Những sinh viên trường nhạc nào cảm thấy “sợ” những bản nhạc của Mozart và Beethoven sẽ có thể tìm thấy niềm cảm hứng mới từ hai tên tuổi vĩ đại này, miễn là họ có sẵn vài trăm triệu đồng để đầu tư cho… một lọn tóc của thiên tài âm nhạc.
Nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (trái) và nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven (phải).
Sắp tới đây hai lọn tóc của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng sẽ được đem ra bán đấu giá, việc đem bán những lọn tóc của người nổi tiếng vốn không phải việc gì xa lạ, trước đây, người ta đã từng bán những lọn tóc của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và “ông hoàng nhạc Rock & Roll” Elvis Presley.
Một lọn tóc của nhà soạn nhạc Mozart được dự kiến có giá lên tới 10.000 bảng (332 triệu đồng) khi xuất hiện tại một cuộc đấu giá sắp diễn ra vào tuần tới.
Lọn tóc của nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) từng được vợ ông - bà Contanze - cắt ra và đặt vào một mặt dây chuyền mạ vàng làm kỷ niệm hồi năm 1791, khi Mozart qua đời ở tuổi 35.
Ở thế kỷ 18-19, khi một người nổi tiếng qua đời, người ta thường cắt một vài lọn tóc để giữ lại làm kỷ niệm. Lọn tóc của Mozart đã được vợ ông giữ trong một mặt dây chuyền mạ vàng, sau này, bà trao tặng nó lại cho nhạc trưởng người Đức Karl Anschutz. Cứ thế, chiếc mặt dây chuyền được trao tặng qua tay nhiều người.
Năm 2002, một lọn tóc của Mozart đã từng được bán với giá 38.240 bảng (gần 1,3 tỉ đồng), gấp gần bốn lần mức giá ước tính hiện tại.
Ngoài ra, một vài sợi tóc của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (1770-1827) và một lá thư mời tới dự lễ tang nhà soạn nhạc hồi năm 1827 cũng sẽ được đem ra rao bán tại cuộc đấu giá sắp diễn ra. Lọn tóc của Beethoven ước tính có giá 3.000 bảng (100 triệu đồng).
Giá một lọn tóc của nhà soạn nhạc Mozart cao hơn hẳn tóc của Beethoven là bởi sinh thời Mozart rất hài lòng với những lọn tóc xoăn đẹp của mình.
Người nào mua được lọn tóc của Beethoven sẽ được tặng kèm lá thư mời dự lễ tang nhà soạn nhạc hồi năm 1827. Lá thư mời đã cho thấy phần nào sự tiếc thương mà đương thời người ta dành cho Beethoven - một nhà soạn nhạc tài năng không ai có thể thay thế được. Beethoven đã chết vì chứng phù nề vào buổi tối ngày 26/3/1827.
Rất nhiều người xa lạ đã tìm đến nhà ông để thể hiện sự ngưỡng mộ và niềm thương tiếc dành cho con người tài năng đã vừa nằm xuống. Một người bạn của Beethoven lúc sinh thời - Gerhard von Breuning - từng nhớ lại rằng khi ông vừa hay tin và đến nhà bạn mình thì ở đó đã có rất nhiều người xa lạ hiện diện, họ đã cắt hết cả tóc của Beethoven.
Lá thư mời tới dự lễ tang Beethoven và một lọn tóc nhỏ đã bạc của nhà soạn nhạc.
Dựa trên những lọn tóc còn lại đến hôm nay của Beethoven, các nhà khoa học đã có thể kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe của nhà soạn nhạc trong những ngày tháng cuối đời, thực tế, Beethoven đã bị ngộ độc chì rất nặng.
(Theo Dân Trí/Washington Post)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.