Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Quyết tâm không viết Facebook lung tung

Khánh Linh Thứ hai, ngày 02/04/2018 07:00 AM (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đánh giá Facebook lợi cho bạn đọc nhưng lại hại cho giới sáng tác. Nữ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng tuyên bố hạ quyết tâm không viết Facebook lung tung nữa.
Bình luận 0

“Sẽ kiềm chế khoái cảm đăng Facebook”

Theo phân tích của tác giả “Của để dành” về công việc viết lách của bản thân, nhiều khi cũng tứ đấy, tư tưởng đấy nếu chịu khó thêm thắt câu chữ, cấu tứ thì đã thành được một truyện ngắn rồi. Nhưng khi chị đăng lên trang Facebook cá nhân thì nó sẽ chỉ dừng ở một cái “tút” hấp dẫn thú vị. Có người gợi ý Nguyễn Thị Thu Huệ cứ dựa trên chính những chuyện đã đăng Facebook mà viết thêm thành truyện nhưng nữ nhà văn chịu không làm vậy được bởi với chị, khi đã viết xong là xong.

img

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ hào hứng chia sẻ về việc sáng tác. Ảnh: Hữu Việt

Cũng vì nhận thấy như vậy là khá uổng nên mới đây, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã tuyên bố: “Sẽ kiềm chế khoái cảm đăng Facebook để thoả mãn lúc đấy. Hạ quyết tâm không viết Facebook lung tung nữa”.

Ngoài bất cập của mạng xã hội được chính nữ nhà văn tiết lộ trên đây, một nỗi e ngại khác là liệu thói quen viết và đăng Facebook có làm “dễ dãi hóa” phong cách viết của tác giả. Đem nỗi băn khoăn này hỏi trực tiếp Nguyễn Thị Thu Huệ, chị cười cho biết mình viết Facebook cũng cẩn thận như viết truyện, cũng viết đi viết lại nhiều lần, sau khi đăng lên mà đọc lại thấy không ổn thì lại sửa. Một mẩu nhỏ viết ra cũng sửa đi sửa lại rất nhiều lần.

“Tính mình khi đã viết đều rất kỹ, kể cả bức thư tay, đọc lại thấy không ổn thì lại sửa. Đã thành tính như vậy rồi thì thậm chí là viết comment (bình luận) vào một việc gì đó mình cũng rất kỹ, cân nhắc xem câu chữ đúng chưa, thể hiện hết được ý của mình chưa, có làm người ta buồn không…”, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ với Dân Việt.

Có lẽ cũng bởi sự kỹ lưỡng “cân lên đặt xuống” khi làm nghề như vậy mà thời gian gần đây mãi chưa thấy Nguyễn Thị Thu Huệ ra sách mới sau cuốn “Thành phố đi vắng” (2012) hay như trước đó là “Nào, ta cùng lãng quên” (2003) và một loạt tác phẩm nối nhau ra mắt công chúng vào thời “hoàng kim” những năm 90 như: “Cát đợi” (1993), “Hậu thiên đường” (1994), “Phù thủy” (1995), “Tân cảng” (1997).

img

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, TS Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu trong buổi giao lưu cùng nữ tác giả chiều 31.3 nhân dịp ra mắt cuốn "Của để dành" . Ảnh: Hữu Việt

Xưa viết như bung ra, giờ viết như dội ngược lại

Khẳng định cái sự “trầm lắng” gần đây hoàn toàn không phải do bận rộn lắm công nhiều việc, nữ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thẳng thắn: “Không nên đổ tại cho bận để lười viết mà phải chỉ bảo lại bản thân. Ngày xưa vào lúc khổ nhất, vất vả nhất lại là lúc viết được nhiều tác phẩm như thế… Nên không lý do gì giờ điều kiện đầy đủ lại không viết được”.

"Giờ tác phẩm của mình có rất nhiều để mà in, một tập dày cũng có. Nhưng bảo để quyết định in thì mãi không quyết định được”.

- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Tác giả “Hậu thiên đường” vẫn còn nhớ như in cái thời bao cấp khốn khó, khi điện cắt từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cứ ngoài giờ đi làm, lo cho con ăn uống đâu đấy xong thì tầm 6 giờ chiều chị lại đạp xe quay lại Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội) để mượn chiếc máy chữ duy nhất của cơ quan và ngồi dính vào ghế dưới ánh đèn vàng tối, muỗi đốt, bụng đói và “gõ như điên vì mọi chuyện diễn ra ào ạt trong đầu”.

Thường đến khoảng 10 giờ đêm, khi cổ họng khô rát, những ngón tay đau nhức, xung quanh khu vực cơ quan đã tối đen không một bóng người mà bản thân lại rất sợ ma, Nguyễn Thị Thu Huệ mới đóng máy chữ, sắp xếp những trang bản thảo giấy mỏng vàng rồi đạp xe về. Đến đêm khuya, khi con ngủ, chị lại lôi bản thảo ra đọc và sửa. Có những truyện như “Hậu thiên đường”, “Phù thủy” thời đó đã được chị đánh máy lại tới 5 lần. 

“Xưa viết như bung ra, gặp chi tiết nào đó có thể giải thích một chút. Giờ mình viết như dội ngược lại. Hình ảnh đó, chi tiết đó rồi, ai muốn hiểu cô ấy tốt xấu thế nào tự hiểu. Giờ tác phẩm của mình có rất nhiều để mà in, một tập dày cũng có. Nhưng bảo để quyết định in thì mãi không quyết định được”, nữ nhà văn thú nhận.

img

Không chỉ xin chữ ký nhà văn cho cuốn sách mới vừa ra mắt, bạn trẻ 9X này còn mang đến một bộ sưu tập các tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ để xin chữ ký khiến tác giả bất ngờ thích thú. Ảnh: Khánh Linh

Và có lẽ để những người yêu thích truyện Nguyễn Thị Thu Huệ khỏi phải “sốt ruột” khi tác giả mãi chưa chịu “trình làng” tác phẩm mới, một tuyển tập truyện ngắn mang tên “Của để dành” vừa được NXB Trẻ cho ra mắt là tập hợp 46 truyện ngắn mang dấu ấn đặc sắc nhất của giọng văn Nguyễn Thị Thu Huệ chủ yếu viết trong giai đoạn 10 năm từ 1990 đến 2000. Điểm lại một con đường văn học của nhà văn, những câu chuyện trong “Của để dành” vẫn gắn với những vấn đề của xã hội Việt Nam thời Đổi mới và cả thập niên tiếp sau đó. Bạn đọc có thể tìm gặp ở đây loạt truyện ngắn quen thuộc đã gắn với tên tuổi của Nguyễn Thị Thu Huệ (một số trong đó đã được chuyển thể thành phim truyền hình) như: “Của để dành”, “Xin hãy tin em”, “Hậu thiên đường”, “Người đi tìm giấc mơ”, “Tân cảng”, “Nước mắt đàn ông”, “Phù thủy”…

Nguyễn Thị Thu Huệ bày tỏ, phải mất 4 năm và rất nể nang trước tình cảm và sự nhiệt tình của biên tập Lê Thị Hoàng Anh – bà đỡ “mát tay” của NXB Trẻ, chị mới đồng ý tái bản những truyện chủ yếu viết cách đây hơn 20 năm. 

img

“Khi soạn bản thảo, mình cứ đọc trang nào là biên tập. Câu này dài, phải rút gọn lại, ý kia thêm nữa mới đẩy đến tận cùng. Loay hoay mãi, rồi nói với chị Hoàng Anh, thôi em không tái bản nữa, sẽ gửi chị tập mới em xong bản thảo rồi. Chị cương quyết: Em đừng sửa chữa biên tập. Hãy để nguyên, vì đấy là em, là đời sống chúng ta hai, ba mươi năm trước. Đừng lấy cách viết bây giờ để xoá đi câu chữ ngày xưa.

Và mình mãi rồi cũng tặc lưỡi nghe chị, nhắm mắt để nguyên như bản in đầu tiên. Sách đã in, đọc lại như thấy mình ngày xưa, thủa đam mê khát khao viết mỗi ngày… Biết thế này không lần lữa 4 năm mới tái bản và thấy không biên tập lại là đúng, dù có quá nhiều câu văn ngây ngô, mình vừa đọc vừa gãi gáy...vì ngứa tay quá!”, tác giả “Của để dành” chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem