Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941, quê quán ở thôn Vĩ Dạ, TP Huế.
Năm 1961, ông tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế cùng thế hệ với các nhà thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Thái Ngọc San, họa sĩ Bửu Chỉ... Từ 1965, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo và làm thơ. Năm 1970 ông ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh.
Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê nhà và làm giao liên xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), sau đó về công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.

Nhà thơ Trần Vàng Sao. (Ảnh: Minh Tự/Tuổi Trẻ)
Cho đến năm 2012, Nhà xuất bản Hội nhà văn mới in cho ông tập thơ đầu tiên, đó là trường ca Gọi tìm xác đồng đội.
"Bài thơ của một người yêu nước mình" là tác phẩm của Trần Vàng Sao được sáng tác vào tháng 12-1967 và được chọn là 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.
“… Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đầy những cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ tiếng còi tàu… ”
Cuộc đời ông đã trải qua nhiều đoạn trường, thăng trầm như chính tâm sự nhà thơ qua bài “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình”. Yêu ông vì tính chân chất và những trải lòng tâm sự của người yêu nước mình.
“tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn… “
Có lẽ nhà thơ Trần Vàng Sao đã trả nợ xong kiếp tạm khổ đau này! Cầu mong ông rong chơi nơi cõi vĩnh hằng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.