Ngô Thanh Vân và hành trình khẳng định danh xưng đả nữ màn ảnh Việt

Thảo Nguyên Chủ nhật, ngày 24/02/2019 18:08 PM (GMT+7)
Cùng nhìn lại vai diễn đả nữ đầu tiên và mới nhất của Ngô Thanh Vân: Võ Thanh Thúy trong “Dòng máu anh hùng” và Hai Phượng trong bộ phim cùng tên.
Bình luận 0

12 năm trước, Ngô Thanh Vân lần đầu tiên bước chân vào “lãnh địa” phim hành động với vai Thúy của Dòng máu anh hùng. Sau vài vai diễn cùng thể loại, mới đây nhất, với vai bà mẹ Hai Phượng đi tìm con, nữ diễn viên đã khẳng định được vị thế "đả nữ" số một của mình.

Từ nàng Thanh Thúy trẻ trung và liều lĩnh…

Charlie Nguyễn, đạo diễn phim Dòng máu anh hùng đã từng bày tỏ rằng vai Võ Thanh Thúy dường như được “đo ni đóng giày” cho Ngô Thanh Vân dù vào năm 2007, ngôi sao nữ này chưa từng có chút kinh nghiệm đóng phim võ thuật. Đúng như kỳ vọng, Ngô Thanh Vân đã vào vai xuất sắc, thể hiện tốt không chỉ các phân cảnh giao chiến mà còn lột tả được chân thực nội tâm nhân vật.

img

Thúy và Cường – cặp đôi nhân vật chính trong phim Dòng máu anh hùng

Thúy là một cô gái thôn quê quả cảm, ở Thúy người xem thấy được những đức tính đặc trưng của một người con gái Việt. Do bối cảnh phim là năm 1928 khi nước ta bị thực dân Pháp chiếm đóng, cũng rất hợp lý khi điều mà Thúy luôn luôn tâm niệm trong đầu chính là tình yêu dành cho đất nước, đồng bào. Chất anh hùng được bộc lộ rõ ràng ở các chi tiết khi Thúy của Ngô Thanh Vân không hề nao núng dù bị kẻ địch tra tấn dã man, khi nàng tả xung hữu đột giữa vòng vây của giặc.

img

Ngô Thanh Vân trong trang phục áo cài khuy bấm và tóc vấn cao

Dòng máu anh hùng, vai nữ của Ngô Thanh Vân không phải là vai chính duy nhất. Thúy song hành cùng Cường (do Johnny Trí Nguyễn thủ vai) vượt qua nhiều thử thách cam go. Cũng bởi vậy mà người ta nhìn thấy được khía cạnh nữ tính, duyên dáng của Thúy khi yêu. Về mặt tạo hình, Thúy xuất hiện với trang phục áo vải cài khuy bấm quen thuộc của phụ nữ miền Bắc, tóc vấn cao dịu dàng góp phần tô đậm nét đẹp thuần Việt.

… đến Hai Phượng gan góc, sắt đá

Hành trình 12 năm đi từ Thúy đến Hai Phượng cho thấy Ngô Thanh Vân đã có bước tiến dài ở cả diễn xuất lẫn tư duy xây dựng nhân vật. Khác với Dòng máu anh hùng, ở Hai Phượng nữ diễn viên trực tiếp tham gia khâu sản xuất, vì vậy sự phát triển tính cách Hai Phượng cũng ít nhiều mang dấu ấn cá nhân của cô. Nhìn lại danh sách các bộ phim gần đây có tên Ngô Thanh Vân trong đội ngũ làm phim như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, dễ thấy điều mà cô hướng đến chính là giữ gìn, truyền bá nét đẹp văn hóa dân tộc.

Cũng là hình tượng nữ anh hùng nhưng Hai Phượng là một cá tính hoàn toàn khác với thôn nữ Võ Thanh Thúy. Nếu như Thúy được xây dựng khá đơn giản với các nét tính cách một chiều, ít dằn vặt nội tâm, thì Hai Phượng lại có sự phát triển tâm lý phức tạp, đa dạng hơn. Thúy trẻ, trong sáng, nhiệt huyết, đầy năng lượng. Hai Phượng cũng từng trong sáng, nhiệt huyết, từng chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng rồi quyết định đó khiến Hai Phượng trở thành một bà mẹ đơn thân, bị gia đình từ mặt.

img

Hai Phượng gần như hoàn toàn độc diễn trong phim

Nghề nghiệp của Hai Phượng dễ khiến người xem “lấn cấn”: đòi nợ thuê. Có lẽ không một nữ anh hùng nào trên màn ảnh lại làm một nghề đậm chất giang hồ đến thế. Nhưng chính điều đó khiến Hai Phượng trở nên chân thực hơn: chị là một con người bình thường, nếm trải nhiều cay đắng, phải chống chọi với cuộc sống thực tại. Cảnh quá khứ của Hai Phượng không chiếm quá nhiều thời lượng, tuy vậy lại rất phong phú, từ lúc còn con nít được bố dạy võ đến khi bỏ nhà theo người yêu, lúc làm giang hồ trong các vũ trường Sài Gòn và khi mang thai phải một mình tìm đến vùng sông nước miền Tây.

Hai Phượng, Ngô Thanh Vân không còn người tình nào song hành nữa. Chị hoàn toàn độc diễn, cảnh sát Lương chỉ đóng vai trò chỉ đường dẫn lối khá mờ nhạt. Không còn một anh hùng nào ra tay cứu giúp mỹ nhân nên hình tượng Hai Phượng càng thêm ấn tượng và độc đáo. Ít có phim Việt nào lựa chọn một người nữ đơn thương độc mã làm nhân vật chính, ngay cả các phim trước đó của đả nữ như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng hay Lửa Phật cũng đều có nhân vật nam chính đồng hành. Về điểm này, Ngô Thanh Vân và êkip làm phim đã bắt đúng “trend” điện ảnh thế giới hiện tại: đề cao nữ quyền bằng các nhân vật nữ chính độc diễn, mà ví dụ tiêu biểu nhất là nàng Wonder Woman của DC Comic.

img

Đây là nhân vật nữ có nhiều uẩn khúc trong tâm lý

Những phân cảnh không một lời thoại như cảnh Hai Phượng ngồi ở hiên nhà im lặng hút thuốc, cảnh chị đứng giữa chợ, hoang mang và rối loạn trước bao lời chỉ trích của mọi người hay cảnh chị ngồi cô độc giữa đường chờ người anh trai đã lâu không còn liên lạc… đều góp phần khắc họa một người phụ nữ khốn khổ với quá nhiều góc khuất tâm hồn.

Người mẹ Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đã thoát khỏi hình ảnh hiền lành, chất phác quen thuộc của phụ nữ Việt Nam để trở nên đầy gai góc và sắt đá. Tuy thế, chị vẫn giống như nhiều người phụ nữ Việt khác: yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng làm tất cả vì con. Người mẹ ấy thẳng thắn thừa nhận trong nước mắt rằng chị đã hối hận rất nhiều chuyện trong đời, chỉ duy nhất việc sinh ra bé Mai là khiến chị tự hào và hạnh phúc.

img

Tạo hình Hai Phượng đậm chất miền Tây Nam Bộ

Dù vẫn còn nhiều “sạn”, và về cốt truyện, giống như Dòng máu anh hùng, Hai Phượng đều mắc chung một lỗi là mạch phim còn đơn giản, các phân đoạn chiến đấu “thiên vị” phe chính diện đến mức vô lý. Nhưng Hai Phượng là một thành công lớn của Ngô Thanh Vân, tạo được bước đột phá trong lối xây dựng hình tượng nữ chính, xứng đáng được gọi là siêu phẩm hành động của điện ảnh Việt 2019.

12 năm trước, Thuý của Dòng máu anh hùng mang lại danh xưng "đả nữ" cho Ngô Thanh Vân. 12 năm sau, Hai Phượng thêm một lần nữa bảo chứng, khẳng định Ngô Thanh Vân vẫn "sừng sững" với danh xưng "đả nữ" màn ảnh Việt khó ai có thể vượt qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem