Nao lòng “Nhớ ngày mùng 8 về chơi chợ Viềng”
Cuộc đời dâu bể. Rồi những năm tháng cả nước có chiến tranh. Chợ Viềng bẵng đi đến hơn mười năm không họp.
Cho đến khi đất nước tắt tiếng súng, tôi trở về trường đại học, học hết năm thứ ba mới thấy chợ được mở trở lại. Và tôi lại háo hức đi chơi chợ, du xuân...
Hàng nghìn du khách đổ về chợ Viềng (Nam Định). Ảnh: Đời sống Pháp luật.
Ít lâu sau, tôi vào Nam dạy học. Cũng từ đó, chẳng mấy khi được cùng bạn bè dan díu chợ Viềng. Đường xá quan hà cách trở, đồng lương lại bé, giấc mộng du quê trở nên xa vời vợi...
Đêm giao thừa, vào khoảng thời gian đất và trời rẽ lối, tôi bỗng nghe vẳng từ bên kia sông Sài Gòn chim lợn kêu bảy tiếng. Người ta bảo chim kêu bảy tiếng là vận may. Tiếng chim " bảy hồn" đủ cả khí dương cuả muà xuân. Rồi sang năm mới, ra đường gặp ai, cũng sẽ thấy mặt hồng tươi hạnh phúc!
Riêng tôi, tiếng chim kia khiến nao lòng. Nao lòng bởi " Nhớ ngày mồng Tám về chơi chợ Viềng". Nao lòng bởi nhớ phiên chợ Viềng cuối cùng được dự... Thả hồn về với quê cha đất tổ, tôi lặng lẽ cúi đầu, mắt ươn ướt đỏ vì hơi men, đi chợ một mình trong tâm tưởng...
Chợ Viềng tôi đi cách đây mười năm vẫn như xưa. Khác chăng là đã dời địa điểm. Bây giờ, chợ cũ chẳng còn. Thay vào đó, người ta dời bãi tha ma đi nơi khác, dựng lên ở đây một xí nghiệp cơ khí cỡ huyện lẻ. Dấu vết của chợ xưa, vẫn còn hiện diện trong một cây đa xum xuê cành lá. Riêng cái quán lợp rạ và hình ảnh bà lão tóc bạc trắng "nước thời gian" trong thơ Đoàn Văn Cừ, chỉ còn là hoài niệm...
Còn nhớ những năm nào đi chợ, tôi như bị chết mê chết mệt, chỉ quẩn quanh bên những món đồ cổ. Tôi dư biết chẳng bao giờ có thể mua nổi những món hàng quí giá ấy. Thôi thì mỗi năm được thỏa thích nhìn ngắm một lần, chết cũng không còn ân hận...
Có đến tám năm liền, tôi chết lặng bên một bức tranh vẽ bằng nhọ nồi đun củi trầm hương và đất hoàng thổ nuí Tản Viên (ông lão chủ tranh bảo thế) vẽ hình một ông lão mắt lơ đễnh nhìn trời thu, buông câu bên trúc, liễu...Khuôn mặt ông như thoát tục đã thành tiên, sao đôi bàn chân, lạ quá, giống chân bố tôi, một lão nông, như tạc: mười ngón chân bám nhiều trên đường trơn nên cứ như tãi thưa ra... "Chân người Giao Chỉ xưa", bạn tôi nói nhỏ vào tai...
Đến năm thứ chín, ghé chỗ xưa không thấy người và tranh nữa, tôi ngồi nhìn xuống cỏ, bỗng một cô gái ném cho một mảnh giấy hồng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, giở ra đọc. Những bài thơ tình thời Xuân Diệu viết bằng thứ chữ học trò bỗng xôn xao, từ ngữ xưa tưởng đã nhàm, ai ngờ vào tiết xuân, tự nhiên động cựa xôn xao. Tôi bỏ cả bạn bè đuổi theo tiếng cuời tinh nghịch kia. Ô, cô em gái của một người bạn! Từ đấy, cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn viết tiếp những vần xuân... Cũng là duyên nợ cả! Chỉ tại cái chợ đa tình kia!
Có một lần, tôi hỏi bố sao tên chợ lại là chợ Viềng. Bố tôi trách: " Bố những tưởng anh học cao thì biết rộng. Thế đến cái tên chợ cũng không biết đến gốc thật a?". Tôi thú thật: chúng tôi học nhiều quá, biết nhiều quá, đến nỗi, nhiều cái nhỏ, cái cụ thể, không biết nữa! Lạ lắm thay? Giận đấy, nhưng khi thấy tôi tỏ ra thành thật với sự dốt nát của mình, bố tôi cũng giải thích để tôi rõ. Vì thế, cho đến bây giờ, tôi cũng không biết ông cụ dựa vào sách vở nào.
Đại ý thế này: Vào khoảng đời Lý, sư Không Lộ cho xây chùa Cổ Lễ, chùa Bi, chùa Thượng ở Nam Trân. Chùa xây xong vào mồng Tám tháng Giêng. Dân chúng đến mừng, đông quá, tụ lại cách chùa Bi cả cây số mà thành chợ. Chợ họp vào tháng Giêng, gọi chệch tên mà thành... "Thế chợ Viềng ở Vụ Bản, chợ Viềng ở Viềng, Mỹ Lộc thì sao hả bố?".
Bố tôi bảo: "Chợ Viềng Nam Trân người đến hàng năm dài như rồng như rắn, đen một góc trời.Từ Vụ Bản qua, từ Mỹ Lộc xuống phải đi đò. Đò chở không hết người. Người đi chợ tụ lại mà thành chợ Viềng mới là vậy...". Nghe rất có lý. Tôi thấy có lý vì chưa tìm được một chứng cớ gì về nguồn gốc xưa. Mặt khác, giải thích như bố tôi cũng đã là quá đẹp. Về sau, hỏi một số cụ già trong vùng, tôi cũng chỉ được trả lời tương tự thế...
Thường những dịp ấy, khuya lắm tôi và lũ bạn nhỏ mới kéo nhau về, vừa chạy trên đường, vừa hò hét bắt chước giọng điệu của một gánh chèo hay một gánh tuồng diễn không bán vé vào đêm có chợ.
Đêm tháng Giêng tối trời, lất phất mưa bụi bay. Lúc này mới thấy rét...Sớm mai, vẫn chẳng thiếu một đứa nào trên sân đu ngoài diệc mạ gần chợ Thượng .
Ô kìa, bố tôi hôm nay áo chùng the đen, tay lại cầm ô đi trước, u tôi áo lương dài khăn mỏ quạ, xách tay nải đi sau. Tôi biết ấy là lúc hát chèo văn có kèm lên đồng ở các nhà thờ họ đã bắt đầu...
Năm tháng qua đi, đất nước trải qua chiến tranh, rồi trở lại thanh bình. Chúng tôi như chim bay khắp phương trời, dự vào những cuộc hội lớn của công cuộc tái tạo đất nước. Kẻ xuôi Nam, người ngược Bắc...Có điều, tôi biết: trước mùa xuân, chẳng mấy ai quên lời:
Nhắn ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày mồng Tám về chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên...
Vợ tôi bảo năm nay tôi đâu có đi chợ Viềng một mình...
Trong cái thành phố lắm chợ này, liệu tôi có tìm được cho mình một chợ Viềng?
Xem hai bài trước >>
Ký ức chợ Viềng xưa của thầy giáo Văn trường Lê Hồng Phong
Ký ức chợ Viềng xưa: Độc đáo Phở trâu chú Lềnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.