Anh là diễn viên Lại Phú Đôn. Phú Đôn sinh năm 1960, anh thuộc khóa diễn viên đầu tiên được đào tại tại nhà hát Kịch Việt Nam cùng với Trung Anh, Quốc Khánh, Lan Hương… Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, Phú Đôn đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả qua hàng loạt vai diễn với phim truyền hình, phim điện ảnh và sân khấu kịch nói.
Diễn viên Phú Đôn
Ngoài đời Phú Đôn cũng gần gũi, chân thật, giản dị như những vai diễn của anh trên màn ảnh.
Anh được khán giả nhớ đến với những vai diễn chân chất, giản dị. Hầu hết các vai của anh đều là những người đàn ông nông thôn nghèo khổ, vất vả. Khán giả còn gọi anh là “người đàn ông có gương mặt đau khổ” của màn ảnh Việt. Anh có nghĩ, đó cũng là một kiểu “chết vai”?
(Cười). Tôi rất cảm ơn khán giả đã nhớ đến một trong những kiểu vai diễn tôi đã từng thể hiện. Trên thực tế, tôi đã nhận nhiều kiểu vai diễn khác nhau. Nhưng quả thực, các đạo diễn đôi khi vẫn chọn diễn viên tùy theo ngoại hình. Chúng tôi vẫn gọi đó là cách phân vai theo kiểu phim hoạt hình. Cứ những vai nghèo khổ, nông thôn, vất vả là các đạo diễn lại nói “Đôn đây chứ đâu!”.
Tôi hay được mời vào các vai gần với ngoại hình của mình. Đó cũng là một cách tốt, nhưng nếu cứ như thế mãi sẽ khiến diễn viên… lười. Không chịu sáng tạo. Tôi biết vậy nên luôn cố gắng thoát ra và nhận những vai diễn đa tính cách, đa chiều hơn.
Cái “Được” lớn nhất của các vai nông thôn, nghèo khổ do anh thể hiện chính là tình yêu mến của khán giả. Những nhân vật của anh trong các phim gần đây như “Ông Tơ hai phẩy”, “Bão qua làng”… được khán giả rất yêu thích. Liệu, có phải vì yêu mến các nhân vật chân thật, giản dị của anh mà khán giả đã yêu mến “lây” sang cả anh không?
Có thể một phần là như thế. Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu là một người khác đóng những vai ấy (không phải tôi), liệu có được khán giả yêu mến như thế? Họ sẽ thành công hơn tôi, hay sẽ thất bại? Đó là một phép thử khó có câu trả lời thấu đáo.
Với cá nhân tôi, để có được những vai diễn được khán giả nhớ đến và yêu mến như trong các phim “Ông Tơ hai phẩy”, “Bão qua làng”… Tôi cảm ơn đạo diễn, quay phim, các bạn diễn cùng làm việc với mình. Tôi thích làm phép so sánh, giả sử nếu đưa C.Ronaldo vào đá trong một đội bóng khác liệu anh ấy có thể trở thành ngôi sao? Ví như, C.Ronaldo đá ở… Sông Lam Nghệ An chẳng hạn, liệu anh ấy có tỏa sáng như thế?
Với phim cũng vậy, đó là tác phẩm của cả một tập thể. Phải có đạo diễn giỏi, quay phim giỏi, câu chuyện hay, mới có những nhân vật (diễn viên) xuất sắc.
Phú Đôn trong phim "Ông Tơ hai phẩy"
Người ta chọn nghề diễn thường vì có ngoại hình “cao to đẹp trai”, để còn đóng những vai anh hùng, những vai tài tử, để còn có người hâm mộ chạy theo xin… “chết”. Anh chọn nghề diễn là vì…?
Phải thừa nhận, với nghề diễn, việc có ngoại hình “cao to đẹp trai” vô cùng lợi thế. Những vai nam chính thường dành cho những ai có ngoại hình đẹp. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, là diễn viên không chỉ cần có ngoại hình, mà phải cần có cả trái tim và… “cái đầu” nữa. Người biết suy nghĩ, lại có thêm trái tim đầy nhiệt huyết cũng sẽ tạo được cho mình một lợi thế khác.
Vả lại, trên phim đâu chỉ có những vai chính là người “cao to đẹp trai”, đâu chỉ có vai Thiện, còn rất nhiều kiểu vai khác nữa. Cũng như một đội bóng nếu 11 cầu thủ đều là tiền đạo cả thì… vứt!
Phú Đôn trong phim "Bão qua làng"
Là lớp diễn viên khóa đầu được đào tạo tại nhà hát Kịch Việt Nam, anh đã có gần 40 năm gắn bó với nghề diễn và sân khấu kịch nói. Đã đi cùng nhà hát Kịch VN qua cả chặng đường dài từ hưng thịnh đến suy vong, đã khi nào nghề diễn khiến anh nản lòng, và đã khi nào chuyện “cơm áo gạo tiền” là gánh nặng với Phú Đôn?
Về chuyện nhà hát và sân khấu kịch suy vong, tôi lại nghĩ, đó là một dấu hiệu tốt cho những nghệ sĩ làm nghề. Khi sân khấu hưng thịnh, những người làm sân khấu đã quen với việc khán giả phải xếp hàng đến rạp mua vé xem họ diễn. Đến khi thời thế thay đổi, sân khấu vắng hoe, lúc ấy người ta nản lòng, bao nhiêu nghệ sĩ bỏ sân khấu đi làm kinh tế. Tôi cho rằng, những ai bỏ sân khấu đi làm kinh tế là những người thiếu bản lĩnh và không yêu nghề. Khán giả chưa bao giờ quay lưng với sân khấu. Đã đến lúc, sân khấu phải tìm cách đến với khán giả thay vì cứ ngồi đợi khán giả tự nguyện đến với mình.
Về thu nhập từ sân khấu từ xưa đến nay vẫn luôn thấp. Thậm chí là quá thấp. Ở Việt Nam, trợ cấp cho diễn viên chuyên nghiệp thực sự quá thấp. Bởi vậy, ngay cả khi sân khấu còn hưng thịnh, đến khi suy vong hay hồi phục lại, thì thu nhập dành cho nghệ sỹ vẫn… thấp gần như nhau, chẳng chênh lệch là mấy.
Cá nhân tôi vẫn sống bằng lao động nghệ thuật, bằng thu nhập từ hai bàn tay mình. Trước đây khi còn có sức khỏe, tôi rất chịu khó, chẳng nề hà bất cứ một công việc nào. Tôi làm tổ chức sản xuất, chủ nhiệm phim, phó đạo diễn, lồng tiếng, thu âm cho đài tiếng nói… Việc gì cũng làm, thu nhập 50 ngàn cũng làm. Hiện nay, do điều kiện sức khỏe không cho phép nên tôi chọn lựa công việc kỹ hơn, nhất là các vai diễn- vai nào hay mới nhận làm.
Diễn viên Phú Đôn ngoài đời (Ảnh: H.H)
Bấy nhiêu năm vượt qua thăng trầm, khó khăn với nghề diễn, quay quắt làm đủ việc từ lồng tiếng tiếng, đến đóng phim…Anh được nhiều khán giả yêu mến, nhớ tên. Việc vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT có bao giờ là nỗi chạnh lòng đối với một nghệ sĩ như anh?
Việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ là chuyện của cơ chế. Cơ chế ấy kèm theo rất nhiều quy định của nhà nước. Đã là cơ chế, quy định- tôi không có ý kiến gì. Cá nhân tôi không lấy việc phong tặng danh hiệu là mục đích phấn đấu trong sự nghiệp của mình. Thành công lớn nhất, giải thưởng cao quý nhất đối với tôi là tình yêu mến của khán giả.
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.