối với ca khúc
Hà Nội ngày trở về của Phú Quang, mùa thu cũng hiện thật lãng mạn qua hình ảnh hàng cây già:
"Nhưng còn đó mùa thu mùa thu đầy gió,
và rêu phong bên những gốc cây già. "
Ghi dấu ấn đầu tiên với ca khúc Hà Nội ngày trở về có lẽ là cố ca sĩ Văn Tân, người đã sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.
Mong về Hà Nội - Nhạc sĩ Dương Thụ
"Những con đường rất xanh của Hà nội
Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội
Những con đường ngoại ô nắng chói
Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi
Những phố phường rất xưa của Hà Nội..."
Đó là những câu hát "rợp bóng cây xanh" trong ca khúc Mong về Hà Nội của nhạc sĩ Dương Thụ.
Nhạc sĩ Dương thụ. Ảnh VnExpress.
Tâm sự về ca khúc này, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ:
“Nghĩ sao thì viết vậy thôi, chứ có sáng tác thêm thắt gì đâu. Lúc ấy vào Sài Gòn đã mấy năm, kinh tế vất vả quá, không biết khi nào mới về được Hà Nội. Nghĩ về Hà Nội thấy xa xôi lắm”.
Nhạc sĩ từng khẳng định "Hồng Nhung là người hát nhạc tôi hay nhất", bởi vậy "cô Bống" cũng là ca sĩ thể hiện thành công nhất nhạc phẩm này.
Nhớ mùa thu Hà Nội - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."
Là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhớ mùa thu Hà Nội đem đến cho người nghe một cảm giác bâng khuâng, bồi hồi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung. Ảnh Pháp luật - Xã hội.
Trịnh Công Sơn kể:
"Mình rất yêu Hà Nội. Năm 1985 mình cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời thăm Liên Xô, khi trở về, mình ở lại Hà Nội luôn một tháng. Mỗi sáng, mình và Thái Bá Vân đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống bay lên"
- trích theo
Báo Giáo dục Việt Nam.
Mùa thu Hà Nội còn mang đến một nỗi nhớ da diết mà ngay cả tác giả cũng không thể gọi tên được. Nữ ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất ca khúc này.
Hậu Thạch (tổng hợp) (Clip: Sưu tầm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.